Việc được coi là hiển nhiên, nhưng hành trình thu hồi nợ của ngân hàng lại khó khăn và đầy rẫy hiểm nguy

Việc được coi là hiển nhiên, nhưng hành trình thu hồi nợ của ngân hàng lại khó khăn và đầy rẫy hiểm nguy

Nỗi trần ai thu hồi nợ

(ĐTCK) Có vay ắt phải có trả, đó là quy tắc hiển nhiên, đặc biệt, các hợp đồng tín dụng của ngân hàng luôn có các điều khoản rất chặt chẽ về nghĩa vụ trả nợ của khách hàng cũng như quyền thu hồi nợ của phía ngân hàng.

Ấy vậy mà, hành trình thu hồi nợ của nhân viên ngân hàng lại khó khăn và đầy rẫy nguy hiểm.

Hồi đầu năm nay, dư luận được một phen ồn ào khi một số tờ báo phản ánh việc một số khách hàng bị ngân hàng xiết nợ “chẳng khác gì cảnh trong phim xã hội đen”. Tâm điểm ồn ào thời điểm đó là VPBank, với việc niêm phong căn hộ tại tòa nhà 17T2, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nhưng trò chuyện với “người trong cuộc”, mới hiểu, nội tình câu chuyện lại không như những gì người ta dễ thấy. 

Chia sẻ với người viết bài này, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản VPBank (VPBank AMC) cho biết, trên cơ sở ủy thác của VPBank, VPBank AMC tiến hành xử lý khoản nợ xấu của khách hàng là ông Nguyễn Sỹ Minh và vợ là Lâm Thị Phương Thoa, là chủ căn hộ nói trên.

Vợ chồng ông Minh có khoản vay 5 tỷ đồng của VPBank từ ngày 11/6/2010, do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng nên khoản vay bị quá hạn kể từ ngày 5/9/2012. Từ đó đến năm 2015, VPBank đã nhiều lần đôn đốc, tạo điều kiện cho khách hàng này tự bán tài sản thế chấp hoặc sử dụng các nguồn khác để trả nợ, thậm chí, cho phép khách hàng chỉ phải trả 5,3 tỷ đồng nợ gốc và một phần nợ lãi và miễn giảm số còn lại lên tới hàng tỷ đồng. 

“Tuy nhiên, ông Minh và bà Thoa vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, VPBank đã quyết định chấm dứt việc cho vay, thu hồi toàn bộ dư nợ của khách hàng và xử lý tài sản thế chấp để thu nợ theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký và quy định tại Điều 95, Luật Các tổ chức tín dụng”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, ngày 4/4/2014, VPBank AMC đã có thông báo về việc yêu cầu tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm trước ngày 18/4/2014 gửi tới vợ chồng ông Minh, nhưng họ đã không thực hiện. Ngày 5/9/2014, VPBank AMC gửi thông báo về việc sẽ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm sau ngày 20/9/2014 gửi tới khách hàng này. Tiếp đến, ngày 26/2/2015, VPBank AMC gửi thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm tới vợ chồng ông Minh. Ngày 10/3/2015, VPBank AMC tiếp tục gửi thông báo về thời gian, địa điểm, thành phần dự kiến tham gia thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ tới khách hàng này.

Sau các thông báo trên, đến ngày 17/3, VPBank AMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là căn hộ số 1401, tòa nhà 17T2, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính của vợ chồng ông Minh. Thành phần tham gia buổi thu giữ gồm các cán bộ thu hồi nợ của VPBank AMC, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện UBND phường Trung Hòa và đại diện Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Nhưng khách hàng này không có mặt đúng giờ theo thông báo của Ngân hàng, mà chờ đến khi các cán bộ thu hồi nợ của VPBank và đại diện chính quyền địa phương tiến hành thu hồi nhà thì cùng nhiều người thân kéo về làm ầm ĩ lên và làm đơn tố cáo khắp nơi về việc ngân hàng “cưỡng đoạt tài sản”…

Với những nhân viên thu hồi nợ của các ngân hàng, tình huống trên đã thành “chuyện thường ngày ở huyện”, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, nợ xấu phát sinh rất nhiều. Thậm chí, theo luật sư Thiệu Ánh Dương, nhiều khách hàng không chỉ viết đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đi khắp nơi để bôi xấu uy tín, thương hiệu của ngân hàng, mà còn thuê đầu gấu, mang hàng ‘nóng’ đến đe dọa nhân viên thu hồi nợ.

“Đang đi đường bỗng nhiên bị ném đồ vật vỡ cả xe ô tô hay bị đẩy xuống sông, suýt chết đuối. Thậm chí, tự dưng bị một đám người lạ mặt lao vào xúc phạm, đấm đá…, những tình huống ấy nhân viên đi thu hồi nợ đều phải sẵn sàng đối mặt”, luật sư Thiệu Ánh Dương chia sẻ.

Không chỉ đối mặt với khó khăn, hiểm nguy khi gặp phải khách hàng “đầu gấu”, theo lãnh đạo phụ trách lĩnh vực xử lý nợ tại một ngân hàng, công tác xử lý nợ của ngân hàng còn vấp phải tâm lý cho rằng, phía bị xiết nợ là nạn nhân của chính những người đại diện cho cơ quan công quyền.

“Nhiều khách hàng khi bị xiết nợ làm ầm ĩ lên, nhưng chúng tôi quyết tâm đi đến cùng, để qua đó là tấm gương răn đe cho các trường hợp khác. Tuy nhiên, chỉ một cái vỗ vai từ lãnh đạo một cơ quan công quyền, rằng ‘cứ trả lại nhà cho người ta rồi từ từ tính tiếp’, thì mọi việc gần như quay trở lại giai đoạn đầu!”, vị lãnh đạo này than thở.

Nhân viên thu hồi nợ một ngân hàng kể: “Khách hàng nợ tiền quá hạn là giáo viên tại một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Hôm đến nhà khách hàng thu nợ, biết khách hàng của mình ở trong nhà đang tụ tập ăn uống cùng với đồng nghiệp nhưng gọi mãi không chịu ra. Thấy gọi riết quá, một đồng nghiệp của khách hàng chạy ra bảo chủ nhà đi vắng rồi!”.

“Ngân hàng thu hồi nợ, trần ai có ai hay!?”, vị lãnh đạo này than.

Tin bài liên quan