Năm 2022, không ít công ty, bao gồm doanh nghiệp địa ốc, có khả năng ghi nhận lãi cao .

Năm 2022, không ít công ty, bao gồm doanh nghiệp địa ốc, có khả năng ghi nhận lãi cao .

Nhiều doanh nghiệp có câu chuyện kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu của các doanh nghiệp có khả năng ghi nhận lợi nhuận cao từ hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2022 dự kiến sẽ thu hút nhà đầu tư.

Cổ phiếu nóng hạ nhiệt

Sau đợt bán tháo giai đoạn trước Tết Nguyên đán, hàng loạt cổ phiếu được tái định giá ở mặt bằng thấp hơn 20 - 30% so với vùng đỉnh, điều này tạo cơ hội cho nhà đầu tư có thể lựa chọn và xây dựng lại danh mục hợp lý hơn cho năm tài chính 2022.

Nhìn lại cuối năm 2021, nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thị giá thấp, giúp nhiều mã tăng nóng, bất chấp tình hình kinh doanh đi xuống của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau đợt bán tháo với hiện tượng một loạt cổ phiếu loại này nằm sàn (giá giảm sàn) la liệt, nhất là các mã CII, NBB, DIG, CEO, FLC, ROS, QCG, TGG, BII…, không ít mã có thanh khoản sụt giảm, khiến đa số nhà đầu tư không thể bán ra cổ phiếu.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tập trung vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có câu chuyện kỳ vọng về lợi nhuận.

Hiện tượng trên phát đi tín hiệu cảnh báo và làm hạ nhiệt nhóm cổ phiếu đầu cơ, nên dòng tiền được dự báo sẽ sớm quay lại với câu chuyện cơ bản của các doanh nghiệp.

Bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục và tăng trưởng mạnh trở lại nhờ quá trình đẩy nhanh mở cửa kinh tế hậu đại dịch và Chính phủ thúc đẩy đầu tư công. Đây chính là cơ sở cho các doanh nghiệp tăng trưởng sau một năm gặp nhiều gián đoạn trong hoạt động kinh doanh vì dịch Covid-19.

Đối với nhà đầu tư, việc lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có tình hình kinh doanh cải thiện sẽ là cơ sở để cổ phiếu tăng giá và mang lại thành quả đầu tư.

Một số cổ phiếu đáng chú ý

Bên cạnh lợi nhuận từ mảng cao su, Công ty cổ phần Cao su Phước Hoà (mã chứng khoán PHR) trong những năm qua liên tục ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động thanh lý cây cao su và tiền đền bù chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp.

Riêng năm 2021, lợi nhuận khác của Cao su Phước Hoà chỉ là 31 tỷ đồng so với con số 935 tỷ đồng năm 2020. Nguyên nhân là do Công ty không ghi nhận tiền bồi thường thực hiện dự án, trong khi năm 2020 là 860,1 tỷ đồng.

Bước sang năm 2022, Cao su Phước Hoà khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng trở lại vào lợi nhuận từ đền bù chuyển đổi đất, bởi doanh nghiệp đã nhận được quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III), với quy mô 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán Bản Việt ước tính, số tiền mà Cao su Phước Hoà nhận được từ đền bù chuyển đổi đất tại dự án VISP III có thể lên tới 898 tỷ đồng. Theo đó, riêng tiền đền bù đất tại dự án đóng góp vào lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) sẽ đạt hơn 6.600 đồng.

Ngoài ra, từ giữa tháng 10/2021 tới ngày 8/2/2022, giá cao su thế giới tăng từ 188,5 JPY/kg lên 235,8 JPY/kg, tương đương tăng 25,1%. Mức giá ngày 8/2/2022 cao hơn khoảng 51% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, Cao su Phước Hoà vẫn đang hưởng lợi từ đà tăng của giá cao su, kỳ vọng hoạt động kinh doanh khai thác mủ cao su tiếp tục khởi sắc.

Được biết, năm 2021, Cao su Phước Hoà có EPS là 3.999 đồng. Năm nay, với dự phóng có thêm lợi nhuận đột biến từ tiền đền bù đất, EPS của công ty này có thể tăng mạnh.

