Nhu cầu sử dụng thiết bị sản xuất đã qua sử dụng 
đang tăng, đặc biệt với những ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn

Nhu cầu sử dụng thiết bị sản xuất đã qua sử dụng đang tăng, đặc biệt với những ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn

“Nóng” với dự thảo hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ

(ĐTCK) Một trong những vấn đề nóng bỏng được hầu hết các doanh nghiệp tập trung nêu tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ 2015 vừa diễn ra là việc Bộ Khoa học và Công nghệ hầu như giữ nguyên quan điểm về  hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Năm ngoái, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 20 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2014. Quá trình triển khai thực hiện gây ra nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp, do đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm ngừng thực hiện Thông tư 20 để lấy ý kiến của các bên liên quan, trong đó có các doanh nghiệp nhập khẩu. Hiện tại, Thông tư 20 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng lại, dự kiến chuẩn bị ban hành.

Tuy nhiên, các DN cho rằng, dự thảo văn bản mới có những tiêu chuẩn chưa cụ thể, rõ ràng, cùng những hạn chế chưa được tiếp thu sửa đổi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Theo bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Bộ Khoa học và Công nghệ muốn khuyến khích việc đưa máy móc mới vào sản xuất tại Việt Nam, nhưng những hạn chế tại dự thảo có thể phản tác dụng, hạn chế đầu tư. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thiết bị sản xuất đã qua sử dụng đang tăng, đặc biệt với những ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn.

“Nhà đầu tư có thiết bị đã sử dụng có chất lượng tốt thường muốn chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam. Do đó, thay vì hạn chế nhập khẩu máy móc cũ, có thể đưa ra chính sách ưu đãi thuế với DN đầu tư mới, để khuyến khích sử dụng dây chuyền sản xuất mới”, bà Sherry Boger nói.

Đồng tình quan điểm này, ông Nestor Scherby, Chủ tịch Ủy ban Thuận lợi hóa thương mại và hải quan, Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định, những hạn chế mới của dự thảo Thông tư có khả năng gây tác động ngược lại so với dự định của cơ quan quản lý. Ông Scherby đưa ra một ví dụ để dẫn chứng cho nhận định này, đó là trong khi máy dập khuôn, các công cụ chuyên dụng và các thiết bị khác hầu như vẫn còn mới, thì máy đóng dấu và nhiều thiết bị, máy móc được sử dụng đã có tuổi thọ nhiều năm, thậm chí vượt xa những giới hạn 10 năm hay 80% chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu như dự thảo Thông tư quy định.

“Sẽ hiệu quả hơn nếu đưa ra các quy định ưu đãi về thuế và hải quan cho hoạt động đầu tư các thiết bị công nghệ mới. Những quy định hạn chế hiện tại có thể ngăn cản hoạt động đầu tư và nhập khẩu vì phạm vi rộng của các mã phân loại hải quan sẽ có ảnh hưởng lớn tới một số lượng đối tượng điều chỉnh rất rộng gồm các thiết bị cần nguồn vốn dài hạn, các bộ phận và linh kiện”, ông Scherby nói.

Xét về hiệu quả kinh tế, theo phân tích của ông Scherby, việc nhà đầu tư sử dụng máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có chất lượng cao nhanh và hiệu quả hơn về mặt chi phí so với đặt hàng một hệ thống máy móc, thiết bị mới do hệ thống các máy móc này đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định để thích ứng với hoạt động ở mức chi phí lớn hơn. Để chứng minh cho nhận định này, ông Scherby dẫn báo cáo kết quả nghiên cứu của một công ty ở California chuyên về thiết bị chế tạo bán dẫn, theo đó, chi phí khi mua hàng đã qua sử dụng trung bình chỉ khoảng 50% so với mua mới.

“Trong thời đại hiện nay của các thiết bị trị giá hàng triệu USD, chi phí tiết kiệm khi mua máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có thể lên tới 50%. Vì vậy, việc tiết kiệm chi phí tiếp tục là một động lực chính và nhân tố chủ đạo trong quá trình xem xét đầu tư máy móc, trong khi đó các nhân tố khác như quy trình lắp đặt, sự sẵn có của các phụ tùng, bảo trì, dịch vụ, chất lượng, đào tạo và an toàn cũng đang nổi lên và dần đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn”, ông Scherby cho biết.

Ở góc độ khác, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) Ryu Hang Ha cho rằng, Thông tư 20 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến để sửa lại, nhưng quy định gây tranh cãi về tiêu chuẩn kỹ thuật được coi là tiêu chí đánh giá chất lượng và thời gian sử dụng còn lại vốn là cơ sở để xem xét cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng vẫn không được bổ sung và chỉnh sửa hợp lý. Theo ông Ryu Hang Ha, hiện chưa có quy định rõ ràng về quy chuẩn để thẩm định thời gian đã sử dụng và chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Ngoài ra, một số chỉ số, tiêu chuẩn của sản phẩm được xem là bí mật kinh doanh, nên bên nhập khẩu cũng khó tiếp cận. Do đó, vị đại diện KoCham kiến nghị, Thông tư nên quy định cụ thể và chính xác các tiêu chuẩn thẩm định máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

“Việc áp dụng một tiêu chuẩn cho tất cả các loại máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ là không hợp lý”, ông Ryu Hang Ha nhận xét.

