Oằn lưng trong “cơn bão” giá - Bài 6: Nhà thầu dự án đầu tư công “giật gấu vá vai”

0:00 / 0:00
0:00
Không chỉ nhà thầu xây dựng dự án tư nhân, đến cả nhà thầu xây dựng dự án đầu tư công cũng kiệt sức vì cơn bão giá vật liệu xây dựng. Khi những dự án trọng điểm yêu cầu phải đảm bảo tiến độ, các nhà thầu đành “nghiến răng” đi vay để đáp ứng.
Nhà thầu thi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang lao đao vì giá vật liệu tăng quá cao. Ảnh: Lê Toàn

Nhà thầu thi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang lao đao vì giá vật liệu tăng quá cao. Ảnh: Lê Toàn

Bài 6: Nhà thầu dự án đầu tư công “giật gấu vá vai”

Không chỉ nhà thầu xây dựng dự án tư nhân, đến cả nhà thầu xây dựng dự án đầu tư công cũng kiệt sức vì cơn bão giá vật liệu xây dựng. Khi những dự án trọng điểm yêu cầu phải đảm bảo tiến độ, các nhà thầu đành “nghiến răng” đi vay để đáp ứng.

Gồng mình xoay xở

Khác với nhà thầu xây dựng làm các dự án tư nhân, khi giá vật liệu tăng cao, có thể đàm phán tạm dừng dự án chờ giá vật liệu giảm, nhưng với các nhà thầu dự án đầu tư công thì không thể làm như vậy.

Trên công trường Dự án cao tốc Bắc - Nam, các nhà thầu đang phải gồng mình xoay xở để thi công vì đây dự án trọng điểm quốc gia không thể chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc Vinaconex (nhà thầu đang thi công 5 đoạn cao tốc Bắc - Nam) cho biết, khi giá xăng tăng, vật liệu xây dựng leo thang lên mặt bằng giá mới. Thời điểm hiện nay, giá đất đắp tăng 35 - 45%; cát tăng 25 - 30%; giá nhựa đường tăng 30 - 40%; giá đá sản xuất bê tông nhựa tăng 50 - 60%; giá đá dăm loại I tăng 25 - 35%…

Chúng tôi giờ đây chỉ trông chờ vào các chính sách của Nhà nước để giảm giá xăng dầu và các loại vật liệu xây dựng. Nếu tình trạng tăng giá vật liệu tiếp tục kéo dài thêm 6 tháng nữa thì doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi không thể trụ nổi.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Huy

“Giá cả các loại vật liệu đã tăng từ 20% đến 30% so với giá trị hợp đồng (đã trừ dự phòng). Giá lên theo xăng mà giờ không chịu hạ xuống dù xăng giảm. Do giá cả biến động quá lớn, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn thành theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu, đó là đã tính cả hệ số hao hụt”, ông Tới lo lắng.

Cùng chung tình cảnh, ông Lê Trung Vĩnh, Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu XL03, Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Công ty Trung Chính) cho biết, tại gói thầu XL03, nhà thầu Trung Chính đang lỗ khoảng 20% do giá cả vật liệu tăng chóng mặt từ đầu năm đến nay.

“Khi giá xăng giảm, nhà thầu chỉ được giảm giá chút ít ở khâu vận chuyển, còn giá vật liệu vẫn đứng im”, ông Vĩnh nói.

Nghịch lý giữa thực tế và hệ số bù giá

Không chỉ gặp khó khăn do giá vật liệu tăng cao, công thức điều chỉnh giá của hợp đồng cũng có nhiều bất cập. Tại gói thầu mà Cienco 4 thi công, ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 cho biết, nhiều địa phương có dự án cao tốc đi qua như Nghệ An, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai… công bố giá chỉ phù hợp cho các công trình đường bộ có quy mô nhỏ ở địa phương, còn đối với đường cao tốc tiêu chuẩn kỹ thuật cao, họ vẫn áp dụng giá cho đường địa phương là không phù hợp.

Nếu tính theo nguồn chỉ số giá các địa phương, bình quân hệ số bù giá cho gói thầu kể từ thời điểm khởi công đến quý II/2022 khoảng 1,03 - 1,09 (tương ứng tăng 3 - 9%), chỉ tính riêng biến động của một số loại vật liệu chính thực tế đã là 20 - 30%.

Không chỉ vậy, theo nhiều nhà thầu, sau đại dịch Covid-19, nhân công vận hành máy, nhân công kỹ thuật và lao động phổ thông rất thiếu, dẫn tới giá nhân công tăng.

Chưa kể, với cơn bão giá nhiên liệu từ quý I/2022 đến nay, chi phí sinh hoạt thực tế của công nhân cũng vọt lên, gấp nhiều lần trước đây.

Thế nhưng, hiện tại, nhiều địa phương vẫn đưa ra đơn giá nhân công như thời điểm năm 2019, điều này khiến nhà thầu chịu thiệt thòi.

Không chỉ các nhà thầu lớn thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, những nhà thầu nhỏ thi công dự án đầu tư công tại địa phương cũng rơi vào tình cảnh điêu đứng.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Huy, một nhà thầu phụ thi công dự án đường vào Khu dân cư Chánh Phú Hòa (Bến Cát, Bình Dương) cho biết, mọi phương án tài chính trước đây đã bị phá sản do bão giá. Tại gói thầu mà doanh nghiệp ông tham gia, do đã ký hợp đồng trọn gói, nên khi giá vật liệu tăng, nhà thầu bị lỗ vì không được điều chỉnh giá.

