Số DN đủ điều kiện là công ty đại chúng của Việt Nam hiện khoảng hơn 4.000 DN

Số DN đủ điều kiện là công ty đại chúng của Việt Nam hiện khoảng hơn 4.000 DN

Nhiều công ty đại chúng vẫn đứng “ngoài luồng”

(ĐTCK-online) Thời hạn cuối để các công ty đại chúng lưu ký chứng khoán tập trung đã qua được gần 1 tháng, nhưng số lượng công ty thực hiện còn rất khiêm tốn. Vẫn chưa có một động thái nào từ phía UBCK cho thấy sẽ "xử lý nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm" như đã nói.

Không khó khăn để tìm kiếm trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) một DN có khối lượng cổ phiếu niêm yết… khiêm tốn hơn rất nhiều so với khối lượng cổ phiếu lưu hành, kể cả đã ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như Vietcombank. Nguyên nhân thì có nhiều, có thể chính từ việc DN không chủ động thúc cổ đông lưu ký tập trung, nhưng cũng có trường hợp chính cổ đông không muốn làm việc này.

Thống kê từ phía Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) tính đến thời điểm này cho biết, không tính những DN đã kịp niêm yết hay lên UPCoM thời gian vừa qua thì mới chỉ có 500 DN có lộ trình đăng ký lưu ký chứng khoán tập trung với VSD, khoảng 150 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký chứng khoán tập trung. Trong số khoảng 150 DN này, có tới 90 DN chủ trương lên UPCoM, khoảng 20 DN chưa có định hướng gì (niêm yết hay UPCoM). Theo ông Phạm Trung Minh, Trưởng phòng đăng ký chứng khoán, VSD, nên hiểu Công văn số 1044/UBCK-QLPH là, các công ty đại chúng phải thực hiện đăng ký chứng khoán tập trung (tức là đăng ký thông tin về chứng khoán, danh sách cổ đông sở hữu) về VSD, còn việc thực hiện lưu ký thì tùy thuộc ở cổ đông (do liên quan đến tính phí lưu ký). Tuy nhiên, ngay cả khi DN chỉ đăng ký chứng khoán tập trung mà cổ đông không lưu ký tập trung thì khi cổ đông muốn chuyển nhượng, vẫn phải báo cáo thay đổi sở hữu về VSD.

Vấn đề đặt ra với các DN trong trường hợp này, chính là cơ chế nào cho cổ đông được giao dịch sau khi đăng ký chứng khoán tập trung mà DN không niêm yết hoặc lên UPCoM. Câu chuyện này chưa có lời giải nên không ít DN vẫn chấp nhận chịu phạt hành chính còn hơn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Nếu DN đủ lớn thì việc không đăng ký lưu ký chứng khoán tập trung vẫn có thể giúp DN… vừa bù trừ chi phí phạt đăng ký chứng khoán tập trung muộn (do thu phí chuyển nhượng), vừa giúp cổ đông thuận lợi hơn.

Theo ghi nhận của ĐTCK, không chỉ có những DN không muốn lưu ký tập trung vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, mà một vài DN còn có những lý do… hết sức khách quan. Đầu tháng 1 vừa qua, chị X. nhân viên quan hệ cổ đông của một công ty ngành xây dựng tại Hà Nội đã lên tận UBCK để đề nghị được tư vấn: làm sao để không bị phạt khi DN chưa thực hiện đăng ký tập trung trước ngày 31/12/2009 được? Theo giải thích của chị X., lý do khiến công ty chưa đăng ký chứng khoán tập trung là công ty đã chủ trương niêm yết cổ phiếu trên HNX từ đầu năm 2009, nhưng đơn vị tư vấn làm dây dưa đến giờ vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ. Lãnh đạo DN vùa không muốn cổ phiếu bị "đóng băng", vừa muốn đẩy nhanh thời gian niêm yết, nhưng cũng không muốn bị phạt nên đành... đến hỏi UBCK.

Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2010, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UCBK cho biết, UBCK sẽ trình sửa đổi một số văn bản pháp luật để phân loại công ty đại chúng (theo quy mô, mức độ đại chúng) để áp tiêu chí công bố thông tin phù hợp. Tăng cường hỗ trợ thông tin cho nhà đầu tư là cần thiết, song qua trường hợp chậm lưu ký tập trung, thị trường mong mỏi những yêu cầu cao hơn (như minh bạch thông tin, quản trị DN…) cần được DN chấp hành nghiêm túc?