Moya Greene, nữ CEO đầu tiên và là CEO nước ngoài đầu tiên của của Royal Mail

Moya Greene, nữ CEO đầu tiên và là CEO nước ngoài đầu tiên của của Royal Mail

Nữ CEO mạnh tay tư nhân hoá Royal Mail

(ĐTCK) Ngày 15/10/2013, Royal Mail, doanh nghiệp nhà nước của Vương quốc Anh chuyên cung cấp dịch vụ bưu chính đã chính thức thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở GDCK London (Anh).

Cổ phiếu Royal được chào bán với giá là 3,30 bảng Anh/cổ phiếu (5,28 USD/cổ phiếu) và tại thời điểm đóng cửa, đứng ở mức 4,55 bảng Anh/cổ phiếu. Mức cổ phiếu tăng cao như vậy phần nào đã chứng minh sự thành công của IPO này. Tất nhiên, có ý kiến cho rằng, do cổ phiếu của Royal Mail được định giá thấp, nên mới có mức tăng ấn tượng như vậy. Song dẫu sao thì giá trị vốn hoá thị trường của Royal Mail hiện là 4,8 tỷ bảng Anh, cao hơn nhiều so với dự tính ban đầu, chỉ là 3,3 tỷ bảng Anh.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại đánh giá thành công của IPO này ở một góc độ khác. Theo họ, một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, vốn rất khó sinh lời lớn trong bối cảnh công nghệ cao hiện nay, cuối cùng cũng đã được tư nhân hoá.  

Được Vua Henry VIII thành lập vào năm 1512, tức là đã có bề dày  lịch sử hơn 500 năm, Royal Mail là một trong những doanh nghiệp quốc doanh già cỗi nhất nước Anh, thể hiện sự bảo thủ lớn khi nhiều lần thành công trong việc chống lại tư nhân hoá. Một phần có lẽ cũng do cái tên Hoàng gia (Royal) của nó. Song cuối cùng, bà Moya Greene, 59 tuổi, quốc tịch Canada, Giám đốc điều hành (CEO) Royal Mail đã thực hiện thành công việc đưa Royal Mail trở thành công ty đại chúng. Điều đáng chú ý nhất và đáng ghi nhận, đó là bà là CEO nữ đầu tiên và cũng là CEO nước ngoài đầu tiên của Royal Mail.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, việc tư nhân hoá Royal Mail là tín hiệu tích cực cho toàn bộ mảng bưu chính ở Anh. TNT Post UK, đối thủ lớn nhất của Royal Mail tại Anh đã lên kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới chuyển phát thư, bưu kiện trên toàn nước Anh trong vòng 5 năm tới cũng thừa nhận rằng, việc tư nhân hoá Royal Mail sẽ giúp nâng cấp “sân chơi” chung. TNT Post UK là chi nhánh của PostNL, công ty cung cấp dịch vụ bưu chính Hà Lan. PostNL đã có cổ phiếu niêm yết tại Sở GDCK Amsterdam (Hà Lan) từ năm 1994.

Ông Jonathan Harman, CEO Hãng nghiên cứu thị trường MarketReach (Anh) cho rằng, việc tư nhân hóa Royal Mail sẽ đem lại luồng gió mới cho mảng dịch vụ bưu chính của Anh. Cơ hội tiếp cận nguồn vốn bên ngoài và các nguồn đầu tư khác nhau sẽ làm cho Royal Mail có trách nhiệm hơn và tạo ra động lực đổi mới cho chính Công ty này.

Thực ra, Royal Mail mới được tư nhân hoá một phần, bởi Chính phủ Anh vẫn là cổ đông lớn nhất (nắm 37,8% cổ phần); 10% cổ phần tiếp theo do đội ngũ nhân viên (gồm 150.000 người) sở hữu và số còn lại được bán cho các nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức, như các quỹ hưu trí, các quỹ đầu tư, các tập đoàn bảo hiểm…

Vậy IPO đã xong, song không phải mọi chuyện đều “thông đồng bén giọt” với Royal Mail. Ngay trong ngày 16/10, Công đoàn Truyền thông Anh (CWU) đã kêu gọi công nhân Royal Mail bãi công vào ngày 4/11 trong vòng 24 giờ đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Đây sẽ là cuộc bãi công trên quy mô toàn quốc của lao động ngành bưu chính Anh trong vòng gần 4 năm qua.

Ông Dave Ward, Phó tổng thư ký CWU khẳng định: “Người lao động ở Royal Mail quan tâm nhiều đến việc làm, điều kiện làm việc hơn là cổ phiếu”.

Theo nhiều nhà phân tích, tổ chức công đoàn đang muốn sức ép với bà Moya Greene để bà chùn tay trước việc cắt giảm lao động và đóng cửa một số bưu cục làm ăn kém hiệu quả trong tương lai. Do nắm được thông điệp này, nên bà tuyên bố sẽ thoả thuận với công đoàn về nhiều vấn đề sau khi tư nhân hoá Royal Mail.

Có lẽ ở đây cũng nên nói sơ qua về CV của bà Moya Greene.

Sinh ra tại Newfoundland (Canada), bà có 2 bằng đại học về văn và luật, từng làm công chức trong 7 cơ quan của Chính phủ Canada. Trong đó, chức cao nhất là thư ký cho Thứ trưởng Bộ Giao thông Canada , khi Chính phủ tư nhân hoá doanh nghiệp đường sắt CN Rail. Sau khi chuyển ra làm việc cho khu vực tư nhân, bà lần lượt làm việc cho Công ty chứng khoán TD Securities; Ngân hàng Canadian Imperial Bank of Commerce, rồi chuyển sang Tập đoàn công nghiệp Bombardier, đều là các doanh nghiệp của Canada. Năm 2005, bà làm CEO Canada Post, doanh nghiệp bưu chính của Canada .

Tháng 7/2010, bà được mời về làm CEO cho Royal Mail. Tại đây, bà đã xây dựng kế hoạch tư nhân hoá Royal Mail một cách chi tiết, bài bản và được Chính phủ Anh cũng như Ban lãnh đạo Royal Mail ủng hộ.

Sau phiên giao dịch đầu tiên của Royal Mail, bà Moya Greene phát biểu: “Royal Mail đã bước sang trang mới. Với sự ủng hộ của các cổ đông mới, chúng ta có điều kiện thuận lợi để tiến lên phía trước, cạnh tranh một cách hiệu quả và phát triển bền vững”.