Những thành phố ùn tắc nhất thế giới

Những thành phố ùn tắc nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thành phố Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia) từng thay nhau đứng đầu bảng xếp hạng trong danh sách 15 thành phố bị ùn tắc giao thông nhất thế giới.

TomTom Traffic Index cho biết, dữ liệu theo dõi tình trạng tắc nghẽn ở các thành phố lớn trên thế giới, New York được xếp hạng là thành phố có tình trạng tắc nghẽn tồi tệ nhất nước Mỹ. Các tài xế đã từng chỉ có thể di chuyển với vận tốc trung bình khoảng 19km/h trong thời gian cao điểm. Nơi có mật độ ùn tắc thứ hai tại quốc gia này là thủ đô Washington D.C. Các tài xế lưu thông tại đây mất khoảng 20 phút để di chuyển 10km với tốc độ trung bình 22km/h.

Trong số 10 điểm tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng nhất ở châu Âu, thì có đến 8 điểm nằm trên đường vành đai phía Nam Paris (Pháp). Thời gian tắc đường nhiều nhất là khoảng thời gian từ 8-9h sáng vào ngày thứ Ba hàng tuần, trong đó người lái ô tô lãng phí khoảng thời gian tương đương 70 giờ mỗi năm. Tốc độ trung bình của xe hơi chỉ là 16km/h.

Nghiên cứu do Công ty Inrix thực hiện tại các nước châu Âu cho thấy, Paris là thành phố đứng hàng đầu châu Âu về tắc đường. Tại London, xe buýt, xe tải, taxi và ô tô thường bị kẹt xe vào buổi sáng khiến cho việc đi học hoặc đi làm trở nên khó khăn. Từ năm 2003, một khoản thuế tắc đường đã được áp đặt cho lái xe trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng tắc đường. Khoản phí này đã có được thành công ban đầu khi những chiếc xe di chuyển với vận tốc trung bình là 17,5 km/h so với vận tốc trung bình năm trước đó là 14,2 km/h. Theo ước tính, mỗi năm các lái xe ô tô ở London bị thiệt hại trung bình 2.430 bảng Anh (khoảng 3.360 USD) do tắc nghẽn giao thông.

Hungary là nước ban hành nhiều quy định chặt chẽ về giao thông. Khi đặt chân tới Budapest, du khách có thể gặp cảnh tắc đường vào bất cứ khung giờ nào trong ngày. Bởi lý do đó mà thủ đô xinh đẹp của đất nước Đông Âu này vẫn là nỗi lo ngại khi đi tham quan đối với nhiều du khách.

Ở châu Á, hiện nay, tại các thành phố lớn ở Trung Quốc đã cấm xe máy. Chẳng hạn, Bắc Kinh là nơi đầu tiên áp dụng việc cấm xe máy lưu thông trong nội thành từ năm 1985. Quảng Châu dừng đăng ký xe máy mới từ 1998 và cấm hẳn xe máy từ 2007 nhằm giảm tắc nghẽn, tai nạn giao thông và nạn cướp giật. Tiếp đến năm 2002, xe máy bị cấm trên những đường phố chính ở Thượng Hải.

Một cư dân mạng Ấn Độ từng cười ra nước mắt khi Google Maps cho biết tại một thành phố lớn ở Ấn Độ, việc đi bộ quãng đường 8km chỉ chậm hơn việc lái xe cùng quãng đường đó chỉ đúng 1 phút. Theo cư dân ở đây cho biết trong điều kiện thời tiết bình thường thì đường đã tắc lắm rồi, nhưng hôm nào mưa thì còn là “ác mộng” hơn nữa.

Hãng Uber cho biết, 4 thành phố hàng đầu của Ấn Độ là New Delhi, Mumbai, Bangalore và Kolkata có tỷ lệ tắc nghẽn giao thông cao hơn 149% so với thành phố khác ở châu Á. Và nước này tốn phí 22 tỷ USD cho việc đi lại mỗi năm trong các giờ cao điểm tại các "thủ phủ" kẹt xe nói trên.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, ngay từ năm 2004 khi Seoul chưa áp dụng BRT, tốc độ di chuyển đường bộ tại thủ đô của Hàn Quốc trung bình khoảng 20km/h, thậm chí chỉ còn 17km/h. Đường phố tắc nghẽn khiến tốc độ xe buýt ì ạch hơn tốc độ ô tô, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dịch vụ xe buýt, chưa kể đến các vấn đề ô nhiễm, tiếng ồn... Thiệt hại về kinh tế - xã hội do tắc đường thời điểm đó khoảng 5,8 tỷ USD/năm.

Tắc đường cũng là điều quen thuộc đối với người dân thành phố một số nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. CNN cho biết, Bangkok đang là thành phố tắc đường kinh khủng nhất thế giới trong giờ cao điểm, theo phân tích của TomTom - một công ty hàng đầu về các sản phẩm giao thông, định vị, bản đồ. Theo đó, trong danh sách 15 thành phố kẹt xe tồi tệ nhất trong giờ cao điểm năm 2016 thì đứng đầu là thủ đô của Thái Lan.

Còn đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng trên là Jakarta. Những ai từng đặt chân đến thủ đô của Indonesia đều có thể khẳng định đây là nơi luôn gây ác mộng nhất về nạn tắc đường. Chỉ cần đi gần 10 km, một người lái ô tô phải căn thời gian lên đến hàng giờ. Cách đây 3 năm, tình trạng tắc nghẽn giao thông khiến Jakarta phải chịu thiệt hại tới 4,6 tỷ USD. Tổng thống Joko Widodo khi đó phải thốt lên: Jakarta không thể chìm đắm trong tắc nghẽn như thế này nữa.

Khoảng giữa năm 2023, cơ quan giao thông vận tải Jakarta của Indonesia bắt đầu áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hệ thống đèn giao thông tại 20 giao lộ khắp thủ đô nhằm giải quyết nạn tắc đường.

Tin bài liên quan