Khu vực thôn Áng Sơn (xã Vạn Ninh), nơi có 2 nhà máy xi măng gây ô nhiễm cho người dân.

Khu vực thôn Áng Sơn (xã Vạn Ninh), nơi có 2 nhà máy xi măng gây ô nhiễm cho người dân.

Ô nhiễm tại hai nhà máy xi măng ở Quảng Bình

Các hộ dân tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) sống gần 2 nhà máy xi măng đang hàng ngày phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường. Họ mong muốn được tái định cư về nơi ở mới, nhưng việc này đang gặp vướng mắc khó giải quyết.

Vừa khói bụi, vừa mất an toàn

Thời gian qua, nhiều hộ dân thôn Áng Sơn sống tại khu vực dọc trục đường vào Nhà máy Xi măng Áng Sơn của Công ty cổ phần Cosevco 6 và Nhà máy Xi măng Vạn Ninh của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân, liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.

Theo các hộ dân, tình trạng ô nhiễm do hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa tại các nhà máy xi măng đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ.

Ông Nguyễn Văn Tình, một người dân thôn Áng Sơn cho biết, nhà ông đối diện cổng vào nhà máy xi măng của Công ty Cosevco 6. Hàng ngày, khói bụi từ hoạt động của nhà máy gây rất nhiều phiền toái cho sinh hoạt của gia đình.

Ông Phan Xuân Hào, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho biết, các kết quả quan trắc, kiểm tra, đánh giá được Sở thực hiện nhiều lần, từ đột xuất cho đến theo kế hoạch cụ thể, được máy móc ghi lại tự động, với sự giám sát của địa phương và chính các hộ dân, nên hết sức khách quan.Bên cạnh việc quan trắc, giám sát, Sở cũng có ý kiến đối với các nhà máy về việc thực hiện đầu tư cải tiến kỹ thuật nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường.

“Những hộ nằm trong bán kính chưa đầy 1 km bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động sản xuất của nhà máy. Bầu không khí vô cùng ngột ngạt vì khói bụi, nhất là vào mùa nắng nóng”, ông Tình cho hay.

Tương tự, anh Bùi Mạnh Hùng, một hộ dân khác chia sẻ, không chỉ ô nhiễm do khói từ nhà máy thải ra, mà người dân sinh sống trong khu vực còn phải đối mặt với ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm bụi.

“Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu 2 nhà máy sản xuất xi măng phải giảm thiểu ô nhiễm, nhưng tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cơ quan chức năng về việc đền bù di dời các hộ dân trong khu vực ô nhiễm để chúng tôi có điều kiện ổn định cuộc sống”, anh Hùng nói.

“Đã có nhiều người dân địa phương sinh sống trong phạm vi ảnh hưởng của 2 nhà máy bị mắc bệnh nan y. Do vậy, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sớm được di chuyển về nơi ở mới, nơi có môi trường đảm bảo tốt hơn”, bà Nguyễn Thị Thủy, một hộ dân tại thôn Áng Sơn bức xúc.

Được biết, hàng ngày có gần trăm lượt xe ô tô tải ra vào các nhà máy. Điều này còn dẫn đến tình trạng bụi đường mù mịt, đường sá xuống cấp, cũng như gây nguy cơ mất an toàn giao thông trên tuyến.

Vướng mắc cơ chế

Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, xã đã có đề xuất xây dựng khu tái định cư và hướng dẫn các hộ dân đăng ký. Hiện nay, khu tái định cư đang triển khai xây dựng.

Theo đó, dự án xây dựng khu tái định cư được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2022, do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh làm chủ đầu tư.

UBND huyện Quảng Ninh thông tin, hiện dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và đang triển khai thi công nền đường, hệ thống thoát nước và san nền theo tiến độ giải ngân vốn hàng năm của tỉnh.

Đối với phương án bố trí tái định cư, UBND xã Vạn Ninh đã tổ chức làm việc với các hộ dân để rà soát lại nhu cầu, nguyện vọng của các hộ. Qua báo cáo của UBND xã Vạn Ninh, có 14 hộ đăng ký di dời đến nơi tái định cư, 1 hộ vẫn muốn ở lại chỗ cũ.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay nằm ở việc địa phương không thể ban hành thông báo thu hồi, tổ chức kiểm đếm, định giá bồi thường giải phóng mặt bằng đất của các hộ dân có nguyện vọng tái định cư, do không xác định được cụ thể lý do thu hồi. Trước đó, theo tính toán của cơ quan chuyên môn huyện, nguồn kinh phí dự kiến để di dời, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân sơ bộ khoảng 18,1 tỷ đồng.

Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, để làm cơ sở cho việc xác định mục đích thu hồi đất, huyện đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra, đánh giá, xác định mức độ ô nhiễm môi trường tại khu dân cư thôn Áng Sơn (áp dụng theo Điều 65, Luật Đất đai 2013 với khu vực có nguy cơ đe doạ tính mạng). Tuy nhiên, kết quả quan trắc từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mức độ ô nhiễm môi trường tại các nhà máy vẫn trong tiêu chuẩn cho phép. Bởi thế, không có cơ sở để thu hồi đất và bồi thường cho bà con.

“Các hộ có mong muốn di dời sang khu tái định cư, nhưng vẫn muốn được bồi thường phần đất ở hiện tại. Mà cơ chế thì không cho phép huyện hay tỉnh thực hiện việc bồi thường di dời giải phóng mặt bằng. Phương án tốt nhất là nhà đầu tư tự xem xét thỏa thuận mua lại diện tích đất ở của các hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 2 nhà máy đang gặp khó, đặc biệt đối với nhà máy xi măng của Công ty Cosevco 6 đã được thông báo bán đấu giá nhiều lần, song vẫn chưa có nhà đầu tư nào mua lại”, ông Đông cho hay.

Cũng theo ông Đông, trước đây (năm 2014), Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân từng chi trả hơn 30 tỷ đồng bồi thường để di dời 25 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở đá tại Nhà máy Xi măng Vạn Ninh. Đối với 15 hộ dân còn lại, sinh sống ở khu vực sát Nhà máy Xi măng Áng Sơn của Công ty Cosevco 6, nên Vicem Hải Vân không đồng ý chi trả.

Tin bài liên quan