“Đến bữa cơm của công nhân giờ đây cũng tăng giá, nếu mình không tăng tiền công thì công nhân không làm nữa, dự án sẽ bị trễ tiến độ. Chúng tôi phải gồng mình chịu lỗ và dần kiệt sức”, ông Hưng thở dài.

“Giật gấu vá vai”

Khi cơn bão giá vật liệu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các nhà thầu dự án đầu tư công phải gồng mình xoay xở bằng nhiều cách. “Để có thể thi công dự án, nhà thầu phải giật gấu vá vai từ các dự án đang làm để cân đối dòng tiền. Hiện tại, nhiều khoản nợ của nhà thầu đã đến hạn trả ngân hàng nên phải đàm phán gia hạn hoặc đảo nợ để tiếp tục có vốn thi công”, ông Lê Trung Vĩnh chia sẻ.

Để đảm bảo đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, nhà thầu phải tăng cường nhân lực làm việc 3 ca, khi tăng ca thì buộc phải tăng thêm chi phí hỗ trợ cho nhân công, tuy nhiên, phần tăng này nhà thầu lại không được bù đắp. Hiện tại, nhà thầu phải xoay xở bằng nhiều cách để có dòng tiền bù đắp cho phần chênh lệch do giá xăng, dầu tăng.

Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4

Đối với Vinaconex, ông Nguyễn Hữu Tới cho biết, dù nhà thầu đã rất cố gắng xoay xở, nhưng việc mất cân đối dòng tiền trong hơn một năm qua là quá lớn, vượt hạn mức của ngân hàng nên không thể tiếp tục vay. Do tác động cộng hưởng nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp suy kiệt tài chính.

Tại TP.HCM, nhiều nhà thầu đang thi công các dự án giao thông cũng kêu cứu Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM và Sở Xây dựng. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM xác nhận, thời gian qua, giá vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu thi công dự án giao thông gặp khó khăn.

“Chúng tôi hỗ trợ nhà thầu bằng cách đẩy nhanh thời gian làm thủ tục điều chỉnh giá và đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nhờ đó, hiện nay các dự án tại TP.HCM vẫn thi công”, ông Phúc nói.

Khắc khoải phương án giải cứu

Qua khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, hiện nay, các công trình trọng điểm như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và một số công trình trọng điểm tại TP.HCM, các nhà thầu vẫn cố gắng xoay xở dòng tiền để thi công đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, tại các dự án nhỏ ở cấp quận, huyện, có tình trạng nhà thầu làm cầm chừng để chờ giá vật liệu giảm.

Đứng trước tình cảnh kiệt sức do giá vật liệu leo thang, nhiều nhà thầu kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng khoản 4, khoản 5, Điều 27, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Để có cơ sở điều chỉnh giá các gói thầu, nhiều nhà thầu đề xuất, Bộ Giao thông - Vận tải thuê tư vấn căn cứ biến động giá vật liệu thực tế để điều chỉnh giá cho nhà thầu nhằm bù đắp một phần thiệt hại do giá vật liệu tăng cao.

Nhà thầu cũng kiến nghị Bộ Xây dựng kiểm tra và đề nghị các địa phương khảo sát, xây dựng, công bố đơn giá nhân công sát với biến động thực tế hiện nay làm cơ sở tính toán chỉ số nhân công để điều chỉnh giá theo hợp đồng.

Điều quan trọng nhất, nhà thầu kiến nghị áp dụng khoản a và b, mục 1, Điều 420 “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.

Đồng thời, áp dụng khoản b, mục 1, Điều 19 “rủi ro và bất khả kháng” và khoản a, mục 6, Điều 19 “các hậu quả của bất khả kháng” của Hợp đồng xây dựng ký giữa nhà thầu với chủ đầu tư, cho phép nhà thầu lập tiến độ với khối lượng còn lại, trình Ban Quản lý dự án, Bộ Giao thông - Vận tải xem xét chấp thuận.

Nhiều nhà thầu không dám nhận công trình vốn đầu tư công

- Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)

Các doanh nghiệp xây dựng đang đối mặt với nguy cơ “lụi tàn” dần trước tình trạng biến động giá cả vật liệu quá lớn, đẩy giá thành gói thầu lên cao. Có nhà thầu đã thấy lỗ tới 46% ngay khi bắt đầu thi công. Tuy nhiên, cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý, hoặc có những biện pháp cụ thể hỗ trợ nhà thầu chưa có, nên nhà thầu đang tham gia vào các gói thầu đầu tư công, đặc biệt là gói thầu về hạ tầng kỹ thuật, đường cao tốc Bắc - Nam lâm vào tình trạng sống dở, chết dở.

Nhiều nhà thầu không dám nhận công trình vốn đầu tư công do hệ thống định mức đơn giá không cập nhật theo thị trường. Nhiều doanh nghiệp muốn tìm kiếm công việc ở các dự án FDI vì cơ chế giá của họ hợp lý, bám sát với giá thị trường và cơ chế thanh toán sòng phẳng. Nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được công trình vốn FDI.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan