Nhiều doanh nghiệp sẽ được xem xét xóa nợ

Cùng với việc thực thi Luật Quản lý thuế mới, từ ngày 1/7/2007, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về xử lý đối với các khoản nợ thuế. Hướng xử lý chung được đưa ra chủ yếu theo hướng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm tính khả thi của các cơ quan quản lý.

Xóa nợ thuế của DN mất tích, đã chết, bỏ trốn

Theo ước tính, số nợ loại này hiện lên tới khoảng 598 tỷ đồng. Đây là những trường hợp cơ quan thuế, hải quan đã phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật truy tìm trong thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện ra. Theo đề nghị của Bộ Tài chính, nếu đối tượng nợ đã được cơ quan chức năng xác định là mất tích, đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, không còn tài sản để thanh toán nợ thuế thì đề nghị cho xóa nợ thuế.

Nợ thuế của DN giải thể, phá sản, sáp nhập

Với số nợ hiện nay là 1.199 tỷ đồng, khoản nợ thuế này được coi là phức tạp và vất vả đối với cơ quan hải quan và cơ quan thuế trong quá trình theo dõi, đôn đốc thu nợ. Nguyên nhân phát sinh các khoản nợ này là do thủ tục giải thể, phá sản DN còn phức tạp, các cơ quan chức năng thiếu phối hợp trong quá trình xử lý nên nhiều DN thực tế trong tình trạng phá sản hoặc đã giải thể, đã ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn chưa có quyết định giải thể, phá sản...

Theo đề nghị của Bộ Tài chính, đối với các DN phá sản, giải thể, nếu còn tài sản để xử lý thu hồi nợ; khoản nợ thuế của các DN sáp nhập, hợp nhất xác định được đối tượng kế thừa nghĩa vụ nộp NSNN thì áp dụng các biện pháp quy định của pháp luật hiện hành để thu hồi nợ thuế. Đối với các trường hợp tự giải thể không đúng theo quy định, bỏ trốn, mất tích, cơ quan thuế tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng để truy tìm, nếu phát hiện thì xử lý nghiêm theo pháp luật. Trong khi chưa tìm ra đối tượng nợ thuế thì theo dõi riêng và không tính trong số nợ thuế hàng năm.

Bộ Tài chính cũng đề nghị cho xóa các khoản nợ như: nợ không có khả năng thu hồi đối với các DN trong tình trạng phá sản, đã ngừng hoạt động đến nay không còn tài sản để làm thủ tục phá sản, hoàn nợ thuế theo quy định; các DN đã giải thể, việc xử lý tài sản không đúng trình tự quy định nên số thuế nợ vẫn còn treo lại; các DN nhà nước sáp nhập, hợp nhất, khi thực hiện các ngành, địa phương không giao cho DN nhận sáp nhập, hợp nhất nhận kế thừa khoản nợ thuế nên không xác định được đối tượng để thu nợ.

 Nợ thuế của các DN có khó khăn về tài chính

Với tổng nợ là 1.821 tỷ đồng, khoản nợ này là do các DN với tiềm lực tài chính yếu, bị cạnh tranh gay gắt trong kinh tế thị trường, gặp rủi ro, kinh doanh thua lỗ kéo dài, mất vốn...

Bộ Tài chính đề nghị đối với đối tượng nợ thuế gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh phát sinh lỗ kéo dài, nếu số lũy kế đến cuối năm 2006 tương ứng trên 30% vốn chủ sở hữu thì cho áp dụng chậm nộp nhưng số thuế cho chậm nộp không vượt quá số lỗ, thời gian chậm nộp tối đa không quá 2 năm kể từ ngày 1/7/2007. Quá thời hạn cam kết, nếu DN không nộp thuế, cơ quan thuế, hải quan sẽ thực hiện cưỡng chế để thu hồi nợ.

Bộ Tài chính cũng đề nghị cho xóa các khoản nợ thuế và thu NSNN kéo dài từ năm 1999 trở về trước, chủ yếu của các DNNN gặp khó khăn do không thích nghi được khi chuyển sang kinh tế thị trường và do cơ chế chính sách chưa rõ ràng, DN đã kê khai, tính và nộp thuế, nay sau một thời gian dài cơ quan thuế, hải quan mới tính lại, truy thu.

Xóa khoản nợ tiền phạt chậm nộp

Hiện còn tồn khoảng 979 tỷ đồng, chiếm 10,6% so với tổng số nợ thuế. Đây là khoản nợ phát sinh lớn do chính sách thuế hiện hành chưa có quy định miễn tiền phạt chậm nộp thuế cho các đối tượng nợ thuế do gặp khó khăn không có khả năng nộp thuế đúng hạn. Trong số tiền phạt chậm nộp thuế này, có cả tiền phạt chậm nộp thuế tính trên số nợ tiền thuế không có khả năng thu dẫn tới nhiều đối tượng nợ thuế phát sinh tiền phạt chậm nộp thuế lớn gấp nhiều lần so với tiền nợ thuế gốc. Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép xóa nợ đối với các khoản tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh gắn với số tiền thuế nợ đã đề nghị cho xóa trong các trường hợp trên và các trường hợp nợ thuế do khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nếu đến ngày 30/6/2007 đối tượng nợ thuế đã nộp đủ số nợ thuế.