Cùng với nhiều quy định mới của pháp luật bắt đầu được thực thi, doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới công tác quản trị công ty

Cùng với nhiều quy định mới của pháp luật bắt đầu được thực thi, doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới công tác quản trị công ty

Nới room, cần quản trị tốt để tránh bị thâu tóm

(ĐTCK) Quy định mới về tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho NĐT nước ngoài theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP được giới đầu tư và các doanh nghiệp đại chúng đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài khi Nghị định 60 trao quyền chủ động cho doanh nghiệp quyết định tỷ lệ room theo hướng nới lỏng, thì không ít doanh nghiệp băn khoăn về nguy cơ bị thâu tóm.

Cơ hội thu hút vốn ngoại

Theo quy định cũ, tỷ lệ nắm giữ của NĐT nước ngoài bị hạn chế tối đa 49%, nhưng với Nghị định 60/2015/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2015, tỷ lệ này không còn bị hạn chế. Tuy nhiên, giới hạn sở hữu cụ thể còn tùy thuộc vào điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết, quy định của pháp luật chuyên ngành đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện (theo Phụ lục 4 của Luật Đầu tư, có 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện).

Các công ty đại chúng không thuộc các nhóm trên thì tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp điều lệ công ty quy định khác. Điều này mang lại cơ hội thu hút dòng vốn từ NĐT nước ngoài cho các doanh nghiệp.

Thanh khoản trên TTCK cũng sẽ gia tăng khi các doanh nghiệp niêm yết nới room thu hút sự tham gia của các quỹ đầu tư, các NĐT nước ngoài. Bên cạnh đó, các hoạt động huy động vốn, M&A nhiều khả năng được đẩy mạnh hơn.

Để đảm bảo tính mở, Nghị định 60 không đưa ra một tỷ lệ room cố định chung cho các ngành như trước, mà được quyết định theo từng ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, trao quyền tự quyết về room cho doanh nghiệp. Để cụ thể hóa tỷ lệ này, doanh nghiệp có thể đưa vào điều lệ công ty một giới hạn tối đa về room và thông qua ĐHCĐ.

Thông tư 123/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính đã có những hướng dẫn về cách thức cần thực hiện để áp dụng và công bố tỷ lệ sở hữu nước ngoài của doanh nghiệp, còn tỷ lệ cụ thể sẽ do doanh nghiệp và các cổ đông quyết định. 

Những thách thức cần đối mặt

Thứ nhất là nguy cơ bị thâu tóm. Đằng sau câu chuyện nới room là rủi ro bị thâu tóm và mất quyền kiểm soát. Việc nới lỏng quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu là cơ hội tốt để NĐT nước ngoài rót vốn đầu tư vào những nhóm ngành hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao và việc gia tăng sở hữu trong những doanh nghiệp nội địa cùng ngành là một trong những cách thức để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp cần xác định cơ cấu cổ đông hiệu quả và có phương án kiểm soát cơ cấu cổ đông để không ảnh hưởng đến những mục tiêu phát triển và thu hút vốn bên ngoài, đồng thời không để doanh nghiệp bị đặt vào nguy cơ mất quyền kiểm soát.

Thứ hai là nguy cơ xung đột về lợi ích. Khi Nghị định 60 được ban hành, có không ít ý kiến từ các NĐT nhỏ về quyền được quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài, khi vấn đề này được đưa ra trình ĐHCĐ thông qua. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn quyết định một tỷ lệ cụ thể về sở hữu nước ngoài thì cần cân nhắc đến các nhóm cổ đông với những lợi ích và mục tiêu khác nhau trong ngắn hạn và dài hạn, tránh việc có những ý kiến không đồng thuận khi đưa vấn đề ra trình tại ĐHCĐ.

Thứ ba, hoạt động quan hệ NĐT cần được chuyên nghiệp hóa. Trong quá trình xây dựng bộ sản phẩm tư vấn quản trị công ty cho các doanh nghiệp, FPTS nhận thấy, xu hướng hội nhập và tham gia của các NĐT nước ngoài sẽ là một áp lực đối với các công ty đại chúng. Bởi vậy, công tác quan hệ NĐT cần được quan tâm và chuyên nghiệp hóa hơn.

Trước hết là minh bạch thông tin và đảm bảo thông tin công bố được các NĐT trong nước và nước ngoài đều có thể dễ dàng tiếp cận. Doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ khi xây dựng các kênh thông tin công bố đến cho NĐT, đặc biệt là các NĐT nước ngoài.

Cùng với nhiều quy định mới của pháp luật bắt đầu được thực thi, doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới công tác quản trị công ty, bao gồm nhiều khía cạnh từ những việc đơn giản như lập báo cáo thường niên, quản lý cổ đông, xây dựng bộ phận quan hệ NĐT, có cách thức tổ chức ĐHCĐ chuyên nghiệp, đến những việc phức tạp hơn nhiều như xây dựng chính sách cổ tức, xây dựng quy chế hoạt động của HĐQT, quy chế quản trị công ty, quy chế ESOP…    

Tin bài liên quan