Thành quả của công cuộc Đổi mới hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nhân

Thành quả của công cuộc Đổi mới hôm nay có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nhân

Nơi đầu sóng, ngọn gió

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023 chứng kiến sự vất vả chưa từng thấy của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Sự lăn xả, hy sinh của họ đang giúp doanh nghiệp trụ vững và tiến bước.

1. “Làm tướng thì phải đứng ở vị trí đầu sóng, ngọn gió. Làm người lãnh đạo phải sẵn sàng lăn xả, sẵn sàng hy sinh thì nhân viên mới theo được”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nêu quan điểm.

Ông Bình lẽ ra có thời gian để trò chuyện dài hơn trong cuộc gặp với giới truyền thông cuối năm, nhưng lịch làm việc của ông thay đổi. Ông nói phải đi bán hàng khi rời cuộc gặp.

Điều này gây tò mò cho nhiều người, bởi vị chủ tịch U70 như ông mà còn phải xông pha đi bán hàng, nhưng được làm việc là thú vui của Chủ tịch FPT và cũng là ngọn lửa mà ông truyền động lực cho thế hệ trẻ để tạo ra thành công lớn của FPT năm 2023. Cụ thể, mảng dịch vụ công nghệ thông tin của FPT cán đích doanh thu tỷ USD. Qua đó, FPT tự tin đặt mục tiêu doanh thu 5 tỷ USD cho lĩnh vực này vào năm 2030.

“Thật ra, công việc gọi là nặng nề nhất của tôi là đi bán hàng. Hiện tại, tôi vẫn đang phải đi bán hàng”, ông Bình chia sẻ.

Một lãnh đạo của FPT cho biết, mốc 1 tỷ USD mang lại nhiều cảm xúc, nhưng cảm xúc này không hồi hộp bằng các mốc trước đây.

1 triệu USD đầu tiên, FPT Software đạt được vào năm 2002. Cho đến tận năm 2011, FPT mới lên được mốc 100 triệu USD.

Ông Bình kể về chuyến bay sang Nhật Bản năm 2011, khi đó nước này xảy ra động đất và sóng thần. Mặc dù nhân viên và gia đình đều ra sức ngăn cản, nhưng ông vẫn quyết định bay sang Tokyo.

“Thư ký bảo phóng xạ vượt tới 200 lần rồi, anh không thể đi được, nhưng tôi vẫn quyết đi. Về nhà còn khổ hơn nữa là vợ không cho. Tôi bảo vợ rằng, anh là tướng thì chỗ đầu sóng ngọn gió là anh đứng, em không được cản anh vì đó là chính anh”, ông Bình nhớ lại.

Cam kết đồng hành với khách hàng trong những lúc gian khó nhất đã giúp FPT bứt phá doanh thu tại thị trường Nhật Bản. Trong cơ cấu doanh thu tỷ USD năm 2023, Nhật Bản soán ngôi Mỹ để trở thành thị trường có thị phần lớn nhất của FPT.

Nhưng để có thành công hôm nay, FPT cũng trải qua nhiều thất bại. Ông Lê Quang Tiến, Phó chủ tịch FPT kể, đã vay 1 triệu USD cho FPT những ngày đầu ra thế giới. FPT nhìn Ấn Độ, sang Ấn Độ để học hỏi, nhưng nhìn người ta làm được, mà mình không biết làm. FPT tiêu hết 1 triệu USD và thất bại.

May mắn có ông Misuda (lãnh đạo Sumitomo Nhật Bản) đưa ông Bình sang Nhật Bản. Thuở ấy, FPT nghèo lắm, ông Bình chỉ dám đi một mình, nhưng ông Misuda bảo “vậy thì lèo tèo quá”, FPT chỉ dám cử thêm 1 người. Đoàn có 2 người vẫn quá ít, ông Misuda cho mượn thêm ba người Nhật để ra dáng một đoàn. Sau chuyến đó, FPT có hợp đồng và ông Bình rút ra bài học: Muốn làm phần mềm phải chịu khó nói tiếng bản địa.

Đây cũng là lý do Đại học FPT ngày nay ngoài tiếng Anh còn đào tạo tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung…

Ông Bình kể về những chuyến bay sang nước ngoài để gặp khách hàng, ngồi hàng tiếng đồng hồ tư vấn, thuyết phục họ, sau đó lập tức ra tàu điện đi gặp một công ty khác. Chủ tịch FPT cho biết, ông không ngại phải chiều lòng khách hàng, có khi phải hạ mình thấp hơn, để lấy được hợp đồng. Khi đã đủ năng lực, FPT thực hiện chiến lược “săn cá voi” và hiện nay 80% hợp đồng của FPT Software có giá trị từ 1 triệu USD/hợp đồng trở lên.

