Dây chuyền sản xuất của Nhựa Tiền Phong đều tự động hoá, được nhập khẩu từ các nước hàng đầu về công nghệ như Nhật Bản, Đức…

Dây chuyền sản xuất của Nhựa Tiền Phong đều tự động hoá, được nhập khẩu từ các nước hàng đầu về công nghệ như Nhật Bản, Đức…

Nhựa Tiền Phong: Tiên phong công nghệ, vững bước thành công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, năm 2022, Nhựa Tiền Phong ghi nhận con số doanh thu gần 7.000 tỷ đồng trên toàn hệ thống. Công ty hướng tới mục tiêu đạt 10.000 tỷ đồng tổng doanh thu vào năm 2025 - năm đánh dấu cột mốc 65 năm hoạt động.

Vững vàng trước “cơn gió ngược”

Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã chứng khoán NTP) đã trải qua gần 63 năm hình thành và phát triển. Với bề dày kinh nghiệm quản trị, quản lý của Ban lãnh đạo, Công ty đã vượt qua nhiều thách thức, liên tục gặt hái thành công, trong đó phải kể đến chặng đường vượt qua “cơn gió ngược” mang tên Covid-19.

“Dịch bệnh lắng xuống cũng là lúc kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề như lạm phát tăng đột biến, lãi suất tăng cao..., nhưng bằng việc thực hiện những chính sách điều chỉnh về giá, kiểm soát chặt chi phí, đẩy mạnh công tác bán hàng và tích cực hợp tác phát triển cùng các đối tác lớn, Nhựa Tiền Phong đã vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận”, ông Chu Văn Phương, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong cho biết.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán của Nhựa Tiền Phong cho thấy, doanh thu thuần hợp nhất của Công ty đạt 5.685,11 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt gần 564,48 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 18% và 2,43% so với mức thực hiện năm 2021. Với kết quả này, Công ty và thực hiện 109,8% kế hoạch doanh thu và 121,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Công ty đạt 5.064 tỷ đồng, tăng hơn 3,38% so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở tài sản cố định (gồm nhà xưởng, máy móc…) và hàng tồn kho (nguyên vật liệu). Nợ phải trả là 2.233,02 tỷ đồng, tương đương 44% tổng nguồn vốn, trong đó không ghi nhận nợ vay dài hạn. Đây là điểm sáng trong bức tranh tài chính của Nhựa Tiền Phong trong bối cảnh lãi suất tăng, sức ép chi phí vốn đè nặng nhiều doanh nghiệp.

Hai năm trước đó (2020 - 2021), cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Nhựa Tiền Phong gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nhờ sự thích ứng linh hoạt của Ban lãnh đạo, Công ty vẫn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 523,42 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019; năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 551,03 tỷ đồng, tăng 5,27% so với năm 2020.

Kết quả kinh doanh này đã gây ấn tượng mạnh với các cổ đông trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Bà Nguyễn Minh Giang - đại diện cho cổ đông KWE khi đó đã đánh giá: “Điều này là do công tác quản trị của Công ty rất tốt, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh năm 2021 phải thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam”.

Nếu tính theo chỉ tiêu doanh thu tổng hợp cả ba miền Bắc - Trung - Nam thì tổng doanh thu của Công ty năm qua lên tới gần 7.000 tỷ đồng. Với kết quả này, Nhựa Tiền Phong vẫn là “cánh chim đầu đàn” của ngành nhựa xây dựng Việt Nam.

Tiên phong phát triển công nghệ

Năm qua, bằng việc vận hành 3 cụm nhà máy tại Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương đưa sản lượng tối đa của Nhựa Tiền Phong lên khoảng 250.000 tấn sản phẩm/năm. Điều này giúp Nhựa Tiền Phong giữ vững vị thế là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất ống và phụ tùng vật tư ngành nước tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và phát triển bền vững, Nhựa Tiền Phong đã liên tục cải tiến, đổi mới, đưa công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để tạo ra các sản phẩm mới. Đối với các dòng sản phẩm sẵn có, Công ty đã hợp tác, tiếp nhận công nghệ và thử nghiệm các dự án sản phẩm mới của Sekisui như van zacco PVC, phụ tùng hàn điện trở, ống và phụ tùng CPVC.

