Niềm tin doanh nghiệp "mấp mé" trở lại

Niềm tin doanh nghiệp "mấp mé" trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong quý cuối năm, tình hình kinh tế được dự báo còn nhiều khó khăn nên GDP có thể chỉ đạt trong kịch bản thấp nhất là 7%. Tuy nhiên, điểm tích cực là niềm tin của doanh nghiệp đã dần quay trở lại.

Kinh tế cuối năm có nhiều khó khăn "ngoài tầm với"

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra ba kịch bản tăng trưởng kinh tế quý IV và cuối năm 2023:

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%).

Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.

Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.

Trong Talkshow Đối thoại đầu tuần với chủ đề Kích hoạt động lực tăng trưởng do Báo Đầu tư tổ chức, các chuyên gia đều nghiêng về kịch bản 1 có khả năng xảy ra cao nhất.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nếu tính đủ mọi khả năng và tính tối ưu cho phát triển, kịch bản 1 có khả năng xảy ra cao nhất.

Dù vậy, chuyên gia khẳng định ngay cả trong kịch bản thấp nhất thì quý IV vẫn sẽ tăng rất mạnh và vẫn theo tinh thần của Chính phủ là quý sau cao hơn quý trước. Trong quý III, tăng trưởng kinh tế có sự nhảy vọt lên gần 6%, thêm 1% trong điều kiện này thì tính khả thi của kịch bản 1 cao hơn rất nhiều so với kịch bản 2 và 3.

Khó khăn hiện này còn nhiều điểm đang nằm "ngoài tầm với", trong đó, kinh tế thế giới vẫn được dự báo suy giảm chưa ổn định trở lại, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến Việt Nam trong quý IV và có thể kéo dài đến sang năm. Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay còn tính bất ổn cao, thị trường chưa có hy vọng vào sự phục hồi mạnh. Còn có yếu tố khác như chuỗi cung ứng bị đứt mạch… nên khó khăn là rất nhiều, thậm chí còn khó hơn dự kiến.

Trong nước, Việt Nam đang có những yếu tố khá tích cực, bao gồm: thu hút đầu tư nước ngoài tăng; giải ngân đầu tư công tăng lên; các nguồn vốn khác cũng tốt hơn như ngân hàng tốt hơn, thị trường trái phiếu ổn định hơn; lòng tin của doanh nghiệp cũng được cải thiện.

Song song đó, vẫn có những xu hướng khác buộc Việt Nam phải có sự tính toán cẩn trọng. Xuất nhập khẩu đến quý III và 9 tháng đều có sự giảm xuống, cho thấy cơ sở cho tăng trưởng đang yếu. Chỉ số nhà quản trị mua hàng đến tháng 8 nhích lên một chút nhưng đến tháng 9 lại sụt xuống.

Chuyên gia nhận xét sự suy giảm trong điều kiện hiện tại có thể coi là bình thường, nhưng cũng là một yếu tố cho thấy sự bất ổn, bất định và chưa tốt lên thực sự của thị trường bên ngoài. Nhìn chung, các yếu tố trên sẽ đảm bảo cho quý IV tăng trưởng 7% và cả năm là 5%. Dù là 5%, nhưng với điều kiện hiện nay thì vẫn là ngôi sao sáng trên bầu trời thế giới.

“Lúc khó mà cố quá thì hiệu quả thường không cao, tức chúng ta sẽ phải tốn nhiều nguồn lực hơn để đảm bảo được đơn vị tăng trưởng hơn. Điều này rất nên chú ý trong sự khôn ngoan của chiến lược”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Bên cạnh đó, ông Thiên nhấn mạnh số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng vừa qua là 135.000, đang tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số mới thành lập đang tăng lên tích cực hơn một chút là 165.000. Tuy nhiên, số rút lui là số có thật nhưng số mới thành lập để tạo ra GDP thì đóng góp trực tiếp cho quý IV chỉ ở mức vừa phải. Quy mô vốn của mỗi doanh nghiệp cũng giảm đến vài chục phần trăm so với năm ngoái, tức nó giảm đi rất nhiều.

Còn một yếu tố mà các báo cáo chưa nhắc đến là các hộ gia đình kinh doanh của Việt Nam sản xuất ra 30% GDP không được tính vào số lượng rút lui khỏi thị trường. Trong khi thực tế ở trung tâm các thành phố lớn, các trung tâm thương mại như Hà Nội, TP. HCM… đều mang đến cảm giác “đìu hiu” hơn rất nhiều.

“Hiện nay, những cơ sở tăng trưởng cho nền kinh tế đang tốt lên, nhưng không có nghĩa nó đã vượt qua những khó khăn mang tính sinh tử”, ông Thiên khẳng định.

Talkshow Đối thoại đầu tuần với chủ đề Kích hoạt động lực tăng trưởng. (Ảnh: Chí Cường)
Talkshow Đối thoại đầu tuần với chủ đề Kích hoạt động lực tăng trưởng. (Ảnh: Chí Cường)

Niềm tin doanh nghiệp được cải thiện phần nào

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Western Pacific cũng đồng ý rằng kịch bản 1 có xác suất xảy ra cao nhất do cảm nhận thấy quý IV còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Nói về niềm tin của doanh nghiệp, ông Vương cho rằng đâu đó đã được tăng lên, tuy nhiên mới chỉ tăng so với quý trước thay vì cùng kỳ năm trước hay trước Covid-19, bởi Việt Nam mới ký chiến lược hợp tác toàn diện với Mỹ và đang đứng ở giai đoạn bắt tay với cả hai ông lớn nhất thế giới, do đó, doanh nghiệp có thể tự biến mình thành trung tâm nếu chớp được cơ hội.

Ông Vương nhìn lại, trong thời gian khoảng 1 năm trở lại đây, Việt Nam có những doanh nghiệp lớn làm sai, thậm chí có cả các quan chức dính vào vòng lao lý khiến các doanh nghiệp khác nhìn vào thấy được rủi ro làm sai rất lớn. Hiện tại, luật pháp Việt Nam còn rất nhiều quy định chồng chéo, rào cản, do đó, để một doanh nghiệp và công chức thực thi làm đúng 100% là rất khó, khiến sự lãng phí xảy ra. Thời gian chính là lãng phí nhất, nếu trước đây doanh nghiệp làm 1 dự án chỉ 1-2 năm thì giờ phải 4 - 5 năm.

Dù vậy, nhìn trong dài hạn, ông Vương cho biết doanh nghiệp vẫn thấy có những cơ hội rõ ràng để chuẩn bị nguồn lực, lực lượng để đảm bảo hoạt động trong tương lai.

Ông Vương khẳng định chưa bao giờ cơ hội đến với doanh nghiệp nội địa tốt như bây giờ. Tuy nhiên niềm tin của doanh nghiệp còn phải được thể hiện bằng sự triển khai của Chính phủ trong thời gian tới, ít nhất là ngay trong quý này. Đặc biệt, các doanh nghiệp đánh giá cao động thái của Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm nước Mỹ ngay sau khi Việt Nam và Mỹ ký hợp tác chiến lược toàn diện để nắm bắt thời cơ.

“Tôi tin rằng trong hai năm tới đầu tư của doanh nghiệp sẽ tốt lên và nắm bắt được nhiều cơ hội hơn”, ông Vương tin tưởng.

Tin bài liên quan