Những ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế địa phương

0:00 / 0:00
0:00
Không quá lấp lánh, nhưng 5,05% tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đủ sáng trên bầu trời kinh tế thế giới năm 2023.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Đóng góp vào bức tranh kinh tế chung đó có đến 47 địa phương có mức tăng trưởng trên trung bình chung, song vẫn còn 16 địa phương tăng trưởng dưới trung bình. Đặc biệt, dù cùng bối cảnh khó khăn, vẫn có 7 địa phương tăng trưởng hai con số, trong khi có 4 địa phương tăng trưởng âm.

Ngôi sao sáng nhất trên bầu trời kinh tế Việt Nam năm 2023 là Bắc Giang và Hậu Giang. Bắc Giang giữ vị trí quán quân với tốc độ tăng trưởng 13,45% và Hậu Giang đạt á quân tăng trưởng với tốc độ 12,27%.

Với Bắc Giang, tuy tăng trưởng cao nhất cả nước, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Đây không phải là năm đầu tiên Bắc Giang đạt quán quân tăng trưởng. Từ năm 2017, Bắc Giang đã bùng nổ với mức tăng trưởng hai con số, bước nhanh trên nấc thang trở thành địa phương có quy mô kinh tế lớn thứ 13 cả nước. Sự “thần kỳ” của Bắc Giang hiện nay có phần giống với câu chuyện của Bắc Ninh hơn thập niên trước và Thái Nguyên sau đó. Trong khi đó, đây là năm thứ hai liên tiếp Hậu Giang đạt mức tăng trưởng hai con số kể từ sau đại dịch Covid-19, cũng là mức tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2023.

Trong nhóm địa phương tăng trưởng hai con số có Quảng Ninh và Hải Phòng - đều thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Đây là hai trong số những địa phương đóng vai trò động lực kinh tế quan trọng của cả nước trong nhiều năm qua.

Sức tăng trưởng của Hải Phòng và Quảng Ninh khá bền bỉ với tốc độ liên tục đạt mức hai con số, kể cả trong Covid-19 và hậu dịch bệnh đến nay. Đặc biệt, năm 2023, lần đầu tiên sau nhiều năm, Quảng Ninh vượt Hải Phòng về tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, Hải Phòng dù vẫn duy trì tăng trưởng cao, nhưng bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc và cũng không đạt mục tiêu đề ra. Cùng trong nhóm tăng trưởng hai con số có Khánh Hòa, Nam Định và Hưng Yên, với những thành quả kinh tế cũng rất ấn tượng. Ngoài ra, top 10 tăng trưởng cao còn phải kể đến Hà Nam, Ninh Thuận và Phú Yên. Như vậy, trong số 10 địa phương tăng trưởng cao nhất có đến 6 địa phương nằm ở phía Bắc, 3 địa phương thuộc vùng duyên hải miền Trung, chỉ có 1 địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long và không có địa phương nào ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tính chung, top 10 địa phương tăng trưởng cao chiếm 13,8% tổng GRDP các địa phương. Trong khi đó, nhóm thấp nhất có mặt một số địa phương từng giữ vai trò động lực của kinh tế đất nước trong nhiều thập niên trước. Những năm gần đây và đặc biệt là năm 2023, các địa phương này đang gặp một số vấn đề về mặt cơ cấu, nên tăng trưởng đã bị chững lại đáng kể. Hầu hết các địa phương này có độ mở kinh tế lớn và phụ thuộc nhiều vào FDI.

Câu chuyện của Bắc Giang và Bắc Ninh - hai địa phương tiếp giáp nhau, được chia tách năm 1996 và cùng được dẫn dắt bởi ngành công nghiệp điện tử, nhưng lại có kết quả tăng trưởng trái ngược, đã đặt ra nhiều dấu hỏi về mặt chiến lược phát triển ngành và liên kết vùng.

Bức tranh kinh tế 63 địa phương năm 2023 có sự phân hóa khá rõ nét. Có những địa phương đã tìm được động lực tăng trưởng tốt, nhưng cũng có những địa phương chưa tìm được động lực ổn định.

Hãy cùng chúc cho kinh tế các địa phương sẽ gặt hái được nhiều thành quả tăng trưởng ấn tượng, sẽ có thêm nhiều địa phương hóa Rồng trong năm 2024.

