Doanh nghiệp chỉ có thể xây dựng niềm tin thông qua minh bạch.

Doanh nghiệp chỉ có thể xây dựng niềm tin thông qua minh bạch.

Doanh nghiệp gia đình đối mặt với khoảng trống niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp gia đình đề cao sự tín nhiệm của khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư, nhưng cho rằng doanh nghiệp chưa hoàn toàn giành được niềm tin từ các bên liên quan chủ chốt này.

Khảo sát Doanh nghiệp gia đình Việt Nam năm 2023 của PwC Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam có kết quả tăng trưởng kinh doanh tốt trong năm 2022, với 53% doanh nghiệp báo cáo sự tăng trưởng về doanh số. Trong đó, 36% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đạt được mức tăng trưởng hai con số.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang bắt đầu điều chỉnh tham vọng tăng trưởng của mình trong bối cảnh kinh tế có nhiều bất ổn. Chỉ khoảng 14% doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm tới, thấp hơn một nửa so với con số 33% trong cuộc khảo sát trước đây. Các doanh nghiệp cũng ưu tiên cải thiện năng lực kỹ thuật số và tái tư duy hoạt động kinh doanh, cân nhắc việc thay đổi, điều chỉnh mô hình kinh doanh, với ưu tiên hàng đầu là mở rộng sang các thị trường mới trong vòng hai năm tới.

Theo đó, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam cần tập trung vào thế mạnh của mình để thích nghi và phát triển và sức mạnh đến từ các mối quan hệ. Nói cách khác, việc xây dựng niềm tin với các bên liên quan là cần thiết.

Các doanh nghiệp gia đình Việt Nam cũng giống như các doanh nghiệp gia đình trên toàn cầu và khu vực, đang phải đối mặt với sự thiếu hụt niềm tin. Cụ thể, các doanh nghiệp gia đình đều đề cao sự tín nhiệm của khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư, nhưng họ cho rằng doanh nghiệp chưa hoàn toàn đạt được niềm tin từ các bên liên quan chủ chốt này. Rõ ràng, các doanh nghiệp gia đình cần phải thu hẹp khoảng cách niềm tin giữa doanh nghiệp và các bên liên quan chính.

Khảo sát cho thấy bốn bên liên quan chủ chốt đảm bảo sự phát triển và thành công trong tương lai bao gồm: khách hàng, nhà đầu tư, nhân viên và thành viên gia đình. Khách hàng (75%), nhân viên (61%) và nhà đầu tư (61%) là những đối tượng quan trọng nhất để xây dựng niềm tin. Trong khi đó, niềm tin của các thành viên trong gia đình đang bị xem là ít quan trọng hơn (28%).

Niềm tin của khách hàng là quan trọng nhất

Nhìn nhận tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin từ khách hàng, các doanh nghiệp gia đình đã đặt sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu kinh doanh hàng đầu (86%). Mặc dù hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm được sản xuất có đạo đức, bền vững, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp gia đình Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và sự đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).

Cụ thể, khi được yêu cầu xếp hạng năm ưu tiên hàng đầu trong hai năm tới, chỉ 17% số người được hỏi chọn tăng cường trách nhiệm xã hội của tổ chức; 6% chọn cải thiện kết quả thực hiện liên quan đến tính đa dạng và hòa nhập; không ai chọn giảm phát thải các-bon của tổ chức và hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Đây là lúc các doanh nghiệp gia đình Việt Nam cần nắm bắt cơ hội và chuyển trọng tâm, nguồn lực vào ESG cũng như cho khách hàng thấy hành động của mình. Tuy nhiên, chỉ 34% số người được hỏi cho biết doanh nghiệp thường xuyên trao đổi thông tin về kết quả thực hiện các mục tiêu phi tài chính đã xác lập.

Việc báo cáo các mục tiêu phi tài chính liên quan đến ESG có thể phức tạp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gia đình có thể bắt đầu từng bước nhỏ bằng cách tập trung vào các vấn đề ESG chính có liên quan đến ngành và các bên liên quan.

Ví dụ, doanh nghiệp có thể chia sẻ về cách họ bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, vốn là vấn đề mà người tiêu dùng đang rất quan tâm. Hoặc, doanh nghiệp gia đình có thể chia sẻ về các hoạt động trách nhiệm xã hội, từ thiện mà theo khảo sát của chúng tôi cho thấy, hiện có 72% doanh nghiệp gia đình đang thực hiện những hoạt động này.

