Nỗ lực xóa bỏ “nền kinh tế tiền mặt”

(ĐTCK-online)Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 291/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

Theo như kế hoạch này, sẽ phải cần tới 10 đề án độc lập để thực hiện mục tiêu giảm lượng tiền mặt trong lưu thông, đưa các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt vào sử dụng trong nền kinh tế. Mặc dù chưa biết các đề án này sẽ được thực hiện và triển khai như thế nào, nhưng bước đầu có thể thấy, đây là một sự chuẩn bị khá kỹ càng cho việc bỏ "nền kinh tế tiền mặt" vẫn hay được nhắc đến khi nói về Việt Nam .

Trong số các đề án nói trên, ngoài những vấn đề có tính chuẩn bị nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật thì cơ bản sẽ hướng tới hai đối tượng chính là doanh nghiệp và dân cư. Cụ thể là NHNN sẽ xây dựng đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực doanh nghiệp; đề án trả lương quan tài khoản; đề án phát triển các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu của dân cư và phù hợp với tiến trình hội nhập.

Theo lãnh đạo NHNN, đây có thể coi là đề án có tính tổng thể và triệt để nhất từ trước tới nay, thực hiện mục tiêu đưa dần các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tiến tới thay thế tiền mặt bằng các biện pháp cụ thể, có sự phối hợp lẫn nhau chứ không chỉ là "hô hào" hay bằng các biện pháp đơn lẻ, thiếu hiệu quả.

Cụ thể, đối với đề án trả lương qua tài khoản, tới đây sẽ yêu cầu các cơ quan trả lương bằng ngân sách nhà nước phải thực hiện được điều này, đồng thời sẽ có những biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp trả lương cho cán bộ, nhân viên qua tài khoản. Hiện tại, việc trả lương, bảo hiểm xã hội qua tài khoản mới bắt đầu được triển khai và có những thành công nhất định tại một số tỉnh, thành như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Trong thời gian tới, các hình thức chi trả qua tài khoản sẽ áp dụng rộng rãi hơn tại các địa phương khác.

Cũng theo vị lãnh đạo trên, thực tế thời gian qua cho thấy, một vấn đề rất quan trọng để khuyến khích người dân cũng như doanh nghiệp sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (thẻ cá nhân, thẻ thương mại…) là hạ tầng thanh toán phải đảm bảo tính thuận tiện. Nếu các điểm chấp nhận thẻ không thuận tiện thì có ép cũng không đạt được kết quả.

Chính vì vậy, NHNN cũng sẽ xây dựng đề án phát triển mạng lưới chấp nhận phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Mục tiêu là đảm bảo một hệ thống thanh toán gồm các máy ATM, đặc biệt là các điểm chấp nhận thanh toán (POS) phải rộng rãi hơn nữa chứ không chỉ tập trung ở các khách sạn, nhà hàng, siêu thị lớn như hiện nay, có như vậy người dân, doanh nghiệp mới có thể thấy được sự tiện ích khi sử dụng thẻ.

Trên thực tế, mục tiêu giảm dần tiền mặt trong thanh toán đã có từ hàng chục năm về trước, những nỗ lực đưa séc cá nhân hay thẻ thanh toán vào sử dụng của các ngân hàng đều chưa làm giảm thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Thẻ thanh toán mà các ngân hàng phát hành thì còn có kết quả và được một bộ phận dân cư đón nhận, nhưng séc cá nhân thì mọi nỗ lực đều bị triệt tiêu.

Khu vực doanh nghiệp có khá hơn khi thanh toán qua tài khoản ngày càng chiếm vai trò chủ đạo trong thanh toán, trả lương qua tài khoản cũng có sự phát triển nhất định. Thế nhưng, tiền mặt trong két của doanh nghiệp vẫn cần phải duy trì với số lượng không ít để phục vụ mục đích chi tiêu thường xuyên. Đã có những lúc, NHNN tính tới biện pháp quay lại sử dụng cơ chế quản lý có tính chất hành chính trước đây là quy định mức tồn quỹ tiền mặt tối đa với từng doanh nghiệp. Tất nhiên, kế hoạch này nhận được sự phản đối khá mạnh từ các doanh nghiệp.

Để thực hiện những vấn đề trên, các ngân hàng thương mại - nơi cung cấp trực tiếp phương tiện thanh toán cho người dân và doanh nghiệp phải giữ vai trò quyết định. Hiện khá nhiều ngân hàng không chỉ dừng lại ở cung cấp thẻ mà đã bắt đầu phát triển các loại hình thức thanh toán hiện đại qua mobile, internet…

Theo thống kê của NHNN, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã có trên 20 ngân hàng phát hành thẻ thanh toán với khoảng 6,2 triệu thẻ; 4 liên minh thẻ với trên 3.800 máy ATM. Hiện NHNN đang chuẩn bị những chỉ đạo cụ thể để các liên minh tăng cường hợp tác với nhau, cùng chia sẻ cơ sở hạ tầng thanh toán thẻ qua việc kết nối để cùng hoạt động, qua đó tăng cường hiệu quả về chi phí, tạo thuận lợi cho chủ thẻ trong các giao dịch.