Trước các quan ngại của cộng đồng DN, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, Bộ đã tham vấn và lắng nghe ý kiến của các DN về Thông tư 20, trong năm nay sẽ ban hành Thông tư thay thế.

“Thực tế là nước nào cũng cần có rào cản kỹ thuật để bảo vệ hoạt động sản xuất của DN. Chúng tôi không chấp nhận máy móc, thiết bị lạc hậu bị loại bỏ nước khác được nhập về nước mình. Nếu DN vì lợi ích trước mắt mà nhập khẩu sẽ không thể tăng sức cạnh tranh”, Bộ trưởng Quân nhấn mạnh và cho biết, Thông tư mới sẽ giải quyết vấn đề quan ngại của các DN.

Cụ thể, đối với dự án FDI vào Việt Nam, nếu trong dự án đã có trình bày về dây chuyền thiết bị công nghệ đã sử dụng được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì không cần có bước giám định chất lượng và thời hạn sử dụng thiết bị đó nữa. Còn máy móc, thiết bị được nhập khẩu sau dự án đầu tư thì DN được lựa chọn 1 trong 2 tiêu chí bao gồm thời hạn sử dụng dưới 10 năm, chất lượng còn lại của thiết bị đạt trên 70%, trong đó khuyến khích DN có chứng thư giám định của cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trước khi nhập vào Việt Nam để thông quan thuận lợi, sẽ tạo điều kiện chấp nhận cho thông quan trước, kiểm tra sau, nếu DN cam kết chấp hành luật pháp, để DN có thể lắp ráp dây chuyền máy móc, thiết bị kịp tiến độ. Nếu không đúng cam kết thì phải chịu mọi phí tổn theo cam kết. DN khi nhập khẩu không mất thời gian chờ đợi giám định thông quan.             Hiếu Minh

Cần phân loại tiêu chí đối với máy móc khác nhau để có danh mục niên hạn hợp lý

Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam

Việc quy định niên hạn không quá 10 năm đối với tất cả máy móc, thiết bị của các ngành khác nhau là không hợp lý. Đơn cử, trong ngành in, những loại thiết bị sắp chữ, dàn trang, phim ảnh kỹ thuật số hoặc máy in kỹ thuật số thì chỉ sau 5 năm đã có thể thanh lý.

Trong khi đó, các loại máy in truyền thống như in offset, in ống đồng, in flexo hoặc máy gia công có xuất xứ từ Đức, Nhật Bản hay Mỹ, Italia thì 20 năm hoặc hơn vẫn dùng tốt.

Mặt khác, một số mặt hàng in ấn không đòi hỏi chất lượng cao, nhất là ở địa phương, như in giấy tờ hành chính thông thường, hoặc báo địa phương không đòi hỏi máy in quá hiện đại, thậm chí chỉ cần 10 năm sử dụng, vì lý do kinh tế và vượt quá yêu cầu chất lượng của sản phẩm.

Vì vậy, tiêu chí niên hạn không quá 10 năm sử dụng trong ngành in là cứng nhắc, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Do đó, kiến nghị Ban soạn thảo Thông tư phân loại yêu cầu đối với các loại máy móc khác nhau để ban hành danh mục máy móc, thiết bị với niên hạn hợp lý hơn.

Cần có tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng và phù hợp với từng chủng loại máy móc, thiết bị

Đại diện Công ty Luật Duane Morris

Dự thảo Thông tư 20 sửa đổi đưa ra 2 tiêu chí chính đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu gồm độ mới/chất lượng còn lại và/hoặc thời gian sử dụng. Hai tiêu chí này có thể được áp dụng riêng lẻ hoặc song song tùy thuộc vào lĩnh vực, ngành nghề khác nhau của các DN với căn cứ tại dự thảo Thông tư là chất lượng còn lại tối thiểu là 80% và thời gian sử dụng không quá 10 năm.

Về vấn đề này, cách đánh giá chất lượng còn lại vẫn còn gây tranh cãi giữa các chuyên gia. Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải từng thừa nhận trên các phương tiện truyền thông là Cục khó có thể đánh giá được 80% chất lượng còn lại như thế nào.

Trên thực tế, chất lượng còn lại là một khái niệm mơ hồ và cách thức đánh giá có thể khác nhau giữa các đơn vị đánh giá địa phương, nơi mà trình độ chuyên môn vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.

Bên cạnh đó, chúng tôi lo ngại các vướng mắc tồn đọng từ dự thảo trước cũng như từ Thông tư 20 cũ bị lặp lại tại dự thảo lần này. Nội dung gây tranh cãi nhiều nhất là tiêu chuẩn ấn định về chất lượng còn lại và thời gian sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng. Bởi lẽ, mỗi DN có thể có nhu cầu về thương mại và kỹ thuật khác nhau đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền đã qua sử dụng.

Ví dụ, một thiết bị mới của Trung Quốc hầu như không thể có cùng chất lượng như thiết bị đã qua sử dụng của châu Âu. Các chủng loại thiết bị, máy móc khác nhau về điện tử, bán dẫn, cơ học sẽ có vòng đời khác nhau và theo đó nên áp dụng các mức yêu cầu khác nhau về chất lượng còn lại, thời gian sử dụng, Do đó, cần có tiêu chuẩn khác nhau đối với máy móc, thiết bị sản xuất tại các nước có trình độ sản xuất khác nhau.

Tin bài liên quan