2. Đầu tháng 11/2023, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo ký kết hợp đồng nguyên tắc để hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô.

Quy mô đầu tư sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2023 - 2030), xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô 50.000 xe/năm. Giai đoạn 2 (2031 - 2033), sau khi hoạt động sản xuất - kinh doanh đi vào ổn định, tiến hành đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 50.000 xe/năm để nâng công suất nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô lên 100.000 xe/năm. Giai đoạn 3 (2034 - 2035), Tập đoàn sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 100.000 xe/năm để nâng công suất toàn nhà máy lên 200.000 xe/năm. Tổng vốn đầu tư cho 3 giai đoạn của dự án, chưa bao gồm đầu tư khu công nghiệp phụ trợ, ước tính khoảng 800 triệu USD.

Dự kiến, Tập đoàn Geleximco sẽ khởi công xây dựng nhà máy giai đoạn 1 vào quý II/2024 và hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy vào quý III/2025, ra mắt sản phẩm tại Việt Nam vào quý IV/2025.

Tại lễ ký kết trên, vai trò của ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco nổi bật và một lần nữa khẳng định đam mê, cũng như tầm nhìn xa của ông khi đầu tư vào công nghiệp. Với dự án này, liên doanh sẽ tạo ra khoảng 10.000 việc làm. Ông vẫn thường bảo các cộng sự: “Mỗi dự án công nghiệp mở ra thường đem lại nhiều công ăn việc làm và đóng góp lớn cho địa phương”.

Bởi thế, làm công nghiệp vất vả và đòi hỏi sự dấn thân, nhưng ông vẫn quyết tâm làm. Geleximco đã đầu tư nhà máy điện, nhà máy giấy, liên doanh sản xuất thiết bị xe máy Honda…

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Gỗ Trường Thành chia sẻ khát vọng: “Chúng ta cần phải tạo ra các doanh nghiệp lớn không chỉ so ở trong đất nước của chúng ta hay rộng hơn là trong khu vực, mà có thể so được với toàn cầu. Chúng ta đã có những tên tuổi có thể bước ra, so được với thế giới. Nếu từ vài hạt giống thật tốt đó có thể là lực lượng đi tiên phong để dẫn dắt thế hệ đi sau, có thể tạo ra vài trăm rồi vài nghìn doanh nhân, doanh nghiệp có thể soi mình với tầm thế giới, thì lúc đó chúng ta tiến bộ hơn về chất và tạo được vị thế không chỉ cho doanh nhân Việt Nam, mà cho cả đất nước và đó là mục tiêu xứng đáng để chúng ta phấn đấu”.

3. Hiện nay, giới doanh nhân phải đối diện với những thách thức về bối cảnh thay đổi, về địa chính trị, nhưng đồng thời mở ra cơ hội rất lớn để đất nước ta sẽ phải đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên tiến trên thế giới. Ông Trương Gia Bình cho rằng, đấy là nhiệm vụ rất nặng nề. “Chúng ta đã đoàn kết phải đoàn kết hơn nữa, đã dấn thân phải dấn thân hơn nữa, đã xung phong phải xung phong hơn nữa, đã giúp cộng đồng thì phải giúp nhiều hơn”.

Là những doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp đã thành danh, song các ông Vũ Văn Tiền, Trương Gia Bình, Mai Hữu Tín, Võ Quốc Thắng... vẫn đêm ngày “cày cuốc”, ấp ủ đam mê nhiều dự án mới như lời bài hát mà họ đã có dịp cùng nhau cất cao tiếng hát: “Có chúng tôi trên những chặng đường đổi mới. Qua bao thăng trầm mà vẫn bước vững vàng”.

Thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, thời cơ, thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức, song khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Phải xác định là không có việc gì dễ dàng, nhất là trong bối cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế. Mặt khác, chúng ta không bi quan mà phải luôn lạc quan, tự tin để vươn lên.

Có những lúc chúng ta còn khó khăn hơn rất nhiều nhưng chúng ta vẫn tìm được con đường đi lên, không có lý do gì mà bây giờ chúng ta lại không làm được.

Các doanh nhân sẽ ngày càng phát triển, thế hệ sau kế thừa, phát huy thành quả, kinh nghiệm của thế hệ trước, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ngày càng lớn mạnh hơn, hiệu quả hơn, phát huy trách nhiệm xã hội, góp phần hiện thực hóa khát vọng lớn nhất là xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

(Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam 2023)

Tin bài liên quan