Ông Biden đắc cử, châu Á sẽ ra sao?

Ông Biden đắc cử, châu Á sẽ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK)  Việc ông Biden giữ vị trí Tổng thống Mỹ sẽ có ý nghĩa ra sao với châu Á? Đây là câu hỏi mà các nhà chính sách tại 2 bên bờ Thái Bình Dương đều đặt ra sau ngày bầu cử.

Trong 4 năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để lại nhiều xáo trộn trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các quốc gia châu Á: Từ việc tạo nên cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, hành xử “gay gắt” về vấn đề Biển Đông và Đài Loan; xung đột với các đồng minh tại châu Á bằng việc đe doạ rút bớt sự hiện diện quân sự tại Nhật Bản và Hàn Quốc, cho tới xây dựng mối quan hệ với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

Vậy khi lên nắm quyền, ông Biden sẽ ứng xử như thế nào với các mối quan hệ hiện tại ở châu Á?

Trung Quốc và lĩnh vực công nghệ

Ông Trump rõ ràng không “ưa” gì Trung Quốc và đã tiến hành hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei Technologies, TikTok.

Trong khi đó, tại chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden cho biết, ông sẽ đưa nước Mỹ “giành chiến thắng trong cuộc chiến cạnh tranh với Trung Quốc ở tương lai”.

Dẫn việc các khoản đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc tăng 30 lần trong giai đoạn 1991 – 2016, ông Biden cam kết sẽ đầu tư mạnh tay cho các công nghệ mới. Kế hoạch này bao gồm 300 tỷ USD cho các lĩnh vực từ xe điện cho tới công nghệ vật liệu mới, 5G và trí thông minh nhân tạo – những lĩnh vực mà Trung Quốc đang ngày càng gia tăng tốc độ.

Hiện tại, chưa có nhiều thông tin về các biện pháp mà chính quyền của ông Biden sẽ sử dụng để “chiến đấu” với các công ty công nghệ Trung Quốc, cũng như chưa rõ liệu các lệnh trừng phạt hiện tại liệu có được duy trì, nhưng giới quan sát cho rằng, đã có những tín hiệu đầu tiên để đưa ra dự báo.

Theo đó, nhà ngoại giao kỳ cựu Kurt Campbell và Jake Sullivan – cố vấn của ông Biden từng nhận định: Nước Mỹ cần đảm bảo các lợi thế công nghệ khi đối mặt với những vi phạm về sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, tập trung vào các chính sách hỗn hợp bảo vệ các ngành công nghiệp, cũng như nền kinh tế.

Cụ thể hơn, các giải pháp gồm hạn chế dòng chảy đầu tư công nghệ và thương mại theo cả 2 hướng. Có chính sách xác định hoạt động đầu tư dựa theo các yếu tố bao gồm an ninh quốc gia và quyền con người, thay vì đầu tư “hàng loạt”.

Theo một khảo sát của Viện nghiên cứu Chiến lược và toàn cầu (CSIS), 71% các chuyên gia tin rằng, nhà lãnh đạo nước Mỹ sẽ ngăn cản sự tham gia của Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc tại thị trường 5G Mỹ.

Theo đó, ông Biden có thể sẽ tiếp tục sử dụng một số công cụ mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp dụng, ví dụ kiểm soát xuất khẩu, hạn chế đầu tư…, nhưng cách thức thực thi sẽ khác, Scott Kennedy, cố vấn cấp cao và Chủ tịch Bộ phận kinh tế Trung Quốc tại CSIS nhận định.

Thương mại

Ông Biden cho biết, ông muốn làm việc cùng với các đồng minh của nước Mỹ để tạo áp lực lên Trung Quốc.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây ra hàng tỷ USD tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu. Dù đã thực hiện các thoả thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng mức thuế mà Mỹ áp dụng lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc trung bình vẫn ở mức 19,3%, cao hơn 6 lần so với trước khi xung đột xảy ra vào năm 2018, theo Viện nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson. Ở chiều ngược lại, mức thuế trung bình Trung Quốc áp dụng với hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ là 20,3%.

Mức thuế mà Mỹ và Trung Quốc áp dụng lên hàng hoá nhập khẩu của nhau

Mức thuế mà Mỹ và Trung Quốc áp dụng lên hàng hoá nhập khẩu của nhau

Chính quyền của Tổng thống Trump đã rút nước Mỹ ra khỏi nhiều thoả thuận thương mại, từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho tới Thoả thuận Paris, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Thoả thuận Hạt nhân Iran và đe doạ sẽ rời khỏi WTO, WHO.

Vậy mọi chuyện sẽ thế nào khi ông Biden nắm quyền?

“Tôi cho rằng, chính quyền của ông Biden sẽ tập trung hơn vào vấn đề với Trung Quốc và thân cận hơn với các đồng minh. Ông Biden cũng sẽ thận trọng hơn nhiều trong việc sử dụng công cụ thuế, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hàng rào thuế hiện tại sẽ sớm được rời bỏ, Edward Alden, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ quốc tế chia sẻ.

Trên website tranh cử của ông Biden, vị tổng thống tiếp theo của nước Mỹ cho rằng, thoả thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 không có nội dung gì, bởi nó không nhấn mạnh tới những bất công bằng trong mối quan hệ thương mại giữa 2 bên, đồng thời cũng không cân nhắc các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.

Theo đó, ông Biden cam kết sẽ làm việc cùng các đồng minh của Mỹ để thay đổi hành vi của Trung Quốc.

