Nút thắt trả tiền thuê đất một lần hay hàng năm

Nút thắt trả tiền thuê đất một lần hay hàng năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thu hẹp các trường hợp cho phép thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Theo một số chuyên gia, điều này đang tạo nút thắt đối với phát triển đất cho ngành du lịch.

Cụ thể, theo khoản 2, khoản 3 Điều 120 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê rất hạn chế, chỉ bao gồm sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Các trường hợp khác (ngoài trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất) như sử dụng đất làm dự án thương mại, dịch vụ, du lịch, kinh doanh…, Nhà nước đều cho thuê đất trả tiền hàng năm.

Về vấn đề này, tại Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/10, các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp… đã có nhiều ý kiến góp ý.

Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/10. Ảnh: Dũng Minh

Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/10. Ảnh: Dũng Minh

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết, về chính sách thuê đất, doanh nghiệp đề xuất chia 2 loại, đất A chủ yếu phục vụ cho du lịch, đất B gọi là đất hỗ trợ du lịch. Khái niệm này dễ thấy tại các resort, đất xây nơi ở thì ít nhưng các khu phục vụ, cây cối, cảnh quan… thì rất nhiều. Như vậy diện tích đất A có thể trả tiền một lần, đất B thu tiền hàng năm.

"Tiền thuê đất này nên tính tới việc khu đất A ở mức cao, khu đất B ở mức thấp hơn… điều này khuyến khích các khu du lịch phát triển xanh, bền vững…", ông Chính chia sẻ.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, việc trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhằm tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, bởi chi phí thuê đất là thành tố quan trọng để xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh.

“Nếu các chủ đầu tư chưa thể tính toán được các giá trị tổng đầu tư, cũng như khó khăn về vấn đề sở hữu (Cấp giấy chứng nhận đầu tư…) thì không tính toán được hết các kịch bản, cũng như khó có thể kêu gọi đầu tư. Phải tính toán thật kỹ nếu không rào cản cũ chưa tháo được lại thêm rào cản mới”, ông Đính cho biết.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia chia sẻ, về vấn đề dự án thuộc diện trả tiền thuê đất một lần hay hàng năm, mỗi một phương án đều có ưu nhược điểm, Nghị quyết 18 khuyến khích về cơ bản nên trả tiền thuê hàng năm. Đây là tư duy tài chính đảm bảo nguồn thu ngân sách hàng năm, nhưng rõ ràng có yếu điểm là chủ đầu tư không tính toán được chi phí, không thể thế chấp vay vốn…

"Theo tôi nên để chủ đầu tư đàm phán với địa phương", ông Lực góp ý.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng chưa nhận được những ưu đãi tương xứng.

Ths. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản chia sẻ, về cơ chế miễn giảm tiền sử dụng đất cho người sử dụng đất thương mại - dịch vụ, chúng ta so sánh với dự án bất động sản khu công nghiệp thì doanh nghiệp có thể miễn tiền thuê đất trong một số năm. Tư duy này có thể áp dụng cho bất động sản du lịch, bởi đây cũng là các dự án có khả năng lan toả, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội.

Tin bài liên quan