Bình Dương là địa phương hiếm hoi thực hiện tốt công tác phát triển nhà ở xã hội cho công nhân

Bình Dương là địa phương hiếm hoi thực hiện tốt công tác phát triển nhà ở xã hội cho công nhân

Nhiều địa phương vẫn “loay hoay” với nhà ở cho công nhân

(ĐTCK) Dù nhu cầu nhà ở của công nhân tại các tỉnh phía Nam là rất lớn, nhưng tới nay, mới chỉ có Bình Dương là địa phương làm khá tốt công tác phát triển nhà ở công nhân.

Tỉnh có, tỉnh không

Tại một hội thảo tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo báo cáo của các địa phương, tính đến đầu năm 2018, có khoảng 1,2 triệu công nhân trong các khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở, dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 1,7 triệu người, nhiều nhất là tại Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, Long An… Trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50%.

Còn theo báo cáo của các địa phương, riêng đối với dự án nhà công nhân, hiện nay đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, với tổng diện tích khoảng 2.050.000 m2, bố trí chỗ ở cho khoảng 330.000 người lao động (mới chỉ đáp ứng khoảng 28% so với nhu cầu). Đang tiếp tục triển khai 73 dự án, với khoảng 88.000 căn hộ (khoảng 704.000 chỗ ở).

Trong đó, ở các tỉnh phía Nam, TP.HCM hiện có 34 dự án đã hoàn thành (trên 5.700 căn hộ), 15 dự án đang triển khai (khoảng 17.200 căn). Đồng Nai chỉ có 1 dự án hoàn thành (146 căn hộ), 2 dự án đang triển khai (4.000 căn hộ), 13 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư (64,35 ha đất). Bình Dương có 5 dự án đã hoàn thành (3.430 căn hộ), 5 dự án đang triển khai (6.800 căn). Còn ở Long An thậm chí còn chưa xuất hiện dự án nhà ở cho công nhân, dù địa phương này bố trí quỹ đất lớn để doanh nghiệp xây dựng nhà cho công nhân.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Công ty Bất động sản Bách Việt cho rằng, việc phát triển nhà ở cho công nhân là rất cần thiết, vì nhu cầu nhà ở của công nhân luôn lớn. Chẳng hạn, tỉnh Long An hiện có 30 khu, cụm công nghiệp, tỉnh Đồng Nai có 32 khu, cụm công nghiệp, TP.HCM có 41 khu, cụm công nghiệp…, lượng công nhân tại các khu công nghiệp rất lớn. Thực tế, các địa phương cũng đã xây dựng nhiều dự án nhà ở cho công nhân, nhưng vẫn chưa đủ.

Theo ông Nguyễn Anh Việt, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, trong quy hoạch các cụm, khu công nghiệp của tỉnh đều có những khu đất lớn để làm nhà tái định cư cho công nhân.

Tuy nhiên, khảo sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, hiện tỉnh này chưa có dự án nhà ở nào cho công nhân. Trong khi đó, nhiều dự án cụm, khu công nghiệp có quỹ đất để xây nhà cho công nhân, nhưng lại biến thành dự án bất động sản thương mại.

Đơn cử, tại Khu công nghiệp Nhựt Chánh, huyện Bến Lức được bố trí khoảng 30 ha đất dành để xây dựng nhà ở tái định cư. Thế nhưng, Công ty cổ phần Liên Minh, doanh nghiệp được cấp phép phát triển dự án này lại không xây dựng dự án nhà ở tại quỹ đất trên, mà ngay từ năm 2007 đã bán lại một nửa khu đất cho Công ty Thanh Yến xây dựng đất nền thương mại. Hơn 14 ha còn lại đang được Công ty Liên Minh chào bán cho doanh nghiệp bất động sản để phân lô bán nền theo hình thức nhà ở thương mại.

Hay như tại Khu công nghiệp Cầm Tràm, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) cũng có hơn 16 ha đất dành cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, nhưng hiện doanh nghiệp đã phân lô bán nền theo hình thức nhà ở thương mại với giá bán từ 1,2 - 1,6 tỷ đồng/nền đất 5x20 m.

Còn nhiều bất cập

Vợ chồng chị Lê Thị Cúc, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM cho biết, 10 năm trước vợ chồng chị rời quê Thanh Hóa vào đây làm công nhân. Khi vào cả hai vợ chồng vừa mới cưới, giờ anh chị đã có 2 đứa con và đang học cấp I, nhưng cả nhà vẫn ở nhà trọ, dù thu nhập cả 2 vợ chồng trên 15 triệu đồng/tháng.

Lý do theo chị Cúc, vì ở quanh khu công nghiệp, dự án nhà cho công nhân rất hiếm. Còn mua nhà dân hiện hữu, hoặc mua đất xây nhà thì giá rất cao và rất khó mua, bởi phải có ngay một số tiền rất lớn, vượt quá khả năng của anh chị. Nếu mua nhà dự án, anh chị có thể mua được nhà rẻ và được vay trả góp.

“Chúng tôi muốn ở đây lập nghiệp, muốn thế phải có nhà ở để có hộ khẩu cho con cái học hành đàng hoàng. Thêm vào đó, không thể cứ mãi bắt các con ở nhà trọ chật hẹp như hiện nay, vì tụi nhỏ ngày càng lớn. Thế nhưng, dù tích cóp được vài trăm triệu đồng trong tay, nhưng vẫn chưa thể kiếm được dự án nhà ở cho công nhân để mua, bởi họ xây khu công nghiệp, nhưng đâu có xây nhà cho công nhân mua đâu”, chị Cúc nói.

Ông Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, hiện nay, vấn đề khó khăn nhất của việc phát triển nhà ở cho công nhân là tín dụng ưu đãi. Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để hỗ trợ cho phân khúc này. Hiện nay, ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2016 - 2020 cần bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 4 ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Theo báo cáo của các địa phương, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại.

Ngoài ra, ông Ninh cho rằng, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, cụ thể chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm theo quy định của pháp luật.

Trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương. Chưa sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn theo quy định. Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn phức tạp, kéo dài…

Ông Ninh cũng cho rằng, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc về thủ tục và lợi nhuận bị khống chế. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.

Để giải bài toán này, theo ông Ninh, các địa phương nên tập trung xây dựng, rà soát điều chỉnh, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở. Đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của các địa phương.

Tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên.

Còn ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Lao động Việt Nam cho biết, hiện Tổng Liên đoàn đang tập trung nhiều giải pháp để nâng cao đời sống cho người lao động, đặc biệt là công nhân làm việc tại các khu chế xuất khu công nghiệp.

Sắp tới, sẽ tập trung giải quyết lợi ích về nhà ở, giải quyết nhu cầu gửi trẻ cho con công nhân, phục vụ nhu cầu thiết yếu có siêu thị, nhà thuốc, nhà văn hóa cho công nhân làm việc tại các khu chế xuất - khu công nghiệp.

Trong đó, dự án nhà ở dành cho công nhân mỗi căn hộ sẽ có diện tích từ 30 - 45 m2, bao gồm phòng khách, phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh có giá từ 150 triệu đồng/căn trở lên.

Nếu mỗi cặp vợ chồng mỗi tháng tiết kiệm 1,8 - 2 triệu đồng, trong khoảng 5 - 7 năm sẽ mua được nhà ở diện tích 30 m2. Chương trình này sẽ được Tổng Liên đoàn thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố có lượng công nhân lớn đang thiếu nhà ở.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan