Những dấu hiệu đầu tiên của suy thoái kinh tế có khả năng xuất hiện từ báo cáo lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi các nhà đầu tư đang ăn mừng về triển vọng lạm phát có khả năng đã đạt đỉnh và khả năng hạ cánh nhẹ nhàng, mùa báo cáo thu nhập này có thể cho thấy vẫn còn rất nhiều điều khiến giới nhà đầu tư phải lo ngại.
Những dấu hiệu đầu tiên của suy thoái kinh tế có khả năng xuất hiện từ báo cáo lợi nhuận

Theo các chiến lược gia của Bloomberg Intelligence, với chi phí vẫn tăng, lãi suất bắt đầu giảm và chi tiêu của người tiêu dùng giảm, báo cáo lợi nhuận sẽ tiết lộ sự khởi đầu của suy thoái lợi nhuận ở Mỹ, kéo dài đến nửa cuối năm 2023.

Theo chiến lược gia Michael Wilson của Morgan Stanley, trong khi các nhà phân tích bận rộn cắt giảm dự báo lợi nhuận doanh nghiệp trong vài tuần qua, thì sự đồng thuận về lợi nhuận doanh nghiệp năm 2023 vẫn “quá cao” dù có hoặc không có suy thoái kinh tế.

Madison Faller, chiến lược gia tại JPMorgan kỳ vọng rằng, các ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ đưa ra những bình luận thận trọng trước nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng, hàng tồn kho cao hơn bình thường và áp lực tiền lương.

“Với việc các nền kinh tế phát triển đang chậm lại, chúng tôi cho rằng ước tính của các nhà phân tích có thể sẽ tiếp tục giảm xuống, nhưng không sụp đổ ngay lập tức. Biên lợi nhuận có thể sẽ tiếp tục suy giảm vào năm 2023 và đó sẽ là vấn đề trọng tâm trong các cuộc thảo luận của ban lãnh đạo với các nhà đầu tư”, ông cho biết.

Dưới đây là các lĩnh vực chính mà những người tham gia thị trường sẽ theo dõi trong mùa báo cáo này:

Sự xoay trục của Fed

Mặc dù các tín hiệu từ báo cáo lợi nhuận là quan trọng, nhưng sự chú ý của các nhà đầu tư lại tập trung vào các động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Với lãi suất của Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ đạt đỉnh vào mùa Hè này, bất kỳ nhận xét nào về tác động của chính sách tiền tệ đều có thể được xem xét kỹ lưỡng. Các nhà đầu tư cũng sẽ muốn tìm hiểu xem liệu các công ty có thể đảm bảo chi phí vay thấp trong những năm tới và tránh những bất lợi do lãi suất tăng hay không.

Trong bối cảnh đó, chiến lược gia David Kostin của Goldman Sachs Group cho rằng, mặc dù ước tính lợi nhuận đã giảm trong hầu hết năm ngoái, nhưng chúng vẫn còn quá cao.

James Athey, Giám đốc đầu tư tại Abrdn cho biết: “Dữ liệu ngày càng chỉ ra rằng hoạt động đang chậm lại trên diện rộng. Rất ít lĩnh vực dường như miễn dịch với sự chậm lại. Trên thực tế, tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn đang trong giai đoạn đầu chịu tác động của việc thắt chặt chính sách của Fed”.

Chi tiêu của người tiêu dùng

Nhu cầu chậm lại sẽ là tiêu điểm trong mùa báo cáo này như một điềm báo về suy thoái kinh tế. Dữ liệu kinh tế của Mỹ cho thấy người tiêu dùng đã mất động lực trong tháng 11 trong bối cảnh lãi suất cao hơn và lạm phát gia tăng. Người Mỹ đang tiết kiệm và phụ thuộc nhiều hơn vào thẻ tín dụng, điều này đã đặt ra câu hỏi liệu nền kinh tế Mỹ có thể tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đến năm 2023 hay không.

Một số công ty đã xoay xở để điều hướng những cơn gió ngược này, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Doanh thu hàng quý của Nike đã đánh bại ước tính của Phố Wall trong bối cảnh nhu cầu cao hơn trong các ngày lễ và lợi nhuận của FedEx cao hơn ước tính của các nhà phân tích do tăng giá và cắt giảm chi phí. Tại châu Âu, hãng hàng không Ryanair Holdings đã nâng mục tiêu lợi nhuận cả năm sau kỳ du lịch Giáng sinh thuận lợi hơn dự kiến, trong khi doanh số bán hàng trong dịp lễ tăng tại Tesco và nhiều nhà bán lẻ khác của Anh.

Tuy nhiên, những nỗ lực đã không thành công ở khắp mọi nơi. Tesla đã giao ít xe hơn dự kiến trong quý bốn mặc dù đã đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn tại các thị trường lớn nhất của mình, khiến cổ phiếu công ty lao dốc. Macy's Inc. cũng dự kiến ​​sẽ báo cáo doanh số bán hàng quý IV yếu hơn so với dự báo trước đó và gây áp lực tiếp tục lên người tiêu dùng vào năm 2023.

Cắt giảm công việc

Báo cáo thu nhập cũng sẽ được theo dõi để có thêm bằng chứng về việc sa thải nhân viên khi các công ty phản ứng với bối cảnh xấu đi. Hiện tượng này rõ rệt nhất trong lĩnh vực công nghệ khi các công ty đang cắt giảm việc làm với tốc độ gần bằng những ngày đầu của đại dịch, bằng chứng là các thông báo gần đây từ Amazon và Salesforce. Trong khi đó, Meta, Apple và Alphabet đều đang chậm lại hoặc tạm dừng tuyển dụng, trong khi TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đang chuẩn bị cho doanh số bán hàng yếu hơn dự kiến bằng cách giảm chi tiêu.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Credit Suisse Group AG và Barclays Plc đều đã sa thải nhân viên hoặc thông báo rằng họ có kế hoạch làm như vậy trong những tháng tới. McDonald cũng đang cắt giảm việc làm và là chuỗi nhà hàng đầu tiên ở Mỹ làm như vậy mặc dù hoạt động bán hàng tương đối tốt trong những năm gần đây.

Marija Veitmane, chiến lược gia cấp cao tại State Street Global Markets cho biết: “Rất nhiều công ty đã trở nên quá lớn so với nền kinh tế đang bị thu hẹp và môi trường pháp lý khó khăn hơn, và họ thực sự có nhu cầu lớn hơn về quy mô phù hợp. Tầm quan trọng của việc xem xét ước tính lợi nhuận có thể tiêu cực hơn nhiều so với yếu tố hiện đã được phản ánh trong các ước tính đồng thuận”.

Trung Quốc mở cửa trở lại

Bình luận từ các công ty có doanh thu và chi phí tiếp xúc với Trung Quốc sẽ được xem xét kỹ lưỡng sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại hoàn toàn vào ngày 8/1. Các công ty khai thác, công nghệ và hàng xa xỉ ở Mỹ và châu Âu thu được doanh số bán hàng lớn từ Trung Quốc, trong khi các nhà sản xuất mỹ phẩm ở Nhật Bản và cổ phiếu du lịch trên khắp Đông Nam Á cũng sẽ chịu tác động.

Tuy nhiên, với việc các ca nhiễm Covid ở Trung Quốc gia tăng và nhiều quốc gia áp đặt các hạn chế biên giới đối với khách du lịch từ nước này, tác động của việc mở cửa trở lại đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn cầu vẫn có thể bị hạn chế trong quý một này.

Tin bài liên quan