Bắc Ninh từ lâu là thủ phủ điện tử gắn với Tập đoàn Samsung, trong khi Bắc Giang mới nổi lên những năm gần đây với sự hiện diện của Foxconn và Luxshare - các đối tác của Apple. Kết quả tăng trưởng của Bắc Ninh và Bắc Giang dường như tương quan với kết quả kinh doanh của Samsung và Apple năm 2023. Trong khi Apple tiếp tục tăng trưởng dương và đã vươn lên giữ thị phần smartphone số 1 thế giới trong năm 2023, thì Samsung lại sụt giảm và rời vị trí số 1 đã đạt được từ năm 2011.

Mặc dù Bắc Giang hay Hậu Giang năm nay tăng trưởng cao và có thể sẽ tiếp tục trong vài năm tới, nhưng không có gì đảm bảo chắc chắn cho sự tăng trưởng ổn định và bền bỉ, bởi xét những yếu tố căn bản, là nguồn lực nội sinh như sức mạnh kinh tế tư nhân, chất lượng lao động, tiềm lực công nghệ… thì vẫn chưa đủ để kéo dài kỳ tích tăng trưởng này qua hàng thập niên.

Hàm ý không chỉ đối với Bắc Giang, mà các địa phương tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn cần phải tìm cách tích lũy và gia tăng nhanh năng lực nội sinh của mình nhằm tránh rơi vào bẫy “thịnh vượng giả tạo” vốn sẽ chóng qua đi.

Đối với Bình Dương và Bình Phước - hai địa phương tách ra từ tỉnh Sông Bé cũ cùng thời điểm với Bắc Ninh và Bắc Giang, dù không quá phân hóa tăng trưởng như Bắc Ninh - Bắc Giang, nhưng bức tranh tăng trưởng cũng khác biệt.

So với Bình Phước, Bình Dương đã là tỉnh công nghiệp hóa từ lâu, nhưng trong những năm gần đây, Bình Phước cũng bắt đầu nổi lên như một cực tăng trưởng của vùng. Năm 2023, trong khi Bình Dương chỉ tăng trưởng 5,97%, thì Bình Phước đạt tăng trưởng 8,34%. Tuy nhiên, nếu so với Bắc Ninh và Bắc Giang, thì Bình Dương có sự đa dạng hóa ngành kinh tế tốt hơn.

Tuy nhiên, điều không may là khá nhiều địa phương ở Việt Nam đang đặt cược sinh mệnh kinh tế của địa phương mình vào một hoặc nhóm ngành kinh tế nào đó, được gọi là chọn trước “ngành chiến thắng”. Bắc Giang, Bắc Ninh hay Thái Nguyên là những ví dụ. Ngoài ra, còn có Quảng Ngãi gắn với Dung Quất, Quảng Nam gắn với Trường Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngành công nghiệp khai thác dầu khí, Vĩnh Phúc gắn với Honda và Toyota… Khi những ngành này đi xuống, kinh tế các địa phương này cũng xuống theo. Ngược lại, không chắc liệu sau vài năm nữa, khi những ngành này đi lên, kinh tế các địa phương này cũng sẽ thái lai hay không.

Trong một thế giới liên tục thay đổi, sự cạnh tranh và phá hủy diễn ra không ngừng, không ai biết chắc ngành nào, doanh nghiệp nào sẽ sống mãi và phát triển bền vững qua năm tháng, chỉ có một số ít là trường tồn nhưng cũng khó tránh khỏi sự thăng - giáng chu kỳ. Chính vì vậy, thay vì “để tất cả trứng vào một giỏ”, đa dạng hóa ngành giúp giảm rủi ro tốt hơn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, bài toán đa dạng hóa ngành đối với các địa phương ở Việt Nam là không dễ dàng do sự khác biệt về lợi thế cạnh tranh và quan trọng hơn là do sự chia nhỏ quá mức của các nền kinh tế địa phương.

Ngoài yếu tố chu kỳ thì yếu tố đoản kỳ và sự may mắn cũng góp phần làm nên những nốt ‘trầm-bổng’ của nền kinh tế các địa phương. Một số địa phương tăng trưởng cao gần đây chủ yếu nhờ thu hút được một số dự án đầu tư có quy mô lớn, nên tác động lên tăng trưởng ngắn hạn của địa phương đó là tương đối nổi bật. Tuy nhiên, khi quy mô kinh tế và mức tích lũy vốn ngày càng lớn, năng suất biên của vốn ngày càng giảm, để đạt mức tăng trưởng thêm là không dễ dàng. Đương nhiên, không thể phủ nhận nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương. Kết quả của những cải cách kinh tế, cả về phương diện đầu tư cơ sở hạ tầng, sẵn sàng nhân lực và cải cách hành chính tốt, đã mang lại hấp lực lớn cho các địa phương trong việc thu hút làn sóng FDI mới. Năm 2023, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội… là những địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất. Thành quả này báo hiệu một năm 2024 sẽ xán lạn hơn đối với những địa phương này.

