COM đang là “con mồi” của 2 doanh nghiệp trong ngành, PV Oil và Saigon Petro

COM đang là “con mồi” của 2 doanh nghiệp trong ngành, PV Oil và Saigon Petro

Nhận diện “thợ săn” và “con mồi” trên sàn chứng khoán

(ĐTCK) Hoạt động săn mua cổ phần, thâu tóm công ty niêm yết trong 6 tháng đầu năm diễn ra không kém phần nhộn nhịp. Ở một số thương vụ, ý đồ của “thợ săn” là những toan tính chiến lược, nhưng với không ít thương vụ, “đi săn” chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính.

“Săn” về “nuôi”

CTCP Vật tư - Xăng dầu (COM) đang là “con mồi” của 2 doanh nghiệp trong ngành. Cuối tháng 6/2014, Công ty TNHH Dầu khí TP. HCM (Saigon Petro) thông báo đã mua thêm 166.277 cổ phần COM trong tổng số 220.000 cổ phần đăng ký mua vào, nâng khối lượng nắm giữ lên 4,9 triệu cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu tại COM từ 34,47% lên 34,74%.

Nhưng Saigon Petro chưa phải là cổ đông lớn nhất. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) hồi đầu tháng 6 công bố đã mua thêm 204.226 cổ phần, nâng khối lượng và tỷ lệ nắm giữ lên lần lượt gần 5,85 triệu cổ phần và 42,53%.

Cả Saigon Petro và PVOil đã “săn” COM từ nhiều năm nay. Cuối tháng 4/2012, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên của COM, Saigon Petro và PV Oil đã đưa người của mình vào HĐQT (mỗi bên 2 người) và Ban Kiểm soát (mỗi bên 1 người) của COM nhiệm kỳ 2012-2016. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT vẫn là người cũ và Trưởng ban Kiểm soát cũng không phải là người của bên nào. Khi đó, Saigon Petro đã sở hữu 26,56%, còn PV Oil sở hữu 30,32%.

Saigon Petro và PV Oil gom cổ phần giữa lúc kết quả kinh doanh của COM trong năm 2010 và 2011 không thực sự khả quan, doanh thu tăng lần lượt hơn 27% và 30%, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn 41% và 11%. Vốn điều lệ hiện tại của COM là 141,2 tỷ đồng, không thay đổi từ cuối năm 2010. Trong 2 năm qua, mỗi năm, COM lãi ròng hơn 25,5 tỷ đồng.

Saigon Petro và PV Oil đều là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, trong khi COM hiện có 42 cây xăng, tập trung chủ yếu ở TP. HCM và các tỉnh lân cận. Có lẽ đây là lý do khiến Saigon Petro và PV Oil đua nhau gom cổ phiếu COM một cách không mệt mỏi.

Một “thợ săn” khác chuyên “săn mồi” trên sàn là CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII). CII hiện đang tái cấu trúc Công ty theo mô hình tập đoàn, với mục tiêu công ty mẹ sẽ nắm ít nhất 51% ở 5 công ty con, gồm CII Bridge & Road, CII Water, CII Land, CII E&C và CII Service.

CII Water chính là CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) hiện tại. Cuối năm 2013, tỷ lệ sở hữu của CII tại SII là 35%. Theo thống kê của CTCK ACB (ACBS), tỷ lệ này tính đến ngày 7/4/2014 là 44,15%. Tuy nhiên, cuối tháng 4/2014, CII công bố thông tin đã mua thêm gần 2 triệu cổ phần SII, nâng tỷ lệ sở hữu lên 49,14%. Theo ACBS, số lượng cổ phần tự do chuyển nhượng của SII không còn nhiều, nên có khả năng CII cùng với các cổ đông lớn khác sẽ đề nghị cổ đông nhỏ bán lại và tiến hành huỷ niêm yết SII.

SII chuyên quản lý các khoản đầu tư vào ngành nước. Cụ thể, SII đang sở hữu 23,3% cổ phần tại CTCP Cấp nước Long An (công suất 40.000 m3/ngày), 40% cổ phần của CTCP Cấp nước Sài Gòn - Pleiku (công suất 30.000 m3/ngày), 90% cổ phần Nhà máy nước Dankia 2 -  Đà Lạt (công suất 30.000 m3/ngày) và 7% cổ phần Nhà máy nước BOO Thủ Đức (công suất 300.000 m3/ngày).

Theo ACBS, đến năm 2015, TP. HCM dự kiến sẽ đầu tư khoảng 12.200 tỷ đồng để nâng công suất cấp nước lên 2,7 triệu m3 nước/ngày từ các dự án mới Thủ Đức 3, 4 và Tân Hiệp 2, xây dựng mới và nâng cấp khoảng 2.000 km đường ống nước. Với Dự án Tân Hiệp 2 và Dự án BOOT xây dựng hệ thống đường ống nước ở Quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, CII Water sẽ tham gia vào ngành nước từ khâu xử lý tới khâu phân phối đến tay người tiêu dùng.

Trong khi đó, CII Bridge & Road hiện vẫn còn được biết dưới cái tên CTCP Cơ khí Điện Lữ Gia (LGC). CII đã không ngừng mua gom cổ phiếu LGC, đến nay, tỷ lệ sở hữu của CII đã lên đến 87,46% so với 28% vào năm 2007.

Ngày 21/7 sắp tới, LGC sẽ triệu tập ĐHCĐ bất thường để đổi tên thành CII Bridge & Road. Công ty mới này sẽ thành lập ra 2 công ty mới khác là Công ty TNHH Cơ khí điện Lữ Gia và Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Lữ Gia.

