OECD: Việc tăng cường hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng đang đe dọa quá trình chuyển đổi năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các biện pháp hạn chế xuất khẩu ngày càng tăng đối với lithium, coban và một số nguyên liệu thô quan trọng khác đối với quá trình chuyển đổi năng lượng đang có nguy cơ làm chậm quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh hơn.
OECD: Việc tăng cường hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng đang đe dọa quá trình chuyển đổi năng lượng

Trong một báo cáo mới, OECD cho biết, trong thập kỷ qua, các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với các khoáng sản quan trọng (thường ở dạng thuế) đã tăng hơn 5 lần. Từ tháng 1/2009 đến tháng 12/2020, tổng số biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với nguyên liệu thô công nghiệp đã tăng từ 3.337 lên 18.263. Hiện nay, khoảng 10% giá trị xuất khẩu nguyên liệu thô quan trọng trên toàn cầu phải đối mặt với ít nhất một biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Báo cáo cho biết: “Nhìn chung, nghiên cứu cho đến nay cho thấy rằng, các hạn chế xuất khẩu có thể đóng một vai trò không nhỏ trên thị trường quốc tế đối với các nguyên liệu thô quan trọng, ảnh hưởng đến sự sẵn có và giá cả của những nguyên liệu này”.

OECD cũng nhấn mạnh trong báo cáo rằng, nhiều khoáng sản quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng tập trung ở một số quốc gia, như sự thống trị của Congo đối với trữ lượng coban và việc Trung Quốc gần như độc quyền sản xuất magie.

Theo OECD, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Nga, Argentina và Kazakhstan là 6 quốc gia hàng đầu đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới từ năm 2009 đến 2020. Các quốc gia này nắm giữ một số trữ lượng nguyên liệu thô quan trọng lớn nhất và chiếm một phần đáng kể trong sản xuất toàn cầu. Trung Quốc không chỉ là quốc gia chiếm ưu thế trong sản xuất magie mà còn cả mangan, trong khi Việt Nam và Argentina lần lượt đi đầu trong khai thác đất hiếm và lithium.

Những phát hiện này được đưa ra khi nhu cầu toàn cầu đối với các khoáng chất như lithium, than chì và niken đều được dự đoán sẽ tăng vọt trong những thập kỷ tới với nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0. Ví dụ, để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, OECD dự kiến nhu cầu về lithium sẽ tăng gấp 42 lần so với mức hiện tại vào năm 2040, trong khi than chì được dự đoán sẽ tăng gấp 25 lần.

Trong những năm gần đây, các nhà nhập khẩu lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu đã tăng cường nỗ lực cắt giảm các biện pháp hạn chế xuất khẩu, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu quan trọng. Các chính sách như Đạo luật giảm lạm phát và Đạo luật nguyên liệu thô quan trọng của EU nhằm tìm cách khuyến khích phát triển nguồn cung thay thế tại địa phương và tại các thị trường thân thiện, đã loại bỏ một số rào cản thương mại và tạo ra các hiệp định thương mại có mục tiêu với các nước thân thiện.

Mỹ và Nhật Bản vào tháng trước đã ký một thỏa thuận song phương nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng và thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ pin xe điện.

OECD cho biết, bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu bổ sung, nhu cầu đối với những nguyên vật liệu quan trọng này đang tăng lên cũng như hoạt động buôn bán chúng. Giá trị thương mại các nguyên liệu thô quan trọng đã tăng 38% trong thập kỷ từ 2007-2009 đến 2017-2019 so với mức tăng 31% của cùng kỳ đối với tất cả các sản phẩm. Lithium, thành phần quan trọng trong pin xe điện, có bước nhảy vọt lớn nhất với mức tăng 438%.

Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết: “Thách thức đạt được mức phát thải CO2 ròng bằng 0 sẽ đòi hỏi phải mở rộng đáng kể quy mô sản xuất và thương mại quốc tế đối với các nguyên liệu thô quan trọng. Các nhà hoạch định chính sách phải xem xét kỹ lưỡng mức độ tập trung sản xuất và thương mại, cùng với việc sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp hạn chế xuất khẩu đang ảnh hưởng đến thị trường quốc tế đối với các nguyên liệu thô quan trọng như thế nào. Chúng ta phải đảm bảo rằng, sự thiếu hụt nguyên vật liệu không ngăn cản chúng ta đáp ứng các cam kết về biến đổi khí hậu”.

Tin bài liên quan