Cư dân chung cư Saigon Gateway treo băng rôn đòi chủ đầu tư làm sổ hồng. Ảnh: Việt Dũng

Cư dân chung cư Saigon Gateway treo băng rôn đòi chủ đầu tư làm sổ hồng. Ảnh: Việt Dũng

Những dự án cư dân “dài cổ” chờ sổ hồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ hơn chục năm nay, rất nhiều kiến nghị được đưa ra, chính quyền TP.HCM và các cơ quan chức năng liên quan cũng nhiều lần họp bàn, nhưng việc cấp sổ hồng cho hàng trăm dự án chung cư trên địa bàn Thành phố vẫn “dậm chân tại chỗ” vì nhiều nguyên nhân.

Dân hối, chủ đầu tư mong, cơ quan chức năng nói chờ

Mua căn hộ chung cư Lexington Residence (phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM) từ năm 2015, nhưng đến nay, cư dân ở đây vẫn chưa được cấp sổ hồng, cho dù đã nhiều lần tổ chức làm việc với chủ đầu tư và cơ quan chức năng để thúc tiến độ.

Anh Tuấn Hoàng, một cư dân tại đây cho biết, sau nhiều lần phản ánh, đầu năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, dự án đủ điều kiện để cấp sổ hồng, bà con vui mừng làm hồ sơ. Thế nhưng, đến cuối năm 2021, Văn phòng Quản lý đất đai lại trả lời chưa được cấp sổ vì chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Trong khi đó, chủ đầu tư dự án cho biết đã đồng ý đóng tiền thuế theo yêu cầu của Nhà nước để tiến hành làm sổ hồng cho khách hàng, thậm chí còn sẵn sàng nộp tiền trước mà chưa được cơ quan chức năng “gật đầu”.

“Chính quyền Thành phố đã có chủ trương tháo gỡ, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả khiến các cư dân càng thêm bức xúc”, anh Hoàng nói.

Chung cư 4S Linh Đông (phường Linh Đông, TP. Thủ Đức) cũng trong tình trạng tương tự. Bà Trần Thị Thanh Loan, cựu Trưởng Ban quản trị chung cư này cho biết, dự án có cụm 4 chung cư được Sở Xây dựng TP.HCM nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 8/2018, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Sau nhiều lần phản ánh, ngày 6/6/2023, Công ty TNHH Xây dựng Thành Trường Lộc - chủ đầu tư dự án - mới có văn bản phúc đáp, trong đó cho biết đã nộp hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề nghị cấp sổ hồng cho người dân theo đúng quy định pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, hồ sơ dự án vẫn đang được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, Công ty không nhận được thông tin gì từ Sở về việc dự án gặp khó khăn, vướng mắc.

“Chúng tôi được biết, đơn vị có thẩm quyền đang thực hiện các bước thủ tục đo vẽ, đối chiếu ranh giới liên quan. Ngay sau khi nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ gửi đến quý vị sớm nhất”, văn bản phúc đáp của Công ty Thành Trường Lộc nêu.

Dẫu vậy, những người mua nhà tại Chung cư 4S Linh Đông vẫn chưa thể yên tâm chờ cơ quan chức năng giải quyết, bởi dự án này không nằm trong danh sách các dự án được cấp sổ hồng mà Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa công bố hồi đầu tháng 7 này.

Chưa kể, mới đây, cư dân còn phát hiện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có thông báo về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá tài sản là khoản nợ của Công ty Thành Trường Lộc vay tại ngân hàng này với tài sản bảo đảm gồm: “Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại thửa đất số 145, tờ bản đồ số 44 (tài liệu năm 2004), địa chỉ phường Linh Đông, quận Thủ Đức (nay là TP. Thủ Đức), TP.HCM theo GCNQSDĐ số AB 770418, số vào sổ CH T00048/1A do UBND TP.HCM cấp ngày 9/2/2006”.

Theo cư dân, đây là khu đất của dự án chung cư 4S Riverside mà hàng trăm cư dân đang sinh sống. Cũng tại thông báo này, nhiều tài sản liên quan khác do Công ty Thành Trường Lộc sở hữu cũng đang bị ngân hàng xử lý để giải quyết nợ xấu.

Một trường hợp khác cũng bị “ngâm” sổ hồng nhiều năm nay là Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát. Doanh nghiệp này kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đẩy nhanh quá trình phê duyệt hồ sơ để cấp sổ hồng cho các cư dân tại dự án Khu thương mại dịch vụ - căn hộ cao tầng phường Bình Thuận, quận 7 do Công ty Phú Gia An (thành viên thuộc Hưng Lộc Phát) làm chủ đầu tư. Theo chủ đầu tư, hiện hồ sơ đang dừng ở bước dự thảo phương án để trình Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố.

Tương tự, Công ty cổ phần Xây dựng - Giao thông - Thương mại Bảo Sơn cũng đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho cư dân tại dự án Khu nhà ở phường Bình Trưng Tây, TP. Thủ Đức, nhưng đến nay vẫn tiếp tục đợi.

Dự án này đã xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng từ tháng 8/2017, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang rà soát hệ số quy hoạch để điều chỉnh chứng thư thẩm định giá đất, dự kiến đến tháng 8/2023 mới trình Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố giải quyết.

Ngoài những cái tên nói trên, trong danh sách “mắc kẹt” sổ hồng còn có nhiều tên tuổi quen thuộc như Novaland, Quốc Cường Gia Lai, Gamuda, Saigonres… Đơn cử, Công ty cổ phần Bất động sản Nova Lexington (thành viên của Novaland) nhiều lần gửi kiến nghị về việc cấp sổ hồng cho người mua nhà tại dự án Khu chung cư cao tầng số 67 Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP. Thủ Đức, nhưng tới nay, Sở Tài nguyên và Môi trường này cho biết “vẫn đang nghiên cứu, giải quyết”, còn thời hạn bao lâu thì chưa rõ!?

Xử lý sai phạm cần tính đến quyền lợi của dân

Thực tế, không phải bây giờ, mà hơn chục năm qua, nhiều doanh nghiệp có dự án gặp vướng mắc và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có nhiều văn bản kiến nghị, kêu cứu... gửi UBND TP.HCM, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ban, ngành liên quan để tháo gỡ “nút thắt” sổ hồng, nhưng kết quả chưa như mong đợi.

Người dân ở TP.HCM không còn xa lạ với cảnh cư dân tại nhiều khu chung cư xuống đường căng băng rôn, biểu ngữ đòi chủ đầu tư làm sổ hồng, song mọi việc vẫn “dậm chân tại chỗ” vì nhiều lý do như cơ quan chức năng “quá tải”, chủ đầu tư chưa hoàn thành các nghĩa vụ liên quan… Thậm chí, có không ít chủ đầu tư còn cố tình thế chấp dự án khiến người mua nhà không được cấp sổ hồng.

Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, trên địa bàn Thành phố hiện có 60 dự án nhà ở bị chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng. Trong đó, có 41 dự án bị thế chấp trong giai đoạn 2016-2023 và nhiều dự án thế chấp từ trước đó (giai đoạn 2008-2011), đến nay chủ đầu tư vẫn chưa giải chấp nên người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Đại tá Trần Thị Kim Lý, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.HCM cho biết, trường hợp chủ đầu tư cố tình bán nhà đang thế chấp cho khách hàng hoặc nhà đã bán vẫn mang thế chấp mà không được sự đồng ý của bên mua thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, cơ quan công an phải căn cứ quy định để xác định ý thức chủ quan của chủ đầu tư trong việc thế chấp tài sản, xem xét dự án có đủ điều kiện mở bán hay không, nội dung thỏa thuận cụ thể giữa khách hàng và chủ đầu tư, làm rõ phạm vi tài sản mang thế chấp là toàn bộ hay một phần dự án, khả năng tài chính của chủ đầu tư…

Thông tin thêm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay, trong trường hợp chủ đầu tư bán xong rồi mới thế chấp thì cần truy cứu thêm trách nhiệm của ngân hàng vì biết dự án đã được bán cho người dân rồi mà vẫn nhận thế chấp cho vay. Thêm nữa là trường hợp nhận thế chấp trước khi chủ đầu tư mở bán, nhưng ngân hàng không công bố cho chính quyền và khách hàng mua dự án được biết. Bởi cả hai trường hợp này đều là tiếp tay cho chủ đầu tư gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp chủ đầu tư “tình ngay lý gian”, bị mang tiếng thất hứa với cư dân do một số quy định pháp luật chồng chéo khi làm thủ tục cấp sổ, hoặc bị cơ quan chức năng xác định lại nguồn gốc đất làm dự án như hàng chục khu chung cư tại TP.HCM đang gặp phải. Vì vậy, việc xử lý sai phạm cũng cần tính đến yếu tố bối cảnh và hiện trạng dự án, đặc biệt là quyền lợi sở hữu tài sản hợp pháp của người dân.

Tin bài liên quan