Nhiều doanh nghiệp xây dựng, địa ốc bị bêu tên vì nợ bảo hiểm xã hội

Nhiều doanh nghiệp xây dựng, địa ốc bị bêu tên vì nợ bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa công bố danh mục các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội của người lao động tháng 3/2024, trong đó có nhiều ông lớn thuộc lĩnh vực bất động sản và xây dựng như Đất Xanh Group, Đất Xanh Services, Bất động sản Đèo Cả, Savills, MBLand, ...

Cụ thể, theo dữ liệu từ Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, tính đến hết 31/3/2024, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group, mã DXG, sàn HOSE) chậm đóng 6 tháng bảo hiểm của người lao động, tương đương hơn 5,1 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services, mã DXS, sàn HoSE) cũng chậm đóng 5 tháng bảo hiểm của người lao động với số tiền hơn 653 triệu đồng. DXS là công ty con của DXG với tỷ lệ sở hữu tại thời điểm 31/12/2023 là 59,99%.

Cũng trong danh sách này, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC, sàn HoSE) tiếp tục "góp mặt" với 10 tháng chậm đóng bảo hiểm xã hội, tương đương hơn 38 tỷ đồng. So với số liệu tính đến hết tháng 1/2024, số nợ của Xây dựng Hòa Bình đã giảm khoảng 400 triệu đồng.

Ngoài ra, Bất động sản Đèo Cả, doanh nghiệp được biết đến là công ty con của Tập đoàn Đèo Cả có tên trong danh sách chậm đóng 4 tháng BHXH cho người lao động.

Trước đó không lâu, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng công bố danh sách các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, trong đó nhiều đơn vị nổi tiếng cũng nằm trong danh sách "bêu tên" như Công ty TNHH Savills (Việt Nam) với tổng số tiền chậm đóng là gần 3,6 tỷ đồng, thời gian chậm đóng 02 tháng.

Tổng công ty MBLand (tầng 4, Tháp A tòa nhà Kangnam, Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nợ 2 tháng và số tiền nợ là hơn 387 triệu đồng.

Được biết, liên quan đến tờ trình nội dung về sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, dù tỷ lệ số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp so với số tiền phải thu giảm dần (năm 2016 chiếm 3,75%, năm 2022 là 2,91% và năm 2023 là 2,69%), nhưng số tiền chậm đóng lại tăng qua từng năm. Đến năm 2023, số tiền này đã lên đến trên 13.000 tỷ đồng (bao gồm cả tiền lãi chậm đóng), ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ bảo hiểm xã hội là do doanh nghiệp thực sự khó khăn, thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ theo quy định.

Ngoài các yếu tố khách quan trên, một phần nguyên nhân nợ bảo hiểm xã hội là do ý thức, trách nhiệm của một số người sử dụng lao động khi chấp hành pháp luật chưa nghiêm, có trường hợp cố tình vi phạm. Do vậy, rất cần hoàn thiện pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý trong việc xử lý các vi phạm về chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Tin bài liên quan