Nở rộ xu hướng đầu tư đất vườn, đất rẫy

Nở rộ xu hướng đầu tư đất vườn, đất rẫy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bỏ lại sau lưng phố thị để tìm về với mảnh vườn, thửa ruộng gắn với thiên nhiên ngày càng trở thành xu hướng trên thị trường địa ốc, đặc biệt là từ khi đại dịch Covid 19 ập đến.

Nở rộ xu hướng

“Tết này gia đình mình sẽ không về quê nhưng cũng không ở lại TP.HCM, mà quyết định lên Bảo Lộc đón Tết. Tình hình phức tạp, về quê không an toàn, còn có nguy cơ bị cách ly. Ở lại TP.HCM đón Tết thì mấy ngày Tết rất buồn”, Nguyễn Nam, một kỹ sư xây dựng đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM đã chia sẻ về kế hoạch đón Tết ở vùng đất mới - nơi gia đình anh vừa xây dựng một “ngôi nhà trên thảo nguyên” như từng mơ ước.

Nam quê ở Quảng Ngãi vào TP.HCM học đại học, sau đó ở lại thành phố phương Nam lập nghiệp. Hơn 10 năm nỗ lực, phấn đấu ở đất Sài thành, anh cũng có được thành công nhất định, nhưng cuộc sống bon chen, ngột ngạt ở thành thị khiến anh nhớ cuộc sống yên bình ở quê.

“Dù sống ở thị thành, nhưng vốn xuất thân từ “gốc rạ”, ký ức về những vùng quê với mảnh vườn thửa ruộng luôn đau đáu và luôn nghĩ đến một lúc nào đó, nếu có cơ hội sẽ hiện thực hóa ước mơ này”, Nam bộc bạch và kể lại, tháng 4/2021, vợ chồng anh có dịp lên thăm nhà một người bạn học đang sống ở huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và chia sẻ muốn tìm mảnh đất để làm nhà vườn. Ngay lúc đó, anh được bạn giới thiệu một khu đất diện tích hơn 5.000 m2 gần đó, được chủ đất bán với giá gần 5 tỷ đồng. Sau khi bàn bạc, hai vợ chồng Nam đã quyết định mua khu đất này để làm một khu vườn nghỉ dưỡng.

“Mua xong khu đất này đúng vào thời điểm dịch bệnh ở TP.HCM bùng phát căng thẳng, gia đình mình đã chuyển lên đây vừa ‘lánh dịch”, vừa đầu tư xây dựng khu vườn. Đến nay, khu vườn chưa thật sự hoàn chỉnh, nhưng đã dần thành hình với một ngôi nhà nhỏ, xung quanh những luống hoa, vườn rau, cây ăn trái dần được mọc lên. Vợ mình là một kiến trúc sư, nhờ vậy khu vườn được thiết kế khá hợp lý”, Nam nói và cho biết, thích nhất ở đây là mỗi buổi tối tiết trời se lạnh, sáng sớm thức dậy trong làn sương mờ mát lạnh, khu vườn như bừng tỉnh dưới ánh sáng xuyên qua từng kẽ lá. Gần đây, nhiều người ngỏ ý mua lại với giá cao bất ngờ, nhưng anh không có ý định bán lại.

Nếu như Nam chọn Bảo Lộc với “đặc sản” phù hợp nghỉ dưỡng là thời tiết và đồi chè, thì Thịnh lại chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm “bãi đáp” cho ngôi nhà thứ 2. Là một dược sỹ, từng có thời gian làm việc tại nhiều công ty dược nổi tiếng, trong đó gần nhất là làm cho một công ty dược nước ngoài với mức lương gần 300 triệu đồng/tháng.

Do đặc thù công việc đi tiếp khách nhiều, gần đây, anh Thịnh phát hiện bị bệnh tiểu đường, sức khỏe sa sút nên quyết định “về hưu non”. Sau khi nghỉ việc, có thời gian đi đây đó và sau đợt giãn cách vừa qua, có lần về Bà Rịa - Vũng Tàu, thấy đất đai nơi đây phù hợp để làm vườn, không khí trong lành và đặc biệt chỉ cách TP.HCM chưa đầy 2 giờ di chuyển, nên anh đã “tậu” một khu vườn hơn 4.000 m2 với giá hơn 7 tỷ đồng. Anh Thịnh cho biết, đang từng bước biến khu đất này thành một khu nhà vườn thật đẹp để cuối tuần đưa gia đình về đây nghỉ ngơi, thư giãn.

Không chỉ những trường hợp kể trên, có thể nói, chưa bao giờ câu chuyện “săn tìm” ngôi nhà thứ hai của người dân sống ở TP.HCM nói riêng và ở nhiều đô thị khác nói chung lại rộ lên như thời gian gần đây. Nếu như trước đây, khái niệm “ngôi nhà thứ 2” được nhắc đến chủ yếu với các sản phẩm bất động sản gần biển, còn gần đây, xu hướng ngôi nhà thứ 2 đã lan tỏa khắp hang cùng ngõ hẻm.

