“Nóng” chuyện đầu tư, góp vốn mùa đại hội

“Nóng” chuyện đầu tư, góp vốn mùa đại hội

(ĐTCK) Mùa đại hội năm nay đến trễ hơn mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song không vì thế mà thiếu đi những “điểm nóng” và một trong số đó là hoạt động đầu tư - góp vốn tại doanh nghiệp.

Từ câu chuyện của PRT

Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (PRT) dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào ngày 12/6 tới.

Theo báo cáo của HĐQT PRT, năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.674 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300,9 tỷ đồng, vượt lần lượt 127% và 130% kế hoạch đề ra.

Đóng góp vào kết quả tích cực này là nhờ khoản cổ tức hơn 557 tỷ đồng mà PRT nhận được từ các công ty con và công ty liên kết, trong đó đáng kể nhất là khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Quốc tế Protrade, vượt hơn 140 tỷ đồng so với kế hoạch do giá cho thuê đất khu công nghiệp tăng đột biến.

Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính Công ty mẹ PRT, doanh thu và lợi nhuận đều giảm so với kế hoạch, lần lượt là 17 tỷ đồng và 66 tỷ đồng.

PRT giải trình nguyên nhân là do Công ty đóng cửa Nhà máy Nước đá Dĩ An nên doanh thu giảm, trong khi giá vốn hàng bán tăng cao, đặc biệt là chi phí tài chính tăng mạnh do phải trích lập dự phòng giảm giá khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết (hơn 325 tỷ đồng).

Liên quan tới hoạt động đầu tư, một trong những vấn đề cổ đông PRT rất quan tâm là thương vụ nhận chuyển nhượng 19% cổ phần CTCP Đầu tư xây dựng Tân Thành từ thời lãnh đạo cũ là ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT - đang bị điều tra hình sự về tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí).

Năm 2019, PRT đã đàm phán để hủy hợp đồng này. Tổng số tiền phải thu lại của 2 hợp đồng chuyển nhượng (4% từ CTCP Hưng Vượng và 15% của ông Đặng Công Thanh) là 867,7 tỷ đồng.

Theo báo cáo cập nhật ngày 21/5/2020 của Ban Tổng giám đốc PRT, tính đến ngày 30/4/2020, ông Đặng Công Thanh đã thanh toán 250 tỷ đồng, số tiền phải thu còn lại là 617 tỷ đồng.

Do giá trị hợp đồng lớn, lại không có tài sản đảm bảo (riêng hợp đồng của ông Thanh còn liên quan đến việc bảo lãnh từ Công ty TNHH Phát triển Tân Thành), nên cổ đông lo ngại việc thu hồi toàn bộ khoản nợ có thể xảy ra tranh chấp.

Nhìn lại những bài học cũ

Thực tế, hoạt động đầu tư, góp vốn, chuyển nhượng cổ phần có thể mang lại những khoản lợi nhuận kếch sù, song cũng có thể gây thua lỗ lớn, dẫn đến việc “cơm chẳng lành” và hậu quả có thể kéo dài.

Đơn cử, CTCP Cảng Quảng Ninh từng vất vả “đáo tụng đình” để làm rõ khoản góp vốn của Tổng công ty Xây dựng thương mại (Viettracimex) tại CTCP Thương mại và du lịch Ngôi sao Hạ Long.

Hai doanh nghiệp đã hợp tác cùng 4 đối tác khác để đầu tư xây dựng khách sạn 3 sao tại số 6 Lê Thánh Tông, thông qua việc thành lập Công ty Ngôi sao Hạ Long, vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Cảng Quảng Ninh góp vốn bằng quyền sử dụng đất số 6 Lê Thánh Tông.

Quá trình góp vốn, có 2 công ty đề nghị Vietracimex góp vốn thay và Vietracimex chỉ chuyển khoản 27 tỷ đồng.

Nhập nhèm trong việc góp vốn và chuyển tiền đền bù đất, Vietracimex bị hủy tư cách cổ đông tại Ngôi sao Hạ Long.

Dẫu vậy, Cảng Quảng Ninh không dễ dàng đòi lại 12 tỷ đồng là tiền đền bù đất tại số 6 Lê Thánh Tông bởi Vietracimex và Ngôi sao Hạ Long được coi là “người một nhà”.

Một trường hợp khác là Công ty TNHH Đioxit Titan, được UBND tỉnh Bình thuận chuyển đổi từ hình thức đầu tư liên doanh sang tổ chức 100% vốn trong nước từ năm 2010.

Theo giấy phép đăng ký năm 2012, vốn điều lệ Công ty là 5 triệu USD (tương đương 80 tỷ đồng, tỷ giá được xác định tại Điều lệ Công ty năm 2010), gồm 3 cổ đông, trong đó Công ty TNHH Lê Công Kiều góp 2 triệu USD (chiếm 40% vốn). Dự kiến tiến độ góp vốn đến ngày 29/12/2011 thì hoàn thành.

Từ năm 2012 đến nay, Công ty Lê Công Kiều chỉ góp 240 triệu đồng. Công ty Đioxit Titan khởi kiện yêu cầu hủy tư cách của cổ đông này.

Quá trình tố tụng, Công ty Lê Công Kiều cho rằng đã góp 1,8 tỷ đồng thông qua chuyển khoản và giao tiền mặt cho ông Lê Hồng Lâm (là người đại diện theo pháp luật của Công ty Đioxit Titan giai đoạn 2010-2012).

Tuy nhiên, công ty này không có chứng cứ chứng minh việc đưa tiền để góp vốn. Tại ngày 25/4/2012, ông Lâm đã rút hết vốn và không còn làm việc tại Công ty Đioxit Titan.

Viện kiểm sát có ý kiến dành quyền khởi kiện cho Công ty Lê Công Kiều với ông Lâm về số tiền trên. Công ty Đioxit Titan lập hồ sơ chuyển cơ quan công an tiến hành tố tụng hình sự với vị này.

Sau khi xem xét, tòa án xác định Công ty Lê Công Kiều đã góp vốn 240 triệu đồng và phải tiếp tục góp số vốn còn lại theo cam kết. Tòa án không đề cập đến các nội dung khác vì không thuộc nội dung vụ kiện.

Hay tại CTCP Đầu tư đô thị Kang Long, doanh nghiệp này đã xóa tư cách cổ đông lớn của CTCP Thương mại địa ốc Thế giới Lê vào năm 2017 vì cho rằng chưa góp vốn.

Khi tòa án giải quyết thì mới “vỡ lẽ” lãnh đạo doanh nghiệp đã xác nhận việc chuyển nhượng cổ phần, nhưng hợp đồng chỉ là hình thức.

Hiện nay, doanh nghiệp đã chú trọng hơn việc minh bạch thông tin, bao gồm cả hoạt động đầu tư - góp vốn, nhưng vẫn có không ít trường hợp cổ đông chỉ tỏ tường khi cơ quan điều tra vào cuộc hoặc xảy ra cuộc chiến pháp lý tại chốn công đường. Đây cũng là lý do vì sao những giao dịch bất thường luôn là “điểm nóng” tại các kỳ đại hội.

Tin bài liên quan