Chỉ khi sản phẩm, dự án được thị trường đón nhận, đó mới là một thương vụ M&A thành công.

Chỉ khi sản phẩm, dự án được thị trường đón nhận, đó mới là một thương vụ M&A thành công.

“Những người đi săn” cự phách trên thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với các doanh nghiệp địa ốc, việc nắm giữ quỹ đất và năng lực triển khai dự án được xem là yếu tố quyết định sự thành công và M&A là con đường ngắn nhất để đạt được cả hai tiêu chí ấy.

Lớn nhanh nhờ chiến lược M&A

Thời gian qua, cái tên Novaland được định danh như là một trong những “ông trùm” đi săn quỹ đất. Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của tập đoàn này mới đây, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland tiết lộ, tính đến quý I/2021, Tập đoàn ghi nhận quỹ đất hơn 5.400 ha, tổng giá trị phát triển dự án (Gross Development Value - GDV) của quỹ đất này ước đạt gần 45 tỷ USD.

Nhìn lại hành trình phát triển của Tập đoàn Novaland, từ dự án đầu tay là Sunrise City ở quận 7, TP.HCM triển khai năm 2008, tính đến nay, thông qua con đường M&A, doanh nghiệp này đã sở hữu hàng chục dự án tại khắp các quận, huyện của TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác, trong đó có những dự án có quy mô lên đến hàng ngàn héc-ta.

Theo phân tích của giới quan sát, sở dĩ Novaland không ngừng lớn mạnh qua hoạt động M&A là nhờ dự báo được xu hướng thị trường để từ đó đưa ra các chiến lược M&A quỹ đất phù hợp. Cụ thể là trong quá trình phát triển các dự án bất động sản, Novaland đã xác định rõ ràng các giai đoạn phát triển.

Theo đó, từ năm 2008 đến năm 2017, Novaland tập trung phát triển các dự án nhà ở tại TP.HCM và giai đoạn từ năm 2018, sẽ tập trung phát triển các khu đô thị vệ tinh, tổ hợp bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí.

Chính từ việc xác định chiến lược rõ ràng, Novaland đã âm thầm thực hiện các thương vụ M&A quỹ đất “đón đầu” hiệu quả. Từ năm 2018, nguồn cung trên thị trường bất động sản TP.HCM dần cạn kiệt, thủ tục phát triển dự án bị siết chặt, khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc loay hoay, nhưng Novaland, nhờ có sự chuẩn bị quỹ đất từ trước, đã “bung lụa” các đại dự án có quy mô hàng ngàn héc-ta như Novaworld Phan Thiết, Novaworld Hồ Tràm và Aqua City Đồng Nai…

Ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc Tài chính Novaland khẳng định, M&A là một chiến lược phát triển trọng yếu của Tập đoàn và để thực hiện một thương vụ M&A hiệu quả, Novaland dựa trên các yếu tố, bao gồm hiệu quả tài chính, khả năng gia tăng về quỹ đất, kết nối hạ tầng để giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị với mục tiêu “kiến tạo cộng đồng”.

Ai cũng biết, M&A dự án là cách nhanh nhất để vào thị trường, nhưng không phải ai cũng thành công mà phải có chiến lược rõ ràng, tận dụng được thời cơ thích hợp. Điển hình trong việc nắm bắt cơ hội trong khó khăn để M&A dự án đáng chú ý thời gian qua có thể kể đến Tập đoàn Danh Khôi.

Từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thời điểm Covid-19 hoành hành khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn và phải rao bán dự án, Tập đoàn Danh Khôi nổi lên như hiện tượng trên thị trường M&A. Đầu năm 2020, Danh Khôi công bố đã mua lại 100% nguồn vốn từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư Sun Frontier để trở chính thức thành chủ đầu tư dự án Sun Frontier, một dự án “đất vàng” bên sông Hàn - Đà Nẵng.

Với giá trị thương vụ được công bố khoảng 92 triệu USD, dự án này đang được Danh Khôi đổ thêm tiền vào để gấp rút phát triển với tên gọi mới là The Royal – Boutique & Condo Da Nang (The Royal).

Ngoài thương vụ trên, từ năm 2020 đến nay, Danh Khôi đã liên tục mua thêm 6 dự án tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, gần nhất là 3 lô “đất vàng” có diện tích hơn 11.000 m2 thuộc Khu dân cư Cồn Tân Lập, TP. Nha Trang, Khánh Hòa từ Công ty Sông Đà Nha Trang. Không tiết lộ giá trị thương vụ cụ thể, song theo chia sẻ của đại diện Tập đoàn Danh Khôi, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Một thương vụ khác cũng vừa được Danh Khôi tiết lộ khi Tập đoàn đã mua đứt dự án Aria Vũng Tàu trên đường 3/2, phường 10, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ Công ty cổ phần Du lịch và Đầu tư Xây dựng Châu Á (Cotec Asia).

Dự án có quy mô diện tích 76.900 m2, bao gồm 4 block căn hộ du lịch cao 18 đến 30 tầng gồm 1.190 căn hộ và 36 căn biệt thự biển. Theo tính toán, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng.

Điểm nhấn đáng chú ý của dự án này là tọa lạc ở vị trí đắc địa, có chiều dài 450 m2 mặt tiền biển của TP. Vũng Tàu.

