Nếu loại trừ 2 khoản thu nhập có tính bất thường, OGC lỗ gần 290 tỷ đồng cho năm tài chính 2015

Nếu loại trừ 2 khoản thu nhập có tính bất thường, OGC lỗ gần 290 tỷ đồng cho năm tài chính 2015

OGC, đà lỗ có thể tái diễn

(ĐTCK) Rơi thẳng từ mức giá trên 13.000 đồng/CP hồi tháng 10/2014 về mức thấp nhất là 2.400 đồng/CP vào tháng 10/2015, rồi tăng trở lại 4.600 đồng/CP trong mấy phiên gần đây, tương đương mức tăng gần 82% từ đáy, OGC là một trong những cổ phiếu nhận được sự quan tâm của không ít nhà đầu tư. Lãi lớn trong năm 2015, nhưng vì sao cổ phiếu vẫn lẹt đẹt?

Lãi lớn năm 2015

Theo BCTC hợp nhất quý IV/2015 của CTCP Tập đoàn Đại Dương (mã OGC), trong quý IV/2015, Công ty đạt doanh thu thuần 227,85 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 40,955 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2015, OGC đạt 835 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ là 1.392 tỷ đồng, tương đương mức thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 4.640 đồng.

Với kết quả kinh doanh này, OGC hiện là một trong những doanh nghiệp niêm yết có chỉ tiêu thu nhập trên mỗi cổ phần cao. Đồng thời, OGC cũng đưa con số lỗ lũy kế giảm về mức hơn 970 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số lỗ sốc cuối năm 2014 là 2.363 tỷ đồng. Theo BCTC hợp nhất này, OGC hiện có vốn chủ sở hữu 2.886,6 tỷ đồng trên vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tương đương giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu là 9.622 đồng/CP.

Đóng góp vào con số lợi nhuận ấn tượng này phải kể đến thương vụ bán lại phần vốn góp của OGC tại Blue Star, Công ty sở hữu khu đất vành khăn tại Dự án Đông Nam Trần Duy Hưng. Riêng hoạt động này đã đóng góp gần 1.650 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của Công ty. 

Đà lỗ có thể sẽ tái diễn

Lãi lớn đưa giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu về mức xấp xỉ 10.000 đồng/CP, nhưng cổ phiếu OGC chỉ đạt được mức giá 4.600 đồng/CP và sau đó lại sụt giảm. Câu hỏi đặt ra là, ngoài trừ tác động của yếu tố thị trường, thì điều gì khiến nhà đầu tư vẫn bán ra cổ phiếu, dù OGC có lãi? Câu trả lời có lẽ nằm ở tình trạng tài chính của OGC hiện thời.

Năm 2015, OGC lãi hơn 1.507 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó, riêng bán Blue Star lãi gần 1.650 tỷ đồng, hoàn nhập dự phòng 146 tỷ đồng. Như vậy, nếu loại trừ 2 khoản thu nhập có tính bất thường này, OGC vẫn lỗ gần 290 tỷ đồng cho năm tài chính 2015, dù vẫn có 835 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động chính. Điều này đồng nghĩa với việc, OGC vẫn chưa thể “cầm máu” đà thua lỗ, nếu không thực hiện bán tài sản. 

Tình trạng tài sản khó khăn

Nhìn vào thực trạng tài sản của Công ty, nhà đầu tư sẽ có cảm giác không mấy an lòng.

Tính đến thời điểm cuối năm 2015, OGC có số dư tiền và tương đương tiền hơn 239 tỷ đồng, thế nhưng, số dư lãi vay phải trả lên tới gần 313 tỷ đồng. Năm 2015, dù hạch toán chi phí lãi vay 212 tỷ đồng, nhưng số lãi vay thực trả của Công ty cho các bên chỉ là 55,6 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2015, tổng tài sản ngắn hạn của OGC là gần 3.820 tỷ đồng, trong đó 3.164 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn. Trong số, các khoản phải thu ngắn hạn này, phải thu về các khoản cho vay ngắn hạn, phải thu ngắn hạn khác chiếm tỷ lệ áp đảo, với số dư gốc 2 khoản này lên tới gần 4.048 tỷ đồng, đã được trích lập 1.564 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý là, trong bối cảnh bản thân OGC cũng đang gặp khá nhiều khó khăn, lẽ ra phải tăng thu về, OGC lại chỉ thu về được 2 khoản lớn từ Vinaconex và BSC Việt Nam, trong khi phải thu khác lại tăng lên. Một số khoản phải thu lớn của OGC tại ngày 31/12/2015 có thể kể đến là phải thu từ VNT (gần 463 tỷ đồng ngắn hạn và hơn 526 tỷ đồng dài hạn), ông Hà Trọng Nam (628 tỷ đồng).

Trong năm qua, Công ty không nhận được khoản vay vốn mới nào từ các tổ chức tín dụng, trong khi một vài khoản vay đã giảm nhẹ số dư. Hiện tại, OGC nợ 449,998 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Quốc dân, 500 tỷ đồng Ngân hàng Hàng hải, hơn 620 tỷ đồng Ngân hàng Đại Dương. Tiền thu về từ thoái vốn Blue Star đã được Công ty dành để thanh toán các khoản phải trả như CTCP Đông Phú Hưng – Bình Thuận (500 tỷ đồng), Công ty TNHH Phát triển Nhà sinh thái (500 tỷ đồng), CTCP Tài chính Điện lực (240 tỷ đồng)…

Đến thời điểm này, ẩn số lớn của OGC vẫn là khả năng thu hồi nợ và cơ hội thu lời từ bán dự án, bán tài sản. Năm 2015, các dự án xây dựng cơ bản dở dang của OGC gần như đứng yên trong năm qua, với tổng giá trị tính đến cuối năm 2015 là 555,74 tỷ đồng, nên xác suất để Công ty bán và thu lợi nhuận được từ các dự án này không lớn.

Trong tổng số 4.054 tỷ đồng tài sản cố định, OGC có 732 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, nhưng liệu OGC có thể bán và thu lời giống như Blue Star trong năm 2015? Các khoản phải thu của OGC cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đang được trích lập dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng, nếu thu hồi được, sẽ tạo ra lợi nhuận lớn cho Công ty. Còn nếu không, OGC sẽ tiếp tục chìm trong khó khăn.             

Tin bài liên quan