Được vừa mua vừa bán cổ phiếu là một lợi thế rất lớn của cổ đông nội bộ

Được vừa mua vừa bán cổ phiếu là một lợi thế rất lớn của cổ đông nội bộ

Ông chủ và những cổ phần cuối cùng phải bán

(ĐTCK-online) Hiện nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết mang cổ phiếu của mình đi bảo lãnh cho những khoản vay tiền đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, với tình hình thị trường hiện nay, nhiều vị có nguy cơ phải bán sạch cổ phiếu của công ty mà mình đang lãnh đạo.

Hiếm có nơi nào như TTCK Việt Nam khi rất nhiều cổ đông nội bộ đăng ký lướt sóng cổ phiếu chính công ty mình đang quản lý. Được vừa mua vừa bán cổ phiếu là một lợi thế rất lớn của cổ đông nội bộ, nhưng có những trường hợp vì ham hố "lướt lát" nhằm tối ưu hóa tài sản mà cổ đông đó đứng trước nguy cơ bán sạch cổ phiếu với giá "bèo".

Đầu tháng 11/2010, sau khi mua được hơn 200.000 cổ phiếu AAA trong tổng số 500.000 cổ phiếu đăng ký mua, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát đã tăng mức sở hữu của mình tại Công ty lên 1.113.900 cổ phần, tương đương 11,25%. Vậy nhưng, chỉ 7 tháng sau đó, sở hữu của ông Dương tại AAA đã rơi về mức 476.400 cổ phần, tương đương 4,812%. Đây là kết quả của 2 lần đăng ký vừa mua vừa bán của ông Dương (nhưng cuối cùng chỉ thực hiện bán).

Đã có ý kiến lo ngại về việc có hay không tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp không còn cảm thấy cổ phiếu hấp dẫn nữa, nên có thể bán sạch cổ phiếu. Ông Dương bán cổ phiếu AAA dù giá đã giảm về mức xấp xỉ 16.000 đồng/CP, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đăng ký mua vào. Tuy nhiên, theo lý giải của ông Dương, lý do của việc phải bán cổ phiếu này là do ông đã dùng cổ phiếu của mình để bảo lãnh cho một số NĐT vay tiền mua chứng khoán. Do đó, khi giá cổ phiếu xuống, NĐT không trả được nợ, nên ông phải bán cổ phiếu để thanh toán khoản tiền vay này.

Câu chuyện lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết mang cổ phiếu của mình đi bảo lãnh cho những khoản vay tiền đầu tư chứng khoán không chