Khi tiến hành bảo hiểm tài sản đã đưa vào sản xuất kinh doanh, cần đề cập đến quyền sở hữu tài sản - Ảnh: Đức Thanh

Khi tiến hành bảo hiểm tài sản đã đưa vào sản xuất kinh doanh, cần đề cập đến quyền sở hữu tài sản - Ảnh: Đức Thanh

Những lưu ý trong mối quan hệ giữa BH gián đoạn kinh doanh và BH tài sản

(ĐTCK-online) Trong quá trình sản xuất - kinh doanh, những tài sản có chức năng sinh lời (đưa vào sản xuất - kinh doanh) bị tổn thất sẽ làm ngừng trệ, gián đoạn kinh doanh, gây thiệt hại về doanh thu hay lợi nhuận cho người sở hữu tài sản đó. Quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản. Quyền khai thác sử dụng tài sản tạo nên khả năng sinh lời của tài sản như đưa vào khai thác kinh doanh, cho thuê tài sản…

Vì vậy, khi tiến hành bảo hiểm tài sản đã đưa vào sản xuất - kinh doanh không thể không đề cập đến quyền sở hữu tài sản, với hai yếu tố cơ bản là bảo hiểm thiệt hại cho tài sản đưa vào sản xuất - kinh doanh và bảo hiểm thiệt hại kinh doanh (khả năng sinh lời của tài sản) trong khi tài sản bị thiệt hại đang trong quá trình sửa chữa, khôi phục lại làm gián đoạn kinh doanh, mất khả năng sinh lời của tài sản.

Điều này có nghĩa là bảo hiểm tài sản bồi thường cho những thiệt hại trực tiếp gây ra với tài sản, còn bảo hiểm gián đoạn kinh doanh là bồi thường thiệt hại gián tiếp hoặc mang tính hậu quả từ thiệt hại về tài sản gây ra. Không có bảo hiểm tài sản thì không có bảo hiểm gián đoạn kinh doanh của tài sản đó. Vì vậy, không có loại bảo hiểm gián đoạn kinh doanh đứng độc lập, mà luôn gắn liền với đơn bảo hiểm tài sản.

Bảo hiểm tài sản bao gồm các sản phẩm bảo hiểm: bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro đặc biệt, bảo hiểm mọi rủi ro. Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh có các sản phẩm: bảo hiểm gián đoạn kinh doanh không đầy đủ (khôi phục lại doanh thu bằng lúc chưa xảy ra rủi ro tổn thất), còn gọi là bảo hiểm doanh thu và bảo hiểm gián đoạn kinh doanh đầy đủ (khôi phục lại lợi nhuận bằng lúc chưa xảy ra rủi ro tổn thất), còn gọi là bảo hiểm lợi nhuận.

Nhưng bảo hiểm gián đoạn kinh doanh chỉ bảo hiểm thời gian gián đoạn kinh doanh tối đa là 12 tháng. Có nghĩa là, thời gian gián đoanh kinh doanh đã hết 12 tháng, nhưng không đạt được mức doanh thu hay lợi nhuận trước khi có rủi ro tổn thất, thì trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm cũng kết thúc. Hoặc chưa hết 12 tháng, nhưng quá trình gián đoạn kinh doanh kết thúc, doanh thu hưởng lợi nhuận đã bằng hoặc vượt mức như lúc chưa xảy ra rủi ro tổn thất, thì trách nhiệm bảo hiểm cũng chấm dứt.

Rủi ro được bảo hiểm, rủi ro loại trừ, thời hạn bảo hiểm của bảo hiểm gián đoạn kinh doanh phải đồng nhất với bảo hiểm tài sản. Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh được ký song hành với bảo hiểm tài sản.

Trong rất nhiều rủi ro gây ra thiệt hại tài sản thì có một số rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản, nên trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường chỉ những thiệt hại do rủi ro được bảo hiểm gây ra (loại trừ thiệt hại do rủi ro không được bảo hiểm gây ra). Song khó có thể tách được trách nhiệm của bảo hiểm gián đoạn kinh doanh do hậu quả của rủi ro được bảo hiểm cùng với rủi ro không được bảo hiểm gây ra với tài sản kinh doanh để tách trách nhiệm bồi thường thiệt hại kinh doanh.

Ví dụ, một khách sạn được bảo hiểm rủi ro cháy nổ, giông tố, lũ lụt và bảo hiểm thiệt hại kinh doanh. Khi xảy ra mưa to gây ngập lụt cả một vùng địa lý, trong đó có khách sạn, gây ra hậu quả là 16 phòng tầng 1 của khách sạn bị ngập lụt và nước mưa hắt vào gây thiệt hại, 64 phòng từ tầng 2 đến tầng 5 cũng bị nước mưa hắt vào gây thiệt hại. Khi đó, bảo hiểm tài sản chỉ bồi thường thiệt hại do ngập lụt gây ra với 16 phòng tầng 1, không bảo hiểm thiệt hại do nước mưa phá hỏng tài sản 16 phòng tầng 1 (loại trừ thiệt hại của 48 phòng từ tầng 2 đến tầng 5).

Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh khó có thể tách được thời gian gián đoạn sửa chữa 16 phòng tầng 1 do ngập lụt hay do nước mưa. Đồng thời, cũng không thể tách được ảnh hưởng của những rủi ro này dẫn đến giảm sút doanh thu, lợi nhuận đến đâu, khi mà cả 60 phòng sửa chữa cùng một lúc không đưa khách sạn này vào kinh doanh được. Doanh thu và lợi nhuận trở lại bình thường như lúc chưa xảy ra tổn thất khi cả 60 phòng trên cùng đưa vào hoạt động.

Vấn đề thứ hai, nếu không thận trọng thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể gánh chịu rủi ro từ tài sản chuyển sang trách nhiệm của gián đoạn kinh doanh khi bảo hiểm tài sản dưới giá trị.

Ví dụ, một cơ sở sản xuất da giày mua bảo hiểm cháy nổ, trong đó có kho thành phẩm với giá trị kê khai bảo hiểm cho 200.000 đôi giày trong kho (thực tế là 1.000.000 đôi). Khi xảy ra cháy gây thiệt hại cho 1.000.000 đôi giày trong kho, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường thiệt hại cho 200.000 đôi giày. Nhưng nếu bảo hiểm gián đoạn kinh doanh thì bồi thường thiệt hại phát sinh do gián đoạn kinh doanh cho đến khi doanh thu, lợi nhuận đạt được mức chưa xảy ra tổn thất. Điều này có nghĩa là, nếu xác định thiệt hại gián đoạn kinh doanh theo sổ sách kế toán thì 800.000 đôi giày bị cháy không được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản sẽ được giải quyết bồi thường trong bảo hiểm gián đoạn kinh doanh.

Đưa ra những vấn đề trên, người viết mong nhận được ý kiến tranh luận của các bạn đồng nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và gián đoạn kinh doanh.