Việc duy trì room tín dụng trong ngắn hạn đối với từng ngân hàng là cần thiết

Việc duy trì room tín dụng trong ngắn hạn đối với từng ngân hàng là cần thiết

Nới room tín dụng, nhưng thách thức vẫn lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng mới được kỳ vọng sẽ khơi thông lại dòng chảy vốn tắc nghẽn trong vài tháng gần đây, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

Nới lỏng tín dụng tương đối hợp lý

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT chia sẻ: “Mặc dù không công bố cụ thể, song theo quan sát của tôi, các ngân hàng thương mại được phân bổ thêm room tín dụng đều thuộc nhóm có tỷ lệ an toàn vốn và chất lượng tài sản đảm bảo, khả năng quản trị rủi ro cao, cũng như tham gia quá trình hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém”.

Tính đến hết tháng 8/2022, tín dụng tăng trưởng 9,91%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,42% cùng kỳ năm ngoái. Theo bà Hiền, điều này chứng tỏ nhu cầu vốn của nền kinh tế đang rất lớn. Vì vậy, hạn mức còn lại cho năm nay chưa thể giải tỏa “cơn khát” của doanh nghiệp và người dân, mà chỉ phần nào khơi thông lại dòng chảy vốn bị tắc nghẽn trong vài tháng gần đây. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% đang được triển khai rất chậm do nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục.

Bà Hiền nhận định, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đều chưa thể cảm nhận được sự lan tỏa tích cực của thông tin nới room tín dụng. Riêng đối với thị trường bất động sản, khó khăn vẫn còn lớn khi đối diện với thách thức kép về huy động vốn từ kênh ngân hàng và kênh trái phiếu doanh nghiệp, cũng như các nút thắt về pháp lý bất động sản nhà ở khó có những cải thiện đáng kể ít nhất đến khi Luật Đất đai sửa đổi hoàn thành trong quý IV/2023.

“Ngân hàng Nhà nước đang phải gánh vác vai trò lớn, một mặt phải hài hòa các yếu tố lãi suất, tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, mặt khác phải kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định vĩ mô. Đây đều là những thách thức, thậm chí càng khó khăn hơn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó dự báo như hiện nay. Vì vậy, luôn có nhiều ý kiến trái chiều về các vấn đề được dư luận quan tâm như tăng trưởng tín dụng và lãi suất”, bà Hiền nói.

Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đối với điều hành chính sách tiền tệ trong nhiều năm trở lại đây là chủ động và linh hoạt. Bà Hiền nhận xét, thực tế cho thấy, cơ quan này đã có những động thái phù hợp với diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước. Chẳng hạn, “mềm dẻo” hơn vào thời điểm đầu năm 2022 khi dư địa nới lỏng chính sách vẫn còn nhằm tận dụng thời gian hỗ trợ nền kinh tế phục hồi ngay sau đại dịch Covid-19, thận trọng hơn từ thời điểm tháng 6 - 7 năm nay khi áp lực lạm phát gia tăng.

“Tôi cho rằng, mức nới lỏng tín dụng như hiện nay là tương đối hợp lý, vừa có tác dụng khơi thông dòng vốn, vừa để ngăn chặn cuộc đua tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại, mà việc lãi suất liên ngân hàng tăng vọt trong 2 ngày cuối tuần qua lên mức cao nhất 10 năm cũng là minh chứng cho thách thức của Ngân hàng Nhà nước. Kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô là điều kiện tiên quyết để duy trì môi trường vĩ mô thuận lợi nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không chỉ trong năm 2022, mà cả giai đoạn 2023 - 2024 sau đó”, bà Hiền nhấn mạnh.

Trong diễn biến có liên quan, bà Hiền cho biết, tương tự như các đồng tiền khác, đồng USD tăng vọt trong thời gian gần đây đã gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, nếu so với các đồng tiền trong khu vực, VND vẫn là một trong những đồng tiền có diễn biến ổn định nhất. Những năm qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.

“Động thái bơm - hút của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp trong ngắn hạn nhằm giảm áp lực lên VND và cũng giúp có thêm dư địa điều hành trong ngắn hạn và trung hạn”, bà Hiền đánh giá.

Bỏ hay giữ room tín dụng?

Một mặt phải hài hòa các yếu tố lãi suất, tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, mặt khác phải kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định vĩ mô.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, họ không “phục” Ngân hàng Nhà nước khi nhận được văn bản điều chỉnh room tín dụng.

“Ngân hàng tôi cũng tương tự ít nhất là một ngân hàng khác, nhưng tỷ lệ được điều chỉnh quá thấp so với chính ngân hàng đó là sự bất hợp lý”, lãnh đạo cao cấp một nhà băng nói.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ: “Sáng nay (7/9) đã nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Quá thấp so với tính toán. Thôi cũng đành chấp nhận, có còn hơn không. Nhưng tôi mong muốn các chính sách sớm vận hành theo biện pháp thị trường, thay vì biện pháp hành chính”.

Trong một tương quan khác, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại cổ phần khác cho hay, bản thân ông ủng hộ việc sử dụng biện pháp thị trường, thay vì biện pháp hành chính, nhưng...

“Nếu không áp dụng room tín dụng cho các ngân hàng thì chúng ta có khi đang bơi trong tiền, bởi dòng tiền lúc nào cũng chực chảy vào bất động sản là chính, mà không vào sản xuất - kinh doanh hay những lĩnh vực ưu tiên. Muốn bỏ room tín dụng, có lẽ phải đợi đến khi tất cả các tổ chức tín dụng thực thi nghiêm túc và đầy đủ Basel II, thậm chí là Basel III”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.

TS. Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, hiện là Phó trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội nêu quan điểm, trong ngắn hạn và ở thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý cần duy trì sử dụng biện pháp quản lý room tín dụng, bởi hai lý do.

Thứ nhất, mặt bằng “thể chất” của các tổ chức tín dụng chưa đồng đều. Số liệu cập nhật cho thấy, còn khá nhiều tổ chức tín dụng chưa hoàn thành 3 trụ cột của Basel II. Có 85 ngân hàng mới hoàn thành trụ cột 1, tức dừng lại ở việc “đo lường và đảm bảo mức độ an toàn vốn tối thiểu”, trong khi trụ cột 2 được xem khó thực hiện nhất là xây dựng “quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn” thì hầu như chưa thực hiện được. Theo đó, việc duy trì room tín dụng trong ngắn hạn đối với từng ngân hàng là cần thiết.

Thứ hai, trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, khiến chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa chưa thể khôi phục trở lại bình thường như trước. Rủi ro hiện hữu khi các cuộc xung đột đã và đang diễn ra ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là áp lực lạm phát. Hầu hết ngân hàng trung ương các nước đang phải áp dụng loạt biện pháp “chuyển trạng thái” từ nới lỏng sang thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.

“Những vấn đề trên gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng, đặc biệt khi chính sách tiền tệ vẫn đang phải đảm bảo duy trì đa mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, song phải đảm bảo hỗ trợ kinh tế phục hồi”, ông Tuấn Anh nói.

Theo ông Tuấn Anh, trên phương diện vĩ mô, có thể phải chấp nhận “hy sinh” một số mục tiêu để giữ vững sự ổn định trong dài hạn, kiểm soát lạm phát, duy trì phát triển các cân đối lớn của nền kinh tế. Ở thời điểm này, nếu bỏ ngay biện pháp quản lý room tín dụng thì nguy cơ có thể dẫn đến cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng, bởi nhu cầu cần sự tăng trưởng nhanh về vốn, tín dụng sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Tin bài liên quan