Áp lực nợ vay đang đè nặng CII.

Áp lực nợ vay đang đè nặng CII.

Nỗi buồn của cổ đông Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM vừa bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 30/3/2022, do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2021 là con số âm.

Tin xấu liên tục

CII từng có nhịp tăng ấn tượng hơn 100% hồi cuối năm 2021, đạt đỉnh 57.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/1/2022. Cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm hồi cuối năm ngoái, với mức giá trúng cao kỷ lục khiến nhà đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào CII - doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất tại khu vực này. Tuy nhiên, ngay sau khi Tân Hoàng Minh công bố bỏ cọc vào ngày 11/1/2022, giá cổ phiếu CII đã lao dốc không phanh.

Mới đây, CII công bố báo cáo tài chính năm 2021 sau kiểm toán với số lỗ hợp nhất là 242 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 332,4 tỷ đồng. Với những thông tin tiêu cực từ doanh nghiệp, thị giá của cổ phiếu CII chốt phiên cuối tuần qua ở mức 32.500 đồng/cổ phiếu, mất gần 44% so với đầu tháng 1.

Theo giải trình của CII, đại dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến lưu lượng xe lưu thông, làm giảm doanh thu thu phí các dự án cầu đường của Công ty. Các dự án xây dựng cũng tạm ngừng hoạt động khiến doanh thu bất động sản... cũng giảm.

Doanh thu thuần của CII năm 2021 đạt 2.608 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 5.400 tỷ đồng của năm 2020; trong đó, doanh thu từ kinh doanh bất động sản là 1.229 tỷ đồng và doanh thu từ thu phí giao thông là 945,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, đại dịch cũng khiến tiến độ thu tiền, trả nợ gặp khó khăn, chi phí lãi vay theo đó tăng mạnh so với cùng kỳ. Năm qua, Công ty ghi nhận chi phí tài chính lên tới gần 1.334 tỷ đồng, so với mức 901 tỷ đồng trong năm 2020.

Bán tài sản để trả nợ

Khẳng định “những khó khăn này chỉ là trong ngắn hạn”, CII đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2022 với những con số cải thiện mạnh so với năm qua. Cụ thể, CII đặt mục tiêu doanh thu đạt 8.010 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với kết quả năm 2021; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 757 tỷ đồng - mức cao nhất từ năm 2018 tới đây.

CII cho biết, trong năm nay, Công ty sẽ tiếp tục thu hồi vốn và lợi nhuận đầu tư từ việc bán cổ phiếu quỹ và giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB), thoái vốn tại Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (mã SII) để gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu.

Trong báo cáo giải trình về nguyên nhân thua lỗ năm qua và giải pháp khắc phục, CII cũng cho biết, trong quý IV/2021, doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn thành công 25,4 triệu cổ phiếu NBB, thu về hơn 1.000 tỷ đồng, cải thiện đáng kể dòng tiền và tạo lợi nhuận trên báo cáo hợp nhất là 488 tỷ đồng.

Dẫu vậy, việc “bán con”, bán tài sản chỉ có thể giúp CII giải quyết bài toán trước mắt về dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Báo cáo tài chính của CII cho biết, tại thời điểm cuối năm 2021, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp lên tới 22.491 tỷ đồng; trong đó, nợ phải trả ngắn hạn là 9.158 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 3.861 tỷ đồng.

Với số nợ vay như vậy, chi phí tài chính tiếp tục bào mòn lợi nhuận của CII. Chưa kể, áp lực dòng tiền trả nợ ngắn hạn có thể buộc Công ty phải bán tiếp tài sản, trong bối cảnh nguồn cung vốn từ hệ thống ngân hàng hẹp lại khi hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp cũng như cho vay lĩnh vực bất động sản bị thắt chặt.

Tin bài liên quan