Những cổ đông tâm huyết không chỉ chăm đi đại hội, mà còn chất vấn, thậm chí đóng góp ý kiến riêng với lãnh đạo doanh nghiệp

Những cổ đông tâm huyết không chỉ chăm đi đại hội, mà còn chất vấn, thậm chí đóng góp ý kiến riêng với lãnh đạo doanh nghiệp

Những cổ đông đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Họ - những cổ đông tham gia thị trường chứng khoán từ những ngày sơ khai, gắn bó với doanh nghiệp, rành tài chính, am hiểu pháp lý và không e ngại lên tiếng…

1. Giữa năm 2021, giới đầu tư xôn xao về một cuộc sáp nhập ầm ĩ trên thị trường. Tôi nhận được email của anh - một cổ đông thuộc lứa Fn quen biết mấy năm nay. Cũng giống như mọi lần, email của anh có rất nhiều nội dung độc đáo, đặc sắc, đặc biệt là những phân tích pháp lý rất cụ thể và sắc nét về việc tổ chức đại hội đồng cổ đông trực tuyến nhưng không tuân thủ một số quy định pháp luật…

Anh tâm sự rằng, mình có mua một lượng cổ phiếu của doanh nghiệp bị sáp nhập, không quá nhiều nhưng cũng đủ để phải bận tâm trước những diễn biến mới của doanh nghiệp. Ngoài email gửi cho tôi, anh còn gửi trực tiếp đến doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bẵng đi một thời gian ngắn, anh nhắn tôi là cơ quan quản lý đã có phản hồi và cùng với đó có động thái tích cực về những nội dung mà anh đã phản ánh.

Tôi cũng biết trong vụ việc đó, không chỉ có anh, mà còn nhóm cổ đông khác đồng loạt “lên tiếng” kiến nghị, cùng với tiếng nói của báo chí nhằm mục tiêu chung là minh bạch thông tin thị trường.

Nghề viết giúp chúng tôi gặp gỡ nhiều người, quen biết nguồn tin với những câu chuyện thú vị, đặc biệt là những cổ đông rất tâm huyết với doanh nghiệp. Có cổ đông tâm sự, anh mua cổ phiếu một doanh nghiệp về ngành xi măng từ hồi mới IPO. Thời điểm đó, những thông tin về doanh nghiệp không nhiều và mặc dù khung pháp lý đã có, nhưng việc doanh nghiệp đại chúng không tuân thủ, nhiều khi phớt lờ việc công bố thông tin xảy ra “như cơm bữa”.

Cổ đông chăm đi đại hội là lẽ thường, nhưng những cổ đông rành tài chính, am hiểu pháp lý và lên tiếng chiếm thiểu số, bởi rất nhiều trong số họ là nhà đầu tư “lướt sóng”, chạy theo “tin đồn”.

Doanh nghiệp có trụ sở ở một tỉnh miền núi phía Bắc, đi lại khó khăn, còn các cổ đông ở Hà Nội, nhưng anh và một nhóm cổ đông quen biết hàng năm vẫn tham dự đại hội đồng cổ đông. Từng vấn đề về tài chính như câu chuyện thanh toán bằng tiền mặt trái với quy tắc của Thông tư hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng và Điều lệ mẫu buộc phải hạch toán thu chi qua tài khoản ngân hàng, đến việc công ty thực hiện đấu thầu rút gọn thay vì đấu thầu công khai, bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả…, được các cổ đông phản ánh và đưa ra chất vấn. Qua mỗi năm, mức độ công bố thông tin của doanh nghiệp ngày càng dày lên. Doanh nghiệp minh bạch dần phản ánh vào kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu, nhà đầu tư thiện cảm và gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Cổ đông chăm đi đại hội là lẽ thường, nhưng những cổ đông rành tài chính, am hiểu pháp lý và lên tiếng thường không nhiều. Bởi lẽ, đặc thù tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư là “lướt sóng”, đầu tư chạy theo “tin đồn” và nhiều cổ đông cũng e ngại đi đại hội vì không thu xếp được thời gian, hoặc doanh nghiệp tổ chức ở địa điểm xa, việc đi lại khó khăn, tốn kém…

Nhưng với các cổ đông trên, họ không chỉ muốn nhìn con số “nhảy múa” trên bảng điện tử hay các con số trong báo cáo tài chính, báo cáo quản trị hay các tài liệu khô cứng khác. Có những cổ đông tận tâm, lặn lội xác minh các khu đất mà doanh nghiệp đang sở hữu hoặc bỏ thời gian để nghiên cứu, chắt lọc thông tin…

Vào mùa đại hội đồng cổ đông 2021, tôi nhận ủy quyền của một cổ đông tham dự và được “gửi gắm” hàng loạt câu hỏi để mong làm rõ về việc khoản nghìn tỷ đồng gửi tiết kiệm, kế hoạch thoái vốn, thẩm định giá các khu đất, các khoản nợ “phình ra”, hiệu quả các khoản góp vốn vào công ty con, công ty liên kết… của doanh nghiệp.

2. Hai năm trở lại đây, khung pháp lý về thị trường chứng khoán, quản trị công ty đại chúng đang dần thay đổi theo hướng tiệm cận thế giới, thúc đẩy việc minh bạch thông tin, đặc biệt là các quy định về công bố thông tin.

Sau khi Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2019 được thông qua, trong năm 2021, Bộ Tài chính liên tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn như Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Thông tư số 116/2020/TT-BTC hướng dẫn một số điều về quản trị công ty…

Đặc biệt, năm 2021, công ty đại chúng phải tuân thủ công bố thông tin theo hướng dẫn mới tại Thông tư 96/2020/TT-BTC, thay thế cho Thông tư 155/2015/TT-BTC, trong đó yêu cầu tất cả công ty đại chúng phải thực hiện báo cáo tình hình quản trị công ty, thay vì công ty đại chúng quy mô lớn như quy định cũ.

Đáng chú ý, Thông tư 96 cũng yêu cầu công ty đại chúng phải công bố thông tin trong trường hợp công ty nhận biết được sự kiện, thông tin làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán của chính công ty, công ty phải xác nhận hoặc đính chính về sự kiện, thông tin đó.

Việc công bố thông tin phải tuân thủ theo nguyên tắc như đảm bảo sự đầy đủ, chính xác (đòi hỏi tổ chức thực hiện công bố thông tin phải tôn trọng tính trung thực, không được xuyên tạc, bóp méo thông tin hoặc có hành vi cố ý gây hiểu nhầm thông tin); đảm bảo tính kịp thời và liên tục (bao gồm thông tin bất thường và định kỳ); đảm bảo sự công bằng với các đối tượng nhận thông tin công bố (tức là thông tin được công bố rộng rãi, bình đẳng, không có sự phân biệt, ưu tiên giữa các đối tượng)…

Trong năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 303 quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, tăng 83 vụ so với năm 2020. Số tiền thu được từ xử phạt năm 2021 tăng 5,6%, đạt xấp xỉ 21 tỷ đồng.

Tần suất các vụ vi phạm chứng khoán trong năm 2021 dày hơn năm trước, trong đó có phần đến từ việc phản ánh của cổ đông, nhà đầu tư… Vào ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính.

Cùng với sự hoàn thiện của khung pháp lý và sự lắng nghe của doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhà đầu tư mong mỏi một thị trường ngày càng minh bạch, tuân thủ lằn ranh các quy định pháp lý.

Tin bài liên quan