“Nhặt lỗi” hồ sơ chào bán, thúc đẩy huy động vốn qua thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hơn 200 công ty đại chúng và công ty chứng khoán đã tham dự Hội nghị tập huấn về hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tổ chức ngày 21/3.

Hoạt động này được đánh giá là hữu ích và cần thiết đối với các doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ công tác huy động vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn.

Theo thống kê của UBCK, trong 10 năm qua (giai đoạn từ năm 2014 - 2023), vốn huy động qua chào bán chứng khoán đã tăng trưởng đáng kể, với tổng giá trị huy động đạt 95.170 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 3,47 lần so với tổng giá trị vốn huy động được trong năm 2014. Giá trị vốn các doanh nghiệp huy động được qua chào bán chứng khoán trong giai đoạn 2021 - 2023 (kê từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực - ngày 01/01/2021) là khoảng 312.000 tỷ đồng, tương đương 80% tổng giá trị vốn huy động trong giai đoạn 2014 - 2020.

Trên thực tế, sự tăng trưởng về huy động vốn qua hoạt động chào bán chứng khoán có đóng góp từ nhiều yếu tố. Thứ nhất là hệ thống quy định pháp lý tiếp tục được hoàn thiện và đồng bộ: Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn được xây dựng và ban hành trên nền tảng Luật Chứng khoán trước đây và có cập nhật, điều chỉnh bổ sung các nội dung mới phù hợp hơn với trình độ phát triển của thị trường, tăng cường tính công khai minh bạch của tổ chức phát hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty chứng khoán và chủ thể khác trên thị trường.

Thứ hai, phương án huy động vốn của nhiều doanh nghiệp được chuẩn bị trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, kế hoạch sản xuất kinh doanh thực tế và trên cơ sở nghiên cứu thực trạng nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, từ đó góp phần đảm bảo kết quả huy động vốn thành công của từng đợt chào bán.

Thứ ba, việc công khai các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực chứng khoán, trong đó có các thủ tục về đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng tại cổng dịch vụ công quốc gia và trang thông tin điện tử của UBCK góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phương án huy động vốn phù hợp với nhu cầu vốn của doanh nghiệp và thực trạng thị trường.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, tình trạng một số hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng của doanh nghiệp còn chưa đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật về điều kiện chào bán, nội dung phương án chào bán, thông tin chưa đảm bảo công khai minh bạch. Điều này phát sinh thêm thời gian để doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung, cập nhật hoàn thiện phương án phát hành và hồ sơ đăng ký phát hành theo quy định pháp luật.

Nguyên nhân của tồn tại trên xuất phát từ một số lý do như Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ năm 2021 với nhiều nội dung thay đổi so với quy định trước đây, trong đó có tách biệt điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng. Cùng với đó, quy định về hồ sơ đăng ký chào bán cũng được cập nhật, bổ sung nhiều nội dung mới để đảm bảo chính xác, minh bạch và cung cấp đầy đủ thông tin hơn cho nhà đầu tư. Do đó, một số tổ chức phát hành và tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán gặp nhiều thiếu sót khi lần đầu lập hồ sơ theo quy định mới được áp dụng.

Trong khi đó, có sự thiếu phối hợp giữa tổ chức phát hành và tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trong cả một quá trình từ xây dựng phương án ban đầu đến khi kết thúc đợt chào bán. Một số tổ chức phát hành xây dựng phương án phát hành và trình cấp có thẩm quyền thông qua mà không có sự tham vấn ban đầu của tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán. Theo đó, phương án phát hành chưa đảm bảo phù hợp quy định, thông tin cung cấp chưa đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch.

Đặc biệt, một số tổ chức tư vấn còn thiếu nghiêm túc khi thực hiện chức năng của một tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán đúng nghĩa, không rà soát hồ sơ của tổ chức phát hành trên nguyên tắc cần trọng, đảm bảo hồ sơ đăng ký phát hành tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật.

“Với vai trò là cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, việc triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm huy động vốn của doanh nghiệp trên TTCK theo nguyên tắc công khai minh bạch, tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBCK”, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCK khẳng định.

Ông Sơn cho biết, UBCK luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác huy động vốn, từ đó mở mang sản xuất kinh doanh đầu tư và sử dụng vốn hiệu quả nhưng cũng nghiêm khắc xử lý các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích. Đồng thời, yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các quy định về hồ sơ, công bố thông tin, về phương án, mục đích sử dụng vốn…

Theo bà Khuất Thúy Quỳnh, Giám đốc Pháp chế Công ty Chứng khoán SSI, nhu cầu chào bán chứng khoán ra công chúng năm 2024 được dự báo tăng mạnh hơn so với trước đây nhờ ảnh hưởng tích cực từ thị trường thứ cấp dần hồi phục trở lại. Dù vậy, quá trình làm hồ sơ chào bán đối với từng doanh nghiệp sẽ có những đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, do công tác quản lý hồ sơ của doanh nghiệp đôi khi chưa đầy đủ, thiếu chuẩn chỉ, cho nên dữ liệu thiếu, không khớp hoặc thiếu tài liệu lưu trữ… Việc này dẫn đến mất thời gian, giải trình kéo dài.

“Trong quá trình tư vấn hồ sơ cho doanh nghiệp, chúng tôi cũng còn những khó khăn, vướng mắc và luôn có sự trao đổi với UBCK. Bởi vậy, những buổi tập huấn công khai và tập hợp tất cả những vấn đề cần lưu ý đối với tổ chức tư vấn cũng như tổ chức phát hành trong quá trình soạn thảo một bộ hồ sơ chào bán để đảm bảo đáp ứng đúng các quy định của pháp luật cũng như đảm bảo đầy đủ, công khai, minh bạch, chính xác thông tin, sẽ giúp công tác chuẩn bị hồ sơ thuận lợi và tăng cường hội để tổ chức phát hành có thể nhanh chóng hoàn thành mục tiêu huy động vốn của mình”, bà Quỳnh chia sẻ.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Đào Đức Thanh, Trưởng tiểu ban Kiểm toán nội bộ Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, nhờ dòng vốn huy động qua TTCK, TNG đã vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp, thậm chí có thời điểm kiểm toán nghi ngờ hoạt động liên tục. Xa hơn, Công ty còn mở rộng các nhà máy hiện hữu, đầu tư thêm nhà máy mới, đảm bảo công ăn việc làm cho gần 16.000 người lao động, trở thành doanh nghiệp tiêu biểu của ngành và tỉnh Thái Nguyên. Hiện TNG vẫn coi trọng và thường xuyên sử dụng hiệu quả dòng vốn huy động được qua TTCK.

Tin bài liên quan