Với TP.HCM và Hà Nội, tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là khá tích cực với tốc độ lần lượt là 6,27% và 5,97%. Dù không tăng trưởng cao nhất, nhưng TP.HCM và Hà Nội có quy mô kinh tế vượt trội so với 61 địa phương còn lại, chiếm 30% quy mô kinh tế cả nước nên đều có đóng góp tích cực vào bức tranh chung.

Xét về giá trị tuyệt đối, quy mô kinh tế TP.HCM hiện tương đương Việt Nam năm 2007 với 75 tỷ USD, và Hà Nội là 55 tỷ USD, tương đương Việt Nam năm 2005 - con số lớn hơn nhiều nền kinh tế trong khu vực và thế giới. Vì vậy, yêu cầu và thách thức về năng lực điều hành hai địa phương này cũng phải tương xứng.

Trong số 5 thành phố trực thuộc trung ương, thì Đà Nẵng và Cần Thơ vẫn chưa tạo được bứt phá cần thiết cũng như chưa tìm được động lực tăng trưởng bền vững khi chỉ tăng trưởng lần lượt 2,58% và 5,75%. Bình Dương, Đồng Nai, cũng như TP.HCM và Hà Nội, đã bắt đầu “thoái công nghiệp hóa” và chuyển sang xu hướng dịch vụ hóa, nhường dần vai trò công nghiệp cho các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, năm nay, kinh tế Bình Dương và Đồng Nai không còn giữ được động lực cho kinh tế vùng và cả nước. Đồng Nai có những dấu hiệu tụt lại so với Bình Dương, nhưng cả Bình Dương và Đồng Nai đều đang chậm hơn so với Hải Phòng và Quảng Ninh ở phía Bắc, không chỉ trong năm 2023, mà từ gần thập niên trở lại đây. Cũng như TP.HCM có nguy cơ bị Hà Nội vượt qua, Bình Dương và Đồng Nai cũng có nguy cơ bị Hải Phòng và Quảng Ninh đuổi kịp trong tương lai không xa. So với thập niên trước, khoảng cách giữa Bình Dương và Đồng Nai đại diện ở phía Nam so với Hải Phòng và Quảng Ninh đại diện ở phía Bắc đang ngày càng thu hẹp dần.

Sự chững lại của Đồng Nai, Bình Dương có một phần nguyên nhân từ phân bổ nguồn lực công, nhưng họ sẽ phải tự nỗ lực cải cách mạnh mẽ bằng chính sự năng động, quyết đoán và sáng tạo của mình nếu như không muốn bị đuổi kịp bởi những địa phương có khát vọng hơn.

Riêng với Bà Rịa - Vũng Tàu, do sự suy giảm của ngành khai thác dầu khí nên hơn thập niên trở lại đây kinh tế thường xuyên trồi sụt. Năm 2023, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng âm 1,02%, tuy nhiên, nếu loại trừ ngành khai thác dầu khí thì đạt tăng trưởng dương 5,75%. Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế để tạo động lực tăng trưởng mới, giảm dần phụ thuộc vào ngành khai thác dầu khí. Định hướng của Bà Rịa - Vũng Tàu là trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia với các trụ cột là cảng biển và logistics, công nghiệp chế biến chế tạo gắn với lợi thế cảng biển và du lịch biển cao cấp.

Nói tóm lại, bức tranh kinh tế 63 địa phương năm 2023 có sự phân hóa khá rõ nét. Có những địa phương đã tìm được động lực tăng trưởng tốt, nhưng cũng có những địa phương chưa tìm được động lực ổn định. Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ đang tạo dấu ấn tăng trưởng tốt so với vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tìm thêm được một điểm tăng trưởng. Một số địa phương vùng duyên hải miền Trung cũng bắt đầu xuất hiện nổi bật trên bản đồ tăng trưởng. Trong khi đó, một số địa phương động lực truyền thống thì nay lại khá chật vật.

Chào đón năm mới Giáp Thìn 2024, chúng ta hãy cùng chúc cho kinh tế các địa phương sẽ gặt hái được nhiều thành quả tăng trưởng ấn tượng, sẽ có thêm nhiều địa phương hóa Rồng trong năm 2024.

Tin bài liên quan