Bằng cách minh bạch về các hoạt động kinh doanh và duy trì chất lượng nhất quán trong các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, các doanh nghiệp gia đình có thể tạo nền tảng vững chắc để xây dựng niềm tin với khách hàng và điều này có thể mang lại thành công lâu dài.

Niềm tin trong nội bộ gia đình chưa được chú trọng

Khoảng 40% số người được hỏi thừa nhận mức độ tin tưởng thấp giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa thế hệ kế nghiệp và thế hệ đương nhiệm.

Khoảng 40% số người được hỏi thừa nhận mức độ tin tưởng thấp giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa thế hệ kế nghiệp và thế hệ đương nhiệm; giữa các thành viên hội đồng quản trị với những người khác.

Gần 1/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát (28%) xem việc được các thành viên trong gia đình tin tưởng là điều cần thiết, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (63%) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (54%). Điều này có thể giải thích kết quả 64% số người được hỏi chia sẻ rằng xung đột gia đình trong doanh nghiệp hay xảy ra, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (30%) và châu Á - Thái Bình Dương (29%).

Để đạt được sự tin tưởng trong nội bộ, các thế hệ cần hợp tác chặt chẽ cùng nhau trong việc thiết lập cấu trúc quản trị gia đình và thông lệ trong hoạt động kinh doanh nhằm chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình. Có hai lĩnh vực trọng tâm cần được quan tâm đó là làm rõ vai trò và trách nhiệm đối với những người tham gia điều hành doanh nghiệp và thiết lập các giá trị và mục tiêu chung.

Xây dựng niềm tin để bảo vệ sản nghiệp gia đình

Để bảo vệ di sản gia đình, các doanh nghiệp gia đình cần mở rộng trọng tâm và làm quen với cách tiếp cận mới mang tính chuyển đổi để xây dựng niềm tin.

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp gia đình sẽ cần phải thay đổi chính sách và thực hành, xem xét lại các ưu tiên và truyền đạt những thay đổi đó tới tất cả các bên liên quan và giữa các thế hệ. Doanh nghiệp cần tập trung vào ba hành động ưu tiên sau:

Thứ nhất, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin hai chiều với các bên liên quan: Các doanh nghiệp gia đình cần phải mô hình hóa những lý tưởng mạnh mẽ trong mối quan hệ với các bên liên quan cả nội bộ và bên ngoài, bắt đầu với một hệ thống nội bộ công bằng để báo cáo hành vi sai trái và cơ chế phản hồi rõ ràng cho khách hàng. Đây là những giải pháp hữu hình giúp xây dựng niềm tin.

Thứ hai, xây dựng niềm tin thông qua minh bạch: doanh nghiệp cần báo cáo công khai và thường xuyên về các mục tiêu ESG và DEI (đa dạng, bình đẳng và hòa nhập) cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp so với các mục tiêu đó.

Thứ ba, lên tiếng về các vấn đề xã hội: Các doanh nghiệp gia đình được kỳ vọng sẽ đóng vai trò năng động hơn, tích cực hơn trước các vấn đề xã hội, mạnh dạn hơn trong việc chia sẻ quan điểm và hành động của mình trước các vấn đề xã hội như bình đẳng giới, đa dạng giới và đưa lên các diễn đàn công khai hoặc tuyên bố của công ty.

Thế giới hậu Covid-19 đang đối mặt với nhiều thách thức do biến động địa chính trị và tác động kinh tế, khiến các doanh nghiệp phải chuyển hướng để tìm kiếm các cơ hội và thị trường chưa được khám phá và khai thác. Trong đó, các doanh nghiệp gia đình đã nhận thức rằng niềm tin là tài sản quý giá, là nền tảng cho sự thành công của doanh nghiệp và là điểm khác biệt quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh hiện nay.

Không chỉ thực hiện những thay đổi có tính chất chuyển đổi để xây dựng niềm tin, các doanh nghiệp gia đình cần phải thể hiện các giá trị của mình thông qua những nỗ lực cụ thể và truyền đạt một cách rõ ràng với các bên liên quan, bao gồm khách hàng, nhân viên, thành viên gia đình và cả công chúng nói chung.

Tin bài liên quan