Đối với Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG), trong năm 2021, doanh thu mảng bất động sản giảm 11,8% so với năm 2020, xuống 198,6 tỷ đồng và chỉ đóng góp 3,45% vào tổng doanh thu.

Tuy nhiên, năm 2022, Vinaconex có kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex - ITC) lên 51%.

Vinaconex - ITC là chủ đầu tư dự án Cát Bà - Amatina, quy mô 172 ha, dự kiến sẽ ghi nhận doanh thu 100 căn biệt thự đầu tiên trong năm 2022.

Ngoài ra, theo kế hoạch, các dự án bất động sản khác như tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại Láng Hạ (Hà Nội), Khu đô thị đại lộ Hoà Bình kéo dài, Khu dân cư đô thị tại Km3 - Km4 ở Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu từ năm 2022.

Như vậy, bên cạnh hoạt động xây lắp, kết quả kinh doanh năm 2022 của Vinaconex sẽ có sự đóng góp không nhỏ từ mảng bất động sản, sau giai đoạn đầu tư từ cuối năm 2020 tới nay.

Một doanh nghiệp khác đáng chú ý là Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (Khang Điền, mã chứng khoán KDH), doanh nghiệp được dự báo sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh nhờ dự án tại huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Cụ thể, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Khang Điền đang triển khai dự án biệt thự nhà phố Corona City Khang Điền (Khu dân cư 11A) tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM, đây là dự án trọng điểm giai đoạn 2022 - 2023 với quy mô 18 ha. BVSC ước tính, giá bán dự án dao động từ 65 - 75 triệu đồng/m2, doanh thu dự án khoảng 5.084 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 2.400 - 2.600 tỷ đồng.

Lợi nhuận này cùng với lợi nhuận từ các dự án khác sẽ giúp Khang Điền đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn giai đoạn 2020 - 2021 (năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.204,4 tỷ đồng).

Tại Tổng công ty IDICO - CTCP (IDICO, mã chứng khoán IDC), Đại hội đồng cổ đông bất thường tháng 10/2021 đã thông qua nhiều nội dung lớn, bao gồm kế hoạch chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE; chuyển đổi phương pháp ghi nhận doanh thu phát triển khu công nghiệp từ 50 năm sang một lần.

Cụ thể, IDICO đang có 11 khu công nghiệp hạch toán 50 năm theo quá trình dự án, trong vòng 5 - 7 năm tới, Công ty sẽ căn cứ vào kế hoạch kinh doanh và dòng vốn để ghi nhận doanh thu một lần.

Ngoài ra, theo ông Đặng Chính Trung, Tổng giám đốc IDICO, Công ty đang có gần 700 ha đất sạch đã giải phóng mặt bằng và 400 - 500 ha đất đã đầu tư cơ sở hạ tầng, sẵn sàng cho thuê. Trong giai đoạn 5 năm tới, kể từ năm 2022, doanh nghiệp sẽ phát triển thêm 1.400 ha đất khu công nghiệp.

Như vậy, năm 2022, IDICO có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến, nhất là khi quỹ đất khu công nghiệp 700 ha dự kiến được hưởng lợi từ làn sóng thu hút dòng vốn FDI, cũng như giá cho thuê ngày một gia tăng.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2021, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã chứng khoán CTD) và Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Hòa Bình, mã chứng khoán HBC) có giá trị hợp đồng mới lần lượt đạt khoảng 25.000 tỷ đồng và 18.000 tỷ đồng, gấp 3,6 lần và 2 lần năm 2020.

Với giá trị hợp đồng mới, Coteccons sẽ ghi nhận giá trị backlog (khối lượng công việc đã ký hợp đồng nhưng chưa thực hiện tính tới thời điểm chốt sổ) cuối năm 2021 là 25.000 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2020; con số này đối với Hòa Bình là 21.400 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2020.

Cả Coteccons và Hòa Bình đều đang được kỳ vọng, doanh thu và lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng trưởng cao.

Tin bài liên quan