Với quỹ đất đang nắm giữ, Tập đoàn Danh Khôi đang được xem là một “ông lớn” thực thụ của thị trường địa ốc phía Nam.

Nói đến “thợ săn” quỹ đất, một cái tên khác cũng cần kể đến là Tập đoàn Hưng Thịnh khi liên tiếp trong thời gần gần đây, Hưng Thịnh đã liên tục mua lại hàng loạt dự án căn hộ từ TP.HCM, Bình Dương đến Đồng Nai, sau đó nhanh chóng hồi sinh như Biên Hòa Univese Complex, New Galaxy Dĩ An, Lavita Thuận An (Bình Dương)…

Ngoài các dự án căn hộ, Hưng Thịnh thời gian qua cũng chi hàng ngàn tỷ đồng để gom hàng ngàn héc-ta đất tại Lâm Đồng, Quy Nhơn, Bình Định… Trong đó, đáng chú ý có dự án khu đô thị Hải Giang tại Nhơn Hội (Bình Định) có quy mô diện tích lên đến hơn 1.000 ha và đang tiến hành triển khai thành một đại dự án phức hợp nhà ở, biệt thự, khách sạn du lịch và nghỉ dưỡng đẳng cấp.

Xuất phát điểm từ một doanh nghiệp môi giới, rồi trở thành nhà phát triển dự án từ chiến lược M&A, Tập đoàn Bất động sản An Gia gần đây gây sự chú ý khi tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, đại diện An Gia cho biết, mỗi năm, Tập đoàn chi từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mở rộng quỹ đất, nhắm đến những khu đất quy mô lớn để triển khai các dự án phức hợp.

Theo ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch Hội đồng quản trị An Gia, việc mở rộng quỹ đất là chiến lược xuyên suốt. Năm 2020, An Gia đã mua quỹ đất khoảng 3 ha tại Bình Dương để phát triển dự án với quy mô gần 3.000 sản phẩm và trong quá trình hoàn tất đàm phán, Tập đoàn tiếp tục mua thêm 30 - 50 ha quỹ đất thấp tầng.

Trước đó, An Gia cũng lần lượt ra mắt Dự án Westgate (Bình Chánh, TP.HCM) và Dự án The Standard (Bình Dương) - 2 quỹ đất được M&A trong 6 tháng cuối năm 2019.

Giá trị kiến tạo hậu M&A

Có một sự khác biệt dẫn đến sự thành công của các doanh nghiệp gần đây, là chiến lược hậu M&A dự án. Hầu hết các thương vụ sau khi được “chốt hạ”, bên mua đều lên kế hoạch “hồi sinh”, tạo nên giá trị thực sự cho dự án.

Lấy ví dụ từ dự án Novaworld Phan Thiết (Bình Thuận). Được biết, trước đây dự án này có tên là Thung Lũng Đại Dương (Ocean Vallay) do Công ty trách nhiệm hữu hạn Delta Valley Bình Thuận làm chủ đầu tư và từng được khởi động năm 2013, nhưng sau đó bị “trùm mền” cho đến khi Novaland mua lại.

Điều khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án này chính là câu chuyện Novaland làm thế nào để “đánh thức” một vùng đất hơn 1.000 ha đã ngủ yên suốt nhiều năm thành một đại đô thị.

Đến thời điểm hiện nay, những ai đi ngang tuyến đường ven biển thuộc xã Tiến Thành thuộc TP. Phan Thiết sẽ chứng kiến Novaworld Phan Thiết đang như một đại công trường được đầu tư xây dựng.

Trong tương lai không xa, dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 5 tỷ USD và cả ngàn tiện ích này sẽ trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí thể thao mang tầm quốc tế. Hay như dự án Aqua City trước khi được Novaland mua lại thì còn khá hoang sơ, dù vùng đất được mệnh danh là “hòn ngọc phía Đông Sài Gòn” được bao bọc bởi sông Sài Gòn có nhiều tiềm năng.

Tương tự, sau khi mua lại hàng loạt dự án, Danh Khôi đang triển khai rầm rộ, trong đó khu đất mua lại từ Công ty Sông Đà Nha Trang hiện được đầu tư xây dựng với tên gọi The Aston Luxury Residence Nha Trang, dự án có quy mô 3 block căn hộ cao 24 - 27 tầng với gần 2.000 căn hộ sở hữu vĩnh viễn và 4 khu nhà biệt thự song lập và nhà liền kề.

Đại diện tập đoàn này cho biết, từ nay đến cuối năm 2021 sẽ đưa ra thị trường hàng chục ngàn sản phẩm bất động sản các loại từ các khu đất đã được M&A năm 2020.

Theo các chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và tăng giá, thủ tục triển khia dự án siết chặt, doanh nghiệp nào nắm giữ quỹ đất lớn sẽ trở thành “vua” của thị trường. Trong đó, thông qua các thương vụ M&A, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng.

Tuy nhiên, giá trị thực sự mang lại không đến từ việc mua đi bán lại, mà đến từ giá trị kiến tạo dự án từ hậu các thương vụ M&A. Do đó, với bên mua, năng lực tài chính thôi chưa đủ, tầm nhìn và sự chuyên nghiệp cũng như nhanh nhạy để thị trường chấp nhận sản phẩm cuối cùng thì lúc đó mới có thể coi là một thương vụ M&A thành công.

Tin bài liên quan