HĐND TP.HCM đã thông qua một số nghị quyết nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 98 của Quốc hội. Ảnh: Thành Nhân.

HĐND TP.HCM đã thông qua một số nghị quyết nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 98 của Quốc hội. Ảnh: Thành Nhân.

Những quyết nghị đầu tiên của HĐND TP.HCM cụ thể hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua một số nghị quyết nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 13 của HĐND

Sáng 12/7, trong buổi làm việc cuối của kỳ họp thứ 10, HĐND TPHCM khóa X đã thông qua nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 13/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND Thành phố về Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, Nghị quyết đã bổ sung khoản 4a Điều 1 Nghị quyết 13. Trong đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ mới thoát nghèo (hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo) trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo.

Trong đó, thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các văn bản quy định hiện hành (từng giai đoạn) của Trung ương và UBND Thành phố; giải quyết việc làm trong nước.

Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật; có các chính sách và giải pháp hỗ trợ nhà ở phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của hộ. Khuyến khích nguồn lực xã hội hóa đầu tư nhà ở phù hợp cho hộ; hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn.

Nghị quyết cũng sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 1 của Nghị quyết 13: kinh phí thực hiện Chương trình từ nguồn vốn Trung ương; vốn ngân sách thành phố, huyện, TP. Thủ Đức (bao gồm nguồn vốn đầu tư công và nguồn chi thường xuyên) và nguồn vốn hợp pháp khác.

Bổ sung khoản 6 Điều 1 của Nghị quyết 13: Quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo), giải quyết việc làm.

Theo UBND Thành phố, Nghị quyết 98 có quy định HĐND Thành phố quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBND Thành phố ủy thác cho ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm. HĐND Thành phố quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ.

Đối với cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tiêu chí là hộ nghèo và hộ cận nghèo theo mức chuẩn của thành phố, theo từng giai đoạn (gọi tắt là hộ nghèo và hộ cận nghèo). Hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo.

Điều kiện là người vay phải có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của thành phố được UBND phường, xã, thị trấn xác nhận trên danh sách đề nghị vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay.

Đối với cho vay giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi đối với người lao động để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người vay phải đáp ứng được điều kiện là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc tạo việc làm cho thành viên trong hộ hoặc thu hút thêm lao động thì phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.

Mức cho vay giải quyết việc làm đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng; đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mức vay tối đa là 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp.

Bố trí vốn cho dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài

Tại kỳ họp, HĐND Thành phố đã biểu quyết thống nhất chủ trương điều chỉnh quy mô và nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 51 km ở giai đoạn 1 cần tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 21.521 tỷ đồng. Dự án này trong đợt công bố tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 vào năm 2019 là 10.700 tỷ đồng, sau đó tăng lên 15.900 tỷ đồng vào tháng 5.2021 và đến tháng 9/2022 tăng lên 16.729 tỷ đồng.

HĐND Thành phố đồng ý tăng thêm 1.026 tỷ đồng vốn ngân sách Thành phố tham gia xây dựng dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: Thành Nhân.
HĐND Thành phố đồng ý tăng thêm 1.026 tỷ đồng vốn ngân sách Thành phố tham gia xây dựng dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Ảnh: Thành Nhân.

Trước đó, UBND Thành phố đề nghị điều chỉnh quy mô dự án và cho phép Thành phố bố trí thêm 2.900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố tham gia vào hỗ trợ công tác xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án PPP để nâng cao tỉ lệ % góp vốn nhà nước trong dự án.

Việc này cũng nhằm tăng tính khả thi để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Số vốn này sẽ được bố trí và giải ngân trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, do đó sẽ không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã thông qua.

UBND Thành phố cho biết, Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép HĐND Thành phố quyết định sử dụng vốn Ngân sách Thành phố để thực hiện Dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thành phố và địa phương khác các Dự án quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa bàn Thành phố; hỗ trợ địa phương khác trong nước, hỗ trợ địa phương tại quốc gia khác trong trường hợp cần thiết. Quy định này cho phép Thành phố bố trí vốn Ngân sách Thành phố để thực hiện các Dự án giao thông đường bộ có tính chất liên vùng như đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Như vậy tổng vốn ngân sách Thành phố cần bố trí theo phương án này là 6.927 tỷ đồng, tăng 1.026 tỷ đồng so với phương án trình HĐND Thành phố trước đây. Trong đó 4.027 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và 2.900 tỷ đồng bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026 - 2030.

