Nội địa hóa cổng thanh toán điện tử

(ĐTCK-online)Sự kiện Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chính thức khai trương cổng thanh toán điện tử (payment gateway) cho hoạt động mua bán trực tuyến được coi là bước đi quan trọng, hỗ trợ các website bán hàng trực tuyến trong nước. Trước Techcombank, một ngân hàng khác là Vietcombank dù không khai trương chính thức nhưng đã cung cấp cổng thanh toán cho hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines để khách hàng đặt vé qua mạng bằng các loại thẻ thanh toán quốc tế như Visa, MasterCard, JCB, American Express.

Hiện mỗi ngân hàng này đều mới cung cấp cổng thanh toán cho một nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đối với Vietcombank là Pacific Airlines, còn đối với Techcombank là trang web: www.123mua.com.vn. Tuy nhiên, theo khẳng định của lãnh đạo 2 ngân hàng này, cổng thanh toán điện tử sẽ được kết hợp với nhiều nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước trong thời gian tới.

 

Cũ người mới ta

Việc thanh toán qua mạng là hình thức rất phổ biến ở các nước phát triển, khách hàng ở Việt Nam thường biết tới những tên tuổi khá nổi tiếng như Amazon, Alibaba, eBay… và cũng không ít người mua hàng từ các nhà phân phối lớn qua mạng hàng đầu trên thế giới này.

Còn tại Việt Nam , dịch vụ bán hàng qua mạng đã được phát triển từ ngay sau khi internet được phổ cập, số lượng ngày càng tăng nhưng kém phát triển. Một trong những hạn chế lớn nhất cho phát triển thương mại điện tử mà cụ thể là các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến chính là thanh toán.

Theo ông Đặng Bảo Khánh, Giám đốc Trung tâm Thanh toán và Ngân hàng đại lý Techcombank, hầu hết website bán hàng qua mạng mới chỉ cho phép người mua hàng thanh toán bằng hình thức đơn giản như chuyển tiền qua ATM, trả trực tiếp bằng tiền mặt, chuyển tiền qua các dịch vụ quốc tế… Cũng theo ông Khánh, thanh toán bằng thẻ tín dụng thông qua các cổng điện tử do ngân hàng cung cấp là một hình thức rất thuận tiện lại chưa phát triển, nên các website bán hàng bị hạn chế số lượng khách hàng.

“Có những khách hàng ở nước ngoài muốn mua sách tại Việt Nam, nhưng phí để thực hiện chuyển tiền mua sách qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế lên tới 50 USD, lớn hơn cả tiền mua cuốn sách đó”, ông Khánh cho biết. “Việc đưa cổng thanh toán điện tử vào hoạt động sẽ giải quyết được rắc rối này khi khách hàng không hề phải trả thêm phí thanh toán”.

Trên thực tế, cũng có một số tập đoàn khách sạn lớn sử dụng cổng thanh toán điện tử do các hãng nước ngoài cung cấp để cho phép khách hàng đặt phòng và thanh toán qua mạng. Nhưng đại đa số website bán hàng trong nước đều khá ngần ngại khi sử dụng cổng thanh toán nước ngoài này khi được mời chào, dù biết rằng thanh toán trực tuyến sẽ hỗ trợ người mua hàng rất lớn.

Theo bà Nguyễn Tú Anh, Trưởng phòng Quản lý thẻ Vietcombank, thường có sự quan ngại nhất định rằng, nếu sử dụng cổng thanh toán tại nước ngoài có thể vấp phải một số vấn đề liên quan đến chuyển ngoại tệ, cũng như giải quyết khiếu nại. Chẳng hạn, một website bán hàng tại Việt Nam sử dụng cổng điện tử do một ngân hàng tại nước ngoài cung cấp, điều đó có nghĩa họ sẽ phải mở tài khoản tại ngân hàng đó tại nước ngoài, tiền bán hàng sẽ được chuyển về tài khoản đó.

“Việc thanh toán như vậy khiến nhiều nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến e ngại về vấn đề chuyển tiền bán hàng về nước, cũng như gặp khó khăn về khiếu nại khi phát sinh vấn đề, đó là chưa nói tới sự tin cậy về bảo mật”, bà Tú Anh cho biết. “Việc các ngân hàng nội địa cung cấp cổng điện tử với sự đảm bảo về mặt thanh toán cũng như bảo mật sẽ tạo thuận lợi hơn cho các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam ”.

 

Tin cậy hơn

Nếu đã từng mua hàng qua mạng, khách hàng có thể dễ thấy một quy trình mua hàng gồm khá nhiều bước, từ chọn hàng hóa dịch vụ, xác nhận thông tin… và cuối cùng mới là điền các thông tin về thẻ thanh toán cá nhân và xác nhận mua hàng. Khách hàng có thể không cần để ý, nhưng thực ra bước thanh toán cuối cùng là do ngân hàng cung cấp cổng thanh toán xây dựng và phụ trách, chứ không phải là nhà bán hàng.

Sở dĩ như vậy, bởi thanh toán trực tuyến đòi hỏi tính bảo mật rất cao, cổng thanh toán điện tử có độ tin cậy cao hầu hết đều phải do các nhà cung cấp giải pháp thanh toán qua mạng internet phát triển, chứ không phải do bản thân các ngân hàng cũng như người bán hàng xây dựng lên. Cổng điện tử do Vietcombank cung cấp cho Pacific Airlines là giải pháp của MasterCard, còn Techcombank là trên cơ sở hợp tác với AsiaPay có trụ sở tại Hồng Kông.

Cũng theo bà Tú Anh, việc các ngân hàng nội địa cung cấp cổng điện tử sẽ tạo ra sự yên tâm hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa trong nước, trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp sử dụng cổng thanh toán này trong việc bán hàng. Sau Pacific Airlines, hiện Vietcombank đang hợp tác với một số công ty du lịch lớn tại Việt Nam để cung cấp cổng thanh toán, nhằm hỗ trợ các công ty này cho phép khách hàng đặt tour qua mạng, đặc biệt là khách nước ngoài vốn đã khá quen với hình thức book tour qua mạng.

Tuy nhiên, cũng theo bà Tú Anh, còn một vấn đề cần phải giải quyết đối với các website bán hàng, đó là tạo lòng tin đối với người sử dụng thẻ thanh toán để mua hàng trực tuyến, đặc biệt là khách hàng trong nước.

Thực tế, những vụ gian lận thẻ, ăn cắp thông tin chủ thẻ và làm giả thẻ được nhắc tới khá nhiều trong thời gian qua đã tạo sự lo ngại nhất định với chủ thẻ khi mua hàng trực tuyến. Ở góc độ nhà phát hành thẻ thanh toán lớn nhất Việt Nam hiện nay, Vietcombank đã phải áp dụng hình thức không cho phép sử dụng thẻ tín dụng thanh toán trực tuyến, khách hàng nào có nhu cầu phải đăng ký trước với Vietcombank.

Theo bà Tú Anh, hiện Vietcombank đang thử nghiệm giải pháp cung cấp thêm một password riêng đối với chủ thẻ thanh toán để mua hàng qua mạng, dự kiến đến cuối năm nay sẽ triển khai rộng rãi. Việc cung cấp thêm một password mà chỉ có chủ thẻ được biết, sẽ hạn chế việc gian lận thẻ, những người ăn cắp dữ liệu trên thẻ thanh toán cũng không thể biết password này để có thể mua hàng qua mạng.