Nhiều quốc gia phản đối kế hoạch của EU về việc áp đặt mức trần lên giá khí đốt từ Nga

Nhiều quốc gia phản đối kế hoạch của EU về việc áp đặt mức trần lên giá khí đốt từ Nga

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Châu Âu muốn áp đặt giá trần lên khí đốt tự nhiên của Nga nhưng đề xuất này hiện đang vấp phải sự phản đối từ các nước lo ngại rằng Moscow sẽ phản công bằng cách cắt hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng.

Theo báo cáo của Financial Times hôm thứ Sáu (9/9), có ít nhất 10 trong số 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu muốn áp đặt giá trần cho tất cả các nhà cung cấp khí đốt qua đường ống không chỉ từ Nga.

“Chúng tôi muốn tránh doanh thu cao hơn cho Nga và chúng tôi muốn duy trì mức giá cho các nền kinh tế của chúng tôi và một phương tiện thuận lợi là giới hạn mức giá dầu. Sẽ hiệu quả hơn khi có nhiều quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu ủng hộ ý tưởng này”, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã kêu gọi sự đoàn kết trong toàn khối trong việc tìm kiếm các giải pháp giúp đỡ các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Một số quốc gia đang lo ngại rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể đóng cửa hoàn toàn việc vận chuyển khí đốt đến châu Âu để trả đũa việc EU áp đặt giá trần lên khí đốt tự nhiên của Nga.

"Thành thật mà nói, Nga có thể sẽ trả đũa về việc này", cố vấn chính về năng lượng của Thủ tướng Hy Lạp cho biết.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary – quốc gia nhận phần lớn khí đốt và dầu từ Nga - cảnh báo rằng việc nhắm vào Moscow sẽ dẫn đến một phản ứng nhanh chóng.

"Nếu các hạn chế về giá được áp dụng riêng đối với khí đốt của Nga, điều đó rõ ràng sẽ dẫn đến việc nguồn cung cấp khí đốt của Nga ngay lập tức bị cắt giảm. Không cần giải Nobel để công nhận điều đó", Peter Szijjarto, Ngoại trưởng Hungary cho biết.

Những trở ngại cho đề xuất này xuất hiện khi các bộ trưởng EU tổ chức cuộc họp khẩn vào thứ Sáu (9/9) để thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng đang bao trùm châu Âu sau khi Nga ngừng cung cấp khí đốt vô thời hạn qua đường ống Nord Stream 1.

Việc áp đặt giá trần lên khí đốt tự nhiên của Nga được đề xuất là một phần trong gói hỗ trợ của EU nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi chi phí năng lượng tăng cao và đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu trước khi nhu cầu tăng vào mùa đông.

Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2 và khi Nga cắt nguồn khí đốt tới lục địa này để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên họ.

Các hợp đồng tương lai khí đốt TTF của Hà Lan kể từ đó đã giảm trở lại và giảm khoảng 4% ở mức chỉ hơn 211 euro (212 USD) khi các chính phủ tăng cường nỗ lực giảm chi phí thông qua giới hạn giá. Giá khí đốt đã đạt mức cao kỷ lục trên 340 euro/MWh vào tháng 8.

Với những áp lực chi phí đó, Bỉ muốn có một mức trần giá năng động trên toàn EU đối với khí đốt thương mại liên quan đến các thị trường châu Á.

"Ý định đầu tiên và quan trọng nhất của chúng tôi là giảm giá. Nếu chỉ áp đặt mức trần lên giá khí đốt của Nga sẽ không làm giảm giá. Giới hạn khí đốt của Nga hoàn toàn là chính trị", Bộ trưởng Năng lượng Bỉ, Tinne van der Straeten cho biết.

Hôm thứ Tư (7/9), Tổng thống Putin đã chỉ trích kế hoạch của EU và nói rằng nó sẽ chỉ dẫn đến giá cả cao hơn. Đồng thời, Tổng thống Putin cũng đe dọa sẽ cắt đứt nguồn cung của bất kỳ người mua nào thực hiện áp đặt mức giá trần đối với xuất khẩu năng lượng của nước này.

"Liệu có bất kỳ quyết định chính trị nào mâu thuẫn với các hợp đồng không? Đúng vậy, chúng tôi sẽ không thực hiện chúng. Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu mỏ, than đá, dầu sưởi ấm - chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì", Tổng thống Putin cho biết.

Các nhà kinh tế ước tính doanh thu của Nga từ việc bán dầu và khí đốt có thể đạt 285 tỷ USD trong năm nay do giá năng lượng vẫn ở mức cao.

Tin bài liên quan