Nhờ vậy, năm 2022, Công ty đã nhận gia công hơn 400 chủng loại phụ tùng và xuất khẩu thành công nhiều đơn hàng cho Tập đoàn Iplex ở Australia, New Zealand, 10.000 van cầu zacco sang Đức và sản phẩm PVC sang Sekisui Nhật Bản. Hiện tại, ở Việt Nam, Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp nhựa tiên phong đầu tư vào sản xuất theo quy chuẩn quốc tế, với 10.000 chủng loại sản phẩm có dải kích thước rộng.

Những năm gần đây, ngành nhựa xây dựng Việt Nam đang phát triển mạnh và nhu cầu về những vật liệu mới đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các toà nhà cao tầng ngày càng tăng. Theo ông Phương, Nhựa Tiền Phong đã không ngần ngại loại bỏ các sản phẩm cũ, cải tiến nhiều chủng loại mẫu mã sản phẩm cho phù hợp hơn với xu thế xây dựng hiện đại.

Không chỉ phục vụ ngành xây dựng, Nhựa Tiền Phong còn mở rộng ra các lĩnh vực mới như ngành điện, ngành nuôi trồng thuỷ hải sản… Hợp tác chặt chẽ với các đối tác lớn như Tập đoàn Minh Phú, Tập đoàn PC1 tạo dư địa lớn để Nhựa Tiền Phong mở rộng thị phần, tăng doanh thu, lợi nhuận trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

“Bốn năm qua, chúng tôi đã dồn lực đẩy mạnh việc tái cơ cấu toàn diện, đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn lớn để nghiên cứu sản xuất các sản phẩm dẫn đầu xu thế thị trường, tiên phong về công nghệ. Đến nay, Nhựa Tiền Phong đã tạo dựng được nền tảng vững chắc và sẵn sàng chinh phục những đỉnh cao mới trong năm 2023 - cũng là năm bản lề quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tăng 8% về doanh thu và sản lượng, 6% về lợi nhuận trước thuế hợp nhất so với nhiệm kỳ 2015-2020”, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Tiền Phong khẳng định.

Mục tiêu mới, tầm nhìn mới

Nhận định ngành nhựa sẽ còn có nhiều dư địa thị trường từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, Nhựa Tiền Phong đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 7.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 550 tỷ đồng trong năm nay.

Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất mà Chủ tịch Đặng Quốc Dũng đặt ra cho chính mình cũng như toàn hệ thống Nhựa Tiền Phong là các chỉ số tài chính được cải thiện, với mức tăng ít nhất là 10% so với hiện tại, trở thành doanh nghiệp có doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 - năm đánh dấu chặng đường 65 năm hoạt động của Công ty, đến năm 2040, lọt Top doanh nghiệp có doanh thu tỷ đô.

Nếu năm 2023, tổng doanh thu đạt được 7.300 tỷ đồng như kế hoạch - tức tăng khoảng 300 tỷ đồng so với năm 2022, thì trong 2 năm tới, mỗi năm, tổng doanh thu tăng liên tiếp thêm 1.300 tỷ đồng. “Đây là thách thức rất lớn với chúng tôi, nhưng nếu không dám nghĩ đến, không dám đặt mục tiêu thì không thể có kế hoạch và lộ trình hành động cụ thể được”, ông Dũng chia sẻ.

Trong gần 63 năm hoạt động, Nhựa Tiền Phong đã xây dựng được thương hiệu mang tính biểu tượng, có tầm ảnh hưởng rất lớn trong ngành ống và phụ tùng ngành nước nói riêng, ngành xây dựng nói chung. Thương hiệu Nhựa Tiền Phong còn không ngừng được củng cố và lớn mạnh thông qua các hoạt động vì cộng đồng như “Cầu nối yêu thương” và những chương trình thiện nguyện khác...

“Nhắc đến ống Nhựa Tiền Phong, người dùng luôn tự hào là một doanh nghiệp Việt Nam, mang lại chất lượng sản phẩm vượt trội và sự đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn xã hội. Chúng tôi tự hào vì điều này”, ông Đặng Quốc Dũng bày tỏ.

Nhựa Tiền Phong là đơn vị sản xuất ống và phụ tùng nhựa lớn hàng đầu Việt Nam, chiếm khoảng 37% thị phần trong nước, sở hữu 12 trung tâm phân phối, gần 400 nhà phân phối và khoảng 21.000 cửa hàng, điểm bán hàng trên toàn quốc.

Tin bài liên quan