Đa phần các chuyên gia tin rằng, những bất đồng trong mối quan hệ Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cách thức ứng xử của nhà cầm quyền sẽ là chìa khoá để thay đổi mối quan hệ theo hướng tiêu cực hay tích cực.

Cho tới nay, ông Biden chưa thể hiện suy nghĩ nào về TPP. Thay vào đó, ông thể hiện quan điểm cần đầu tư vào thị trường nội địa trước khi tham gia các thoả thuận thương mại lớn. Cụ thể hơn, thay vì sản xuất bên ngoài nước Mỹ, ông muốn đưa chuỗi cung ứng quay trở lại, nhất là các lĩnh vực như sản xuất dược phẩm, giúp nước Mỹ có thể trang bị tốt hơn trong giai đoạn đầu đối phó với đại dịch.

Ông Trump ký sắc lệnh rút nước Mỹ khỏi TPP vào tháng 1/2017

Ông Trump ký sắc lệnh rút nước Mỹ khỏi TPP vào tháng 1/2017

Wendy Cutler, cựu đại diện thương mại Mỹ, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách xã hội châu Á cho rằng, ông Biden cần gây dựng lại lòng tin tại châu Á và thể hiện việc nước Mỹ muốn gắn kết với các mối quan hệ thương mại tại đây.

Câu chuyện biển Đông

Năm 2016, trong chuyến thăm Australia, ông Biden cho biết, nước Mỹ sẽ đảm bảo các vùng biển được an toàn, bầu trời được rộng mở”.

“Tôi đảm bảo rằng, nước Mỹ sẽ không đi đâu. Chúng tôi sẽ ở lại Thái Bình Dương này”, ông Biden nói.

Xuyên suốt quá trình tranh cử của mình, ông Biden luôn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc củng cố sức mạnh của các đồng minh nước Mỹ, từ đó khôi phục vị thế dẫn dắt của Hoa Kỳ. Và đối với câu chuyện tại biển Đông, điều này đồng nghĩa với việc nước Mỹ phải gắn bó hơn với các quốc gia Đông Nam Á.

Tàu USS John C. Stennis đi qua khu vực biển Đông tháng 2/2019
Tàu USS John C. Stennis đi qua khu vực biển Đông tháng 2/2019

Theo Patrick Cronin, Chủ tịch bộ phận An ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Hudson, ông Biden sẽ có cách tiếp cận tập trung vào việc nhấn mạnh tới mối lo ngại của các đồng minh và đối tác tại biển Đông, thay vì biến đây thành câu chuyện đối chọi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đồng quan điểm, Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề khu vực Đông Á – Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Obama cho rằng, ông Biden sẽ đi từng bước để tránh gia tăng xung đột quân sự, nhất là khi chưa có sự trao đổi rõ ràng.

Đài Loan và Triều Tiên

Trong những năm gần đây, ông Biden có thái độ gay gắt hơn với chính quyền Trung Quốc, lên án những hành động của giới chức nước này trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, đồng thời là vị ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ đầu tiên lên tiếng chúc mừng bà Thái Văn Anh trong ngày đắc cử vị trí lãnh đạo.

Đây là lý do việc chính quyền của ông Trump thực hiện chính sách bán vũ khí cho Đài Loan có thể tiếp tục được duy trì dưới thời ông Biden.

Bà Thái Văn Anh có bài phát biểu tại một sự kiện của công ty sản xuất chiến đấu cơ Aerospace Industrial Development Corp do nhà nước sở hữu tháng 8/2020

Bà Thái Văn Anh có bài phát biểu tại một sự kiện của công ty sản xuất chiến đấu cơ Aerospace Industrial Development Corp do nhà nước sở hữu tháng 8/2020

Rafiq Dossani, giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược châu Á – Thái Bình Dương cho biết, động lực cho mối quan hệ Mỹ - Đài Loan thật ra không phải câu chuyện nước Mỹ với Đài Loan, mà là Đài Loan với Trung Quốc.

“Nếu Đài Loan và Trung Quốc tiếp tục có những xung đột, tôi cho rằng ông Biden sẽ ủng hộ Đài Loan và gay gắt với Trung Quốc. Mặt khác, nếu mối quan hệ bình ổn hơn, sẽ không có nhiều khác biệt trong cách ứng xử của Mỹ với Đài Loan”, Dossani cho biết.

Về câu chuyện rộng hơn ở châu Á, ông Biden cho biết, ông muốn làm việc cùng các đồng minh – bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và cả Trung Quốc để tạo áp lực lên quá trình phi hạt nhân hoá của Triều Tiên.

Triều Tiên giới thiệu mẫu tên lửa xuyên lục địa lớn nhất trong một sự kiện ngày 10/10/2020

Triều Tiên giới thiệu mẫu tên lửa xuyên lục địa lớn nhất trong một sự kiện ngày 10/10/2020

Điều này có phần trái ngược với ông Trump, khi vị tổng thống này từng đe doạ rút bớt sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc nếu 2 quốc gia này không trả số tiền hàng tỷ USD.

Theo đó, giới chuyên gia cho rằng, ông Biden sẽ có những tín hiệu sớm để phần nào xoa dịu mối quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời có cách tiếp cận dài hơi hơn về câu chuyện Triều Tiên, bao gồm các chính sách ngoại giao vừa ngăn trở, vừa xoa dịu.

Tin bài liên quan