Mới chỉ chuyển sang lĩnh vực hạ tầng là điện, nước và than một vài năm trở lại đây, nhưng CTCP Cơ điện lạnh (REE) đến nay đã gom được một danh sách dài các công ty trong những ngành này với tỷ lệ sở hữu tại mỗi công ty thấp nhất cũng trên 20%.

REE vẫn tiếp tục săn mua cổ phần của các doanh nghiệp ngành điện, nước, than có tiềm năng. Cách đây hơn 1 tháng, REE công bố mua xong 12,5 triệu cổ phần của CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC), nâng tỷ lệ nắm giữ lên 58,14%. Nhiều khả năng REE mua lại số cổ phần này từ CTCK TP. HCM (HSC), bởi trước đó có thông tin hai bên đã đàm phán với nhau và sau đó HSC cũng công bố đã bán ra TBC bằng đúng số REE đã mua. Cuối quý I/2014, REE mới chỉ sở hữu 23,97% TBC.

Ngoài TBC, danh mục đầu tư vào ngành điện của REE tại thời điểm cuối quý I/2014 còn có 38% CTCP Thuỷ điện Thác Mơ (TMP), 29,44% CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (NBP), 22,37% CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và 43,11% CTCP Thuỷ điện Srok Phu Mieng.

Trong ngành nước, REE hiện sở hữu 42,1% CTCP BOO Nước Thủ Đức, 43,11% CTCP Cấp nước Thủ Đức (TDW), 32% CTCP Cấp nước Tân Hiệp. Còn ở ngành than, REE nắm giữ 23,62% cổ phần của CTCP Than Núi Béo (NBC) và 24% CTCP Than Đèo Nai (TDN).

CTCP Hùng Vương (HVG) chưa bằng lòng với những gì đang có, dù đã nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ 51,41% tại CTCP Xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (AGF) và 55,63% tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) tại thời điểm cuối năm 2013 sau khi mua thêm gần 6,6 triệu cổ phần AGF và gần 11,45 triệu cổ phần VTF; đồng thời, nhận cổ tức trả bằng hơn 5,8 triệu cổ phần VTF trong năm 2013.

Tháng 5 vừa qua, HVG đã mua thêm 6 triệu cổ phần AGF, nâng tỷ lệ sở hữu lên xấp xỉ 75%. Bên cạnh đó, tính từ đầu năm đến nay, HVG tiếp tục gom thêm cổ phần VTF. Gần đây nhất, vào cuối tháng 6/2014, HVG đã mua thêm 2 triệu cổ phần VTF và tỷ lệ sở hữu tại đây đã tăng lên đến 66,4%.

Bước nền để thực hiện tham vọng lớn

CTCK Sài Gòn (SSI) cùng với các công ty trong nhóm là Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), CTCP Xuyên Thái Bình (PAN) và CTCP Đầu tư Đường Mặt Trời (Sunway) là những cái tên đáng nể trong “làng” M&A tại Việt Nam. Không giống các CTCK khác, SSI mua cổ phần của nhiều công ty với khối lượng đủ lớn để biến chúng thành công ty liên kết của mình.

Tại thời điểm cuối năm 2013, SSI có 9 công ty liên kết ngoài PAN. Số dư đầu tư vào các công ty liên kết của SSI tại thời điểm cuối năm 2013 là 1.350 tỷ đồng. Lợi nhuận từ các công ty liên kết này năm qua là 114,4 tỷ đồng. Tất cả đều đang có cổ phiếu niêm yết trên sàn, gồm HVG, GIL, LAF, NSC, SSC, ELC, TMS, BBC và VFG.

Đến cuối quý I/2014, HVG không còn là công ty liên kết của SSI sau khi SSI giảm khối lượng nắm giữ trực tiếp và gián tiếp xuống còn 23,6 triệu cổ phần, tương đương 19,66%.

Mới đây, thêm một công ty khác bị loại ra khỏi danh sách công ty liên kết của SSI là CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC), sau khi SSI bán ra 410.000 cổ phần NSC và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 17,33%.

Sunway cũng không còn là cổ đông lớn của NSC khi không thực hiện quyền mua và đồng thời bán ra 921.760 cổ phần vào ngày 20/6/2014. SSIAM cũng đã thông báo sẽ bán toàn bộ hơn 2,42 triệu cổ phần NSC đang nắm giữ từ nay đến 12/8/2014.

Trước đây, khi loại HVG ra khỏi danh sách công ty liên kết, SSI đưa ra lý do rằng HVG có nhiều công ty con, nên việc hợp nhất báo cáo tài chính luôn bị trễ và điều đó khiến SSI cũng bị trễ trong việc lập và công bố báo cáo tài chính hợp nhất của mình. Lần này, SSI và SSIAM bán ra NSC, trong khi mới trước đó, vào tháng 5/2014, PAN thông báo chào mua gần 6,24 triệu cổ phần NSC để nâng tỷ lệ sở hữu lên 65%, phải chăng là cách gom NSC về một mối?

Trong tầm nhìn phát triển của PAN, DN này hướng tới việc đầu tư dài hạn vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, với sứ mệnh góp phần nuôi dưỡng thế giới. PAN đang tìm sự hợp tác của các DN hàng đầu về nông nghiệp tại Úc, Canada, Isarel và sự hợp tác của một số tổ chức quốc tế cùng chung mục tiêu này.

Tin bài liên quan