Những điều còn vấn vương về sáp nhập huyện, xã

0:00 / 0:00
0:00
Còn cả hàng ngàn cán bộ dôi dư, có tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng không,... là những vấn đề được nêu ra để đánh giá kỹ hơn sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021

Rõ địa chỉ tiết kiệm 2.000 tỷ đồng

Trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện.

Đó là con số được nêu tại báo cáo kết quả bước đầu về giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp thứ 9.

Một kết quả đáng chú ý nữa, theo báo cáo của Chính phủ, là đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng (gồm: giảm chi tiền lương và phụ cấp là 787,84 tỷ đồng; giảm chi hoạt động là 344,79 tỷ đồng) và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng. Qua đó, đã có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Nhấn mạnh đây chỉ là kết quả bước đầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn để rút kinh nghiệm thực hiện trong giai đoạn tới. “Chẳng hạn, nói tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ ngân sách, nhưng cụ thể là tiết kiệm ở chỗ nào, chi thường xuyên hằng năm dự toán ngân sách của trung ương và địa phương bố trí có giảm được không, hay giảm chỗ nọ lại tăng chỗ kia?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ ở tỉnh Cao Bằng - một trong 45 địa phương thực hiện sắp xếp, nguồn kinh phí tiết kiệm được chưa bảo đảm đủ nguồn chi cho các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, do vậy, tỉnh không có kinh phí tiết kiệm do thực hiện sắp xếp, sáp nhập. Cần phải trả lời được cụ thể câu hỏi: để giải quyết nốt hàng ngàn cán bộ dôi dư, sẽ còn tăng thêm bao nhiêu kinh phí nữa?

“Có đúng là sau sắp xếp, đã tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng hay không thì Bộ Tài chính phải xác nhận, sau này còn hậu kiểm. Tiền tiết kiệm đó nằm ở tỉnh nào, bộ nào thì phải nói rõ, không nói chung chung là tiết kiệm được mấy ngàn tỷ đồng như thế”, ông Vương Đình Huệ yêu cầu.

Trả lời câu hỏi này, ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, con số tiết kiệm kinh phí trong giai đoạn 2009-2021 đối với sắp xếp địa giới hành chính mới là đánh giá ban đầu.

Liên quan đến tài sản công sau sắp xếp - vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần làm rõ sau giám sát - ông Tuấn đánh giá, bên cạnh những nơi sử dụng hiệu quả, vẫn có những nơi có thể chưa sử dụng được hiệu quả và có thể có hiện tượng lãng phí.

Nhân dân tâm tư thế nào?

“Quá trình sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo được sự đồng thuận, hướng ứng của nhân dân”, nhấn mạnh này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng là vấn đề được nhiều ý kiến tại phiên thảo luận quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, qua phản ánh của đại cử tri, sắp xếp các huyện của tỉnh Cao Bằng cũng chưa có sự đồng thuận cao. Ông Thanh đề nghị Đoàn giám sát trực tiếp làm việc với Cao Bằng để xem tâm tư, nguyện vọng cử tri, nhân dân ở tỉnh này như thế nào.

“Lãnh đạo thì chắc là ổn rồi, nhưng nhân dân các huyện của Cao Bằng được sáp nhập có tâm tư, nguyện vọng như thế nào sau một thời gian sắp xếp thì cần tìm hiểu để báo cáo chính xác”, ông Thanh nói.

Cũng nhắc đến Cao Bằng và cho rằng, tâm lý chung ở nhiều nơi không muốn sáp nhập vì sẽ động chạm đến con người, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cần phải đánh giá kỹ thêm về hiệu quả của việc sáp nhập. Ông Cường góp ý, tới đây khi đi khảo sát tại một số tỉnh, không đề nghị tỉnh chuẩn bị, mà Đoàn giám sát tự chọn một địa bàn, xuống làm việc với tỉnh xong là chủ động xuống địa bàn đó làm việc và nghe ý kiến nhân dân.

“Không để tỉnh chuẩn bị trước, vì chuẩn bị trước, thì sẽ chọn tất cả những ý kiến đồng thuận. Chúng ta phải nghe rất nhiều chiều để xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng. Vì đây là giám sát của Quốc hội, cho nên phải làm rất khách quan, nếu chúng ta được sự chuẩn bị sắp đặt trước theo hướng là cứ phải đồng thuận, thì sẽ không còn tính dân chủ và khách quan”, ông Cường nói.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn Giám sát cho biết, Đoàn đã có kế hoạch làm việc tại Cao Bằng. “Tôi sẽ trực tiếp cùng với Đoàn giám sát đi nắm tình hình, thông qua Mặt trận, đoàn thể để nắm ý kiến, tâm tư, tình cảm của nhân dân, không phải chỉ gặp lãnh đạo”, ông Định nói.

Ngoài vấn đề trên, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh và một số ý kiến thảo luận cho rằng, cử tri rất quan tâm số cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện dôi dư khá nhiều. Vì thế, Chính phủ phải đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý chính sách đặc thù cho cán bộ dôi dư này.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, với chính sách sắp xếp cán bộ dôi dư, các địa phương cũng hay nhìn nhau, chỉ cần bên này một anh được 200 triệu đồng, bên kia một anh 250 triệu đồng thôi là dẫn đến tâm tư của cán bộ.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hiện nay còn 3.414 người ở xã và 412 người ở huyện cần phải sắp xếp, nhưng việc này trong vòng 5 năm mới phải hoàn thành, nên vẫn còn thời gian hơn 2 năm. Tới đây, Đoàn giám sát sẽ làm rõ thêm những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.

Sắp xếp không phải chỉ để sắp xếp

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế là chủ trương rất lớn, căn cứ chính dựa vào tiêu chí về diện tích và dân số. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải căn cứ vào vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trong quá trình thực hiện phải đảm bảo được sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân. Sắp xếp không phải chỉ để sắp xếp, mà mục tiêu cuối cùng là để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tiết kiệm kinh phí, tiết kiệm biên chế, cả chuyên đề giám sát của phải toát lên tinh thần đó.

Chất vấn về cung ứng xăng dầu, hệ lụy đấu giá đất

Theo chương trình phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành cả ngày 16/3 để tổ chức hoạt động chất vấn. Theo đó, buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ trả lời chất vấn về tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua và một số vấn đề nóng khác.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn về trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này.

Tin bài liên quan