Ninh Thuận: Lo nhà máy 450 MW không được phát 172 MW, tỉnh và doanh nghiệp gõ cửa khắp nơi

0:00 / 0:00
0:00
Đã vận hành 16 tháng, nhưng 172 MW trong số 450 MW của Nhà máy Điện Trung Nam Thuận Nam vẫn chưa có giá bán và được yêu cầu dừng vận hành từ ngày 5/3/2022 bởi thiếu hướng dẫn.

Về đích trong năm 2020 vẫn không có giá

Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã đưa tin, ngày 22/2/2022, Công ty Mua bán điện (EPTC) đã có thông báo gửi tới Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam thông báo, kể từ 0h00 ngày 05/03/2022, EVN sẽ dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá bán điện của của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW.

Lượng công suất được đề nghị dừng khai thác này được biết tới là khoảng 172 MW - cũng là phần nằm ngoài con số 2.000 MW điện mặt trời được Chính phủ cho phép hưởng ưu đãi giá mua điện là 9,35 UScent/kWh tại tỉnh Ninh Thuận tới hết năm 2020.

Không bằng lòng với cách giải quyết này, UBND tỉnh Ninh Thuận và chủ đầu tư đã tiếp tục gõ cửa Bộ Công thương để tìm hướng tháo gỡ.

Trong công văn gửi tới Bộ Công thương ngày 25/2/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cho hay, Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW được Quyết định chủ trương đầu tư trước thời điểm Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành và có hiệu lực.

Dự án đã đi vào hoạt động hơn 16 tháng và từ đó tới nay đã được Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) huy động công suất của toàn dự án để hòa vào lưới điện quốc gia.

Bởi vậy việc dừng khai thác 40% công suất chưa có cơ chế giá mua điện của Dự án Trung Nam Thuận Nam như thông báo của Công ty mua bán điện thuộc EVN đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế.

Điều này dẫn tới việc dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay, trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500 kV do chính nguồn vốn của Nhà đầu tư đã bỏ ra để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải nhằm giải tỏa công suất tại khu vực này.

Tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng, đây là một thiệt thòi rất lớn, chưa tạo công bằng cho nhà đầu tư Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW.

Chờ đợi

Vào ngày 14/1/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 17/TB-VPCP, thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành có phần liên quan tới câu chuyện bán điện chưa có giá tại Ninh Thuận này.

Theo đó, về giá điện với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng yêu cầu áp dụng giá điện tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất theo hướng đấu thầu/đấu giá công khai minh bạch.

Đối với việc vận hành phát điện phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn Ninh Thuận mà hiện chưa có giá điện, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý theo quy định chung của ngành điện; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện với phần công suất này theo chỉ đạo nêu trên.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, một lãnh đạo của EVN cho biết, theo Thông báo ý kiến của Phó thủ tướng thì Bộ Công thương sẽ hướng dẫn EVN các bước tiếp theo để mua điện của phần công suất điện mặt trời đã vào vận hành trong năm 2020 nhưng chưa có giá. Do hiện nay Bộ vẫn chưa có hướng dẫn nên EVN cũng không biết làm cách nào và đành phải cắt phần công suất này ra.

Được biết cách đây 1 năm, hồi tháng 3/2021, với tinh thần gỡ khó cho doanh nghiệp khi đã bỏ tiền đầu tư và hoàn thành dự án điện mặt trời trong năm 2020, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư sau ngày 23/11/2019, nhưng có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 được hưởng mức giá 7,09 UScent/kWh như các dự án điện mặt trời khác được đưa vào vận hành trong năm 2020.

Dẫu vậy thì câu trả lời lại không rõ ràng.

Về phía tỉnh Ninh Thuận cũng cho hay, chiếu theo Thông báo số 17/TB-VPCP thì việc dừng khai thác 40% công suất chưa có cơ chế giá mua điện của Dự án Trung Nam Thuận Nam 450 MW là chưa phù hợp theo kết luận của Phó thủ tướng.

Nhằm tạo sự công bằng trong môi trường đầu tư cũng như hỗ trợ nhà đầu tư đã xây dựng hệ thống Trạm biến áp và đường dây 500 kV góp phần giải tỏa công công suất và sẵn sàng bàn giao 0 đồng cho EVN, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Bộ Công thương xem xét, chỉ đạo EVN tiếp tục khai thác và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có cơ giá điện của Dự án Trung Nam Thuận Nam 450 MW; đồng thời sớm xác định giá mua điện đối với phần công suất này nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

Ngày 9/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 70/TTg- CN, đồng ý bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Triển khai đầu tư dự án điện mặt trời nêu trên kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia (danh mục chi tiết tại văn bản nêu trên của Bộ Công Thương), đưa vào vận hành đồng bộ trong năm 2020 để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào hệ thống điện quốc gia".

- Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương tại văn bản số 517/BCT-ĐL ngày 21/01/2020; UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo công khai minh bạch, đúng với quy định pháp luật và cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 79/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 18/5/2020 (trước thời điểm Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam được ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/5/2020).

- Với sự nỗ lực quyết tâm của nhà đầu tư và chính quyền địa phương, sau hơn 06 tháng thi công, dự án đã hoàn thành và khánh thành vào tháng 10/2020.

- Tuy nhiên chỉ có 277,88 MW trong tổng số 450 MW của dự án là được hưởng giá bán điện 9,35 UScent/kWh. Phần hơn 172 MW còn lại, dù được hoàn thành trong năm 2020 nhưng tới nay vẫn chưa xác định được giá bán điện và đang đứng trước nguy cơ không được huy động từ 0h00 ngày 5/3/2022

Tin bài liên quan