Vắng bóng doanh nghiệp niêm yết mới khiến thị trường chưa có nhiều nguồn hàng phong phú. Ảnh: Shutterstock.

Vắng bóng doanh nghiệp niêm yết mới khiến thị trường chưa có nhiều nguồn hàng phong phú. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà chuyện niêm yết bởi tâm lý ngại bị "đánh đồng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng số doanh nghiệp niêm yết mới thưa vắng lại đến từ: nhận thức của giới chủ doanh nghiệp về sự cần thiết của việc “lên sàn” và tâm lý ngại bị “đánh đồng”.

Sợ bị “đánh đồng”

Theo số liệu từ HOSE, 6 tháng đầu năm chỉ có duy nhất một cổ phiếu niêm yết mới là CTCP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (mã PVP).

Tại HNX, số lượng có vượt hơn đôi chút khi ghi nhận được 3 cái tên mới: DTG của Dược phẩm Tipharco, PPT của Petro Times và KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV.

Tại UPCOM, cũng chỉ có 3 doanh nghiệp mới đăng ký giao dịch là GPC của Tập đoàn Green+, VMT của Giao nhận Vận tải miền Trung, VNZ của VNG.

Bình luận về lý do dẫn đến tình trạng “èo uột” này, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng, hơn hai năm dịch bệnh và sau đó là xung đột, suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến tình hình làm ăn của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Các doanh nghiệp bị suy kiệt, rơi vào tình trạng “làm không đủ ăn” nên không mộng mơ gì cho việc niêm yết.

Tuy vậy, ông Huỳnh cho rằng, gần đây tình hình đã sáng sủa hơn, các chính sách về quản lý, điều hành vĩ mô đã phát huy tác dụng và thị trường đã được cải thiện về thanh khoản.

“Đã có nhiều hơn các phiên giao dịch quanh khoảng 20.000 tỷ đồng. VN-Index đã vượt thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm. Nếu chính sách tiền tệ, tài khóa tốt có thể cho kết quả tốt đẹp ở mức 1.300 – 1.400 điểm trong năm nay”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Bình luận thêm về vấn đề này, bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng tư vấn Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đa dạng về các loại hàng hóa. Dẫn đến tình trạng số lượng nhà đầu tư các năm qua tăng trưởng nhưng lượng hàng hóa lại chưa đủ để cung cấp. Gốc rễ vấn đề nằm ở chỗ, bản thân các doanh nghiệp đang chưa nắm rõ về lợi ích, cũng như điều kiện để niêm yết trên sàn.

“Một số doanh nghiệp quy mô lớn không muốn niêm yết vì cảm thấy bị "đánh đồng" với các doanh nghiệp có hoạt động thiếu minh bạch. Những năm qua, có một vài doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng tới uy tín của các doanh nghiệp niêm yết chung. Tôi cho rằng, đó là nguyên nhân chính của hiện trạng này”, bà Lan Anh nhấn mạnh.

Bắt đầu từ… “nhận thức”

Nêu quan điểm về giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn thúc đẩy được doanh nghiệp lên sàn, đầu tiên là phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp, để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức khi lên sàn chứng khoán.

Tiếp đó, cũng cần nâng cao về tính minh bạch và cho các doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi phát triển, và nâng cao kiến thức cũng như nắm rõ các bước để đưa doanh nghiệp được lên sàn chứng khoán.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, với doanh nghiệp có kế hoạch niêm yết, cần phải chuẩn bị đủ các điều kiện, yếu tố quy định. Cùng với đó là đảm bảo mức độ an toàn vốn, cũng như các vấn đề liên quan khác của thị trường chứng khoán. Vì thực tế, thị trường chứng khoán hiện tại tương đối chặt chẽ hơn về các quy định quản lý, giám sát. Đơn cử như việc công bố thông tin, minh bạch thông tin, đáp ứng theo yêu cầu thị trường, cũng như của nhà đầu tư là một vấn đề quan trọng.

Theo ông Thịnh, bản thân các doanh nghiệp khi muốn niêm yết cũng cần xác định làm ăn nghiêm túc. Tránh trường hợp niêm yết xong lại lình xình, thiếu minh bạch, thiếu chính xác, bị cơ quan quản lý xử lý, dẫn đến thị trường, nhà đầu tư mất lòng tin.

Còn theo ông ông Dương Quang Trung, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VISC thì với các doanh nghiệp lên sàn là một chuyện, niêm yết được xong thì còn phải làm cho nhà đầu tư quan tâm bởi chỉ như vậy bên phát hành mới huy động được vốn.

“Có nhiều doanh nghiệp tốt nhưng nhà đầu tư chưa quan tâm vì thiếu các hoạt động IR, PR. Theo quan sát của tôi, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp chủ động thực hiện IR sau niêm yết, số còn lại thì đến đâu hay đến đó”, ông Trung nói và cho biết thêm, thị trường hiện tại được xem là bối cảnh tốt cho các thương vụ niêm yết mới, và thực tế thì nhiều doanh nghiệp quy mô vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cũng đang cho biết có nhu cầu niêm yết để tăng cường năng lực huy động vốn.

Tin bài liên quan