Ông Nguyễn Văn Đức, giám đốc một công ty bất động sản chuyên môi giới đất vườn cho biết, từ sau đợt giãn cách do đợt dịch Covid lần thứ 4 đến nay, đều đặn mỗi tuần, công ty ông đưa hàng chục khách hàng từ TP.HCM đến các tỉnh lân cận để xem đất vườn. Có tuần thì đưa khách lên Lâm Đồng, có tuần lại lên Đắk Nông hoặc xuống Bà Rịa - Vũng Tàu, hay xa hơn ra Bình Thuận, Ninh Thuận…

“Nhu cầu mua đất vườn, đất rẫy, gần đây tăng đột biến. Nơi nào có đất giá còn thấp, có tiềm năng kết nối hạ tầng tốt, đặc biệt có phong cảnh đẹp, gần hồ, suối đều trở thành khu vực săn tìm của nhà đầu tư”, ông Đức nói và chia sẻ thêm, trong số những người tìm mua đất vườn hiện nay có sự đa dạng về mục đích. Có người có tiền nhàn rỗi mua để đó chờ lên giá bán, có người lại mua để thực hiện lý tưởng cuối tuần đưa gia đình bạn bè lên chơi, cũng có những người vì ngán ngẩm hoặc không chịu nổi cuộc sống bon chen phố thị đi theo tiếng gọi “bỏ phố lên rừng”.

Đừng để “mắc lừa” cảm xúc

Theo phân tích của giới quan sát, “bỏ phố về quê” gần đây thực sự đang trở thành một trào lưu. Nhu cầu săn tìm mua đất vườn, đất rẫy của người dân thành thị bắt đầu từ năm 2018 và diễn ra khá mạnh trong hai năm qua khi đại dịch Covid-19 ập đến. Thực tế này đã khiến thời gian qua, đất vườn tại nhiều khu vực tăng giá chóng mặt.

Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time, với những người đang sống và làm việc tại các thành phố, có nguồn thu nhập cao, họ thích sở hữu trang trại, vườn tược và thích dành thời gian để làm việc như một người nông dân, sống cuộc sống an yên, thoải mái. Phần lớn họ đã có một nguồn vốn nhàn rỗi, tìm kiếm một khu đất ở khu vực ngoại thành, sau đó xây dựng, cải tạo thành một địa điểm nghỉ ngơi, thỏa mãn thú điền viên. Họ làm nông không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, mà đơn thuần là vì sở thích và trải nghiệm. Tuy nhiên, theo ông Tiến, bên cạnh nhu cầu thực tế đó, cũng có không ít người đang bị “mắc lừa” bởi cảm xúc của bản thân.

“Tôi có người bạn ở TP.HCM, trước đây từng mua một khu vườn ở Bình Dương, sau đó đầu tư bạc tỷ, nào là xây nhà gỗ, đào ao nuôi cá, làm vườn trồng rau… với suy nghĩ cuối tuần sẽ đưa gia đình, bạn bè về chơi. Sau đó thuê một người trông nom vườn tược”, ông Tiến kể lại và cho biết, thời gian đầu ông bạn hay đưa gia đình về chơi, thi thoảng rủ thêm bạn bè về nhậu nhẹt. Tuy nhiên, sau đó anh phải bán lỗ lại khu vườn với lý do vợ con không chịu về nữa, vì không có gì để vui chơi.

Thời gian qua, tại các tỉnh, thành phía Nam, nhà nhà, người người đổ xô đi mua đất vườn, đất rẫy. Chỉ cần rảo một vòng trên các trang mạng xã hội, đâu đâu cũng có thể thấy được các trang “bỏ phố về quê”, rao bán đất vườn. Chính sự nở rộ này đã khiến giá đất nông nghiệp ở rất nhiều nơi tăng cao. Người nông dân bán đất vườn lấy tiền mua xe, xây nhà, trong khi không ít khu đất vườn sau khi được mua lại rồi để hoang hóa.

Không chỉ nhà đầu tư đua nhau mua đất vườn, nhiều doanh nghiệp môi giới cũng tranh thủ gom đất nông nghiệp phân lô, sau đó vẽ ra những viễn cảnh thơ mộng để bán lại.

“Không ít dự án giữa những đồi núi được phân lô, sau đó mời khách tận TP.HCM lên ở lại rồi mở tiệc đãi khách qua đêm và “chốt đơn”. Cảm xúc của sự yên bình nhất thời đã làm cho nhiều người bị sập bẫy, sau đó khi về rồi mới thấy bị hớ, nhưng không thể không bỏ cọc”, giám đốc một doanh nghiệp môi giới chia sẻ và khuyên nhà đầu tư “đừng vì thèm một ly sữa, mà mua cả con bò sữa”.

“Đừng chỉ nhìn qua những trang thơ mộng của một số người an dưỡng mà đưa ra lựa chọn, cũng đừng vội quyết định trong lúc tâm trạng chán nản phố thị, hay theo phong trào bộc phát, nhất thời. Mọi người nên nhìn cả mặt tiêu cực và tích cực của việc sở hữu căn nhà thứ 2 để đưa ra quyết định phù hợp”, vị này nhấn mạnh.

Tin bài liên quan