UBND Thành phố cho biết, Thành phố dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trước ngày 31/8/2023. Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 31/12/2023. Dự án dự kiến khởi công trước ngày 30/4/2025 và hoàn thành, thông xe dự án trước ngày 31/12/2027.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được bổ sung vào danh mục các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Theo quy hoạch, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đoạn qua địa phận Thành phố (từ đầu tuyến đến trước nút giao đường tỉnh 787B) có 8 làn xe; đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh 6 làn xe.

Điểm đầu dự án bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi (TP.HCM), đi song song và cách quốc lộ 22 hiện hữu khoảng 3 km - 5 km; điểm cuối đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, thuộc huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh).

Hiện quốc lộ 22 (đường xuyên Á) là tuyến duy nhất nối TP.HCM với Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), là cửa ngõ quốc tế với nhiều nước trong khu vực ASEAN. Với các hoạt động giao thương, giao thông ngày càng phát triển, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được kỳ vọng tăng năng lực vận chuyển hàng hóa và hành khách, liên kết vành đai 3, 4 với Tây Ninh, nối tiếp tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.

Thông qua Nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết số 98

Trước đó, ngay trong buổi làm việc đầu tiên của kỳ họp diễn ra vào sáng 10/7, HĐND đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.

Nghị quyết của HĐND Thành phố có 3 điều, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023.

Cụ thể: Điều 1 quy định trách nhiệm của đại biểu HĐND và HĐND Thành phố; Điều 2 quy định HĐND Thành phố triển khai nội dung thuộc trách nhiệm của HĐND Thành phố được quy định tại Nghị quyết 98; Điều 3 quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện của Thường trực HĐND Thành phố, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND và UBND Thành phố.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết 98 chỉ là khung, còn những nội dung cụ thể UBND Thành phố sẽ chuẩn bị kĩ lưỡng trình HĐND Thành phố sớm nhất.

“Thành phố phấn đấu những nội dung cơ bản cần thể chế hoá sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng khẩn trương, cố gắng trình HĐND Thành phố trong năm nay để các năm còn lại thực hiện”, ông Mãi trao đổi với các đại biểu tại buổi làm việc đầu tiên của kỳ họp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thành Nhân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thành Nhân.

Tại đây, một số đại biểu cũng đặt vấn đề “Nghị quyết 98 đã đủ cho Thành phố chưa?”, ông Mãi nhìn nhận không có một luật nào, nghị quyết nào có thể bao trùm giải quyết hết được các vấn đề của Thành phố. Tất nhiên, Nghị quyết 98 đã cho cơ chế quan trọng, một mặt giải quyết vướng mắc, một mặt tạo điều kiện mới cho Thành phố.

Trước mắt, Thành phố sẽ tổ chức bộ máy nhân sự phù hợp, phân công phân cấp, phân rõ trách nhiệm, bố trí nguồn lực, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, điều chỉnh. Theo ông Mãi, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 98 gắn với công việc thường xuyên, Thành phố phải rà soát lại tồn đọng, văn bản của Trung ương và Thành phố để có kết hợp trong thực hiện hoặc đề xuất điều chỉnh.

Ông Phan Văn Mãi cũng thông tin vừa qua khi tham mưu Nghị quyết 98, có những nội dung không thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà thuộc thẩm quyền Thủ tướng, Chính phủ, bộ, ngành nên không được thể hiện trong Nghị quyết 98.

Do đó, sắp tới khi cụ thể hoá Nghị quyết 98, Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Thủ tướng, Chính phủ, các bộ, ngành triển khai các nội dung dưới thẩm quyền của Quốc hội và rà soát lại các nghị quyết HĐND Thành phố trước đây, để tích hợp, điều chỉnh, thậm chí bãi bỏ để ban hành nghị quyết mới.

“Nghị quyết 98 có nhiều nội dung rất mới đòi hỏi sự nghiên cứu, kể cả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, rất mất thời gian, vừa làm vừa học vừa điều chỉnh để thực hiện đạt kết quả cao nhất”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Tin bài liên quan