Những biến số quyết định dòng tiền

Những biến số quyết định dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những tuần cuối năm, nhiều nhà đầu tư có tâm trạng khó tả, đặc biệt sau nhịp hồi mạnh tới 25% của VN-Index kể từ giữa tháng 11.

Tham gia mua bán để kiếm ít “bánh chưng” như cách gọi vui của nhiều người, hay đứng ngoài chờ thị trường có nhịp điều chỉnh trở lại khi các yếu tố như căng thẳng thanh khoản, lãi suất chưa thực sự hạ nhiệt.

Một số nhà đầu tư đã kiếm được tiền trong nhịp thị trường vừa qua lại tự hỏi, có nên chốt lãi và rút tiền nghỉ Tết sớm.

Thị trường luôn bất ngờ, có lẽ bởi vậy mà từ giữa tháng 11 đến nay, chứng khoán hồi phục khi được kích hoạt bởi dòng tiền ngoại. Dòng vốn ngoại vào mạnh nhờ nhiều yếu tố: triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp tích cực, rủi ro tỷ giá đã bộc lộ và dần ổn định, lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt định giá của chứng khoán Việt Nam về mức thấp nhất nhiều năm...

Nhìn vào thị trường Việt Nam trong mối tương quan với các TTCK thế giới cũng thấy nhịp hồi phục của VN-Index là một pha tương đồng, khi các thị trường thế giới đều bật lại rất mạnh, ít nhất 15% và bật trước thị trường Việt Nam một nhịp.

Cho rằng đây là cơ hội 10 năm mới có một lần, dù vậy, dưới góc nhìn của các chuyên gia mà Đầu tư Chứng khoán ghi nhận được, có những biến số nhà đầu tư vẫn cần lưu ý cho hành trình phía trước. Đó là tâm lý phòng thủ, co cụm khiến dòng tiền bị ngắt đoạn trong nền kinh tế và khắp các thị trường đầu tư. Doanh nghiệp có dự án đầu tư chần chừ, nhà đầu tư có tiền giữ thế thủ. Điều này khiến việc khan hiếm tiền trở nên trầm trọng hơn.

Ẩn số lớn nhất là lạm phát được một chuyên gia dẫn bài phát biểu của lãnh đạo America Bank, ngân hàng lớn nhất Mỹ, theo đó chi tiêu của người dân Mỹ vẫn rất cao, đặc biệt dịp cuối năm và mùa Giáng sinh đang đến. Điều này khiến lạm phát khó có thể giảm nhiệt, qua đó Fed chưa thể bớt “diều hâu” trong chính sách lãi suất thời gian tới.

Mùa lương thưởng cuối năm cận kề, nhưng những thông tin về tình trạng cắt giảm việc làm của các tập đoàn lớn tại Mỹ, rộng hơn là khắp nơi trên thế giới nhắc nhở nhà đầu tư về những thách thức mới. Nếu như tâm điểm kinh tế và thị trường trong 2022 là sự tăng mạnh của lạm phát và lãi suất, thì tâm điểm của 2023 có thể là sự tăng lên của tỷ lệ thất nghiệp và suy thoái kinh tế.

Các chỉ số vĩ mô của Mỹ (nền kinh tế vẫn đang mạnh nhất trong các nước phát triển) đang yếu đi khi các yếu tố đi trước gồm niềm tin doanh nghiệp, niềm tin tiêu dùng, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình, PMI đều đang tiếp tục tạo mức thấp mới. Những yếu tố này cùng với áp lực lãi suất cao sẽ tác động tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong 2023. Có lẽ 1-2 quý tới vẫn là quãng thời gian chưa thực sự thuận lợi của thị trường.

Trở lại với thị trường Việt Nam, thông tin về các mức lãi suất huy động mới ở các ngân hàng tiếp tục xuất hiện. Khi nào ngân hàng dừng cuộc chạy đua tăng lãi suất hiện nay và xác lập đỉnh lãi suất huy động cũng như cho vay chưa thể có câu trả lời. Bởi vậy, những biến số quan trọng của định giá cổ phiếu như lãi suất và tăng trưởng doanh nghiệp vẫn chưa mấy tích cực.

Dù vậy, nhìn lại suốt chiều dài lịch sử TTCK thế giới cũng như Việt Nam, những giai đoạn khủng hoảng và nhiều biến động như hiện nay thường cũng tương ứng với vùng định giá thấp lịch sử và đem lại nhiều cơ hội thành công cho các nhà đầu tư. Có lẽ trước một mùa Giáng sinh đầy bận rộn, nhà đầu tư vẫn rất cần tập trung chọn cho mình một danh mục tiềm năng, để đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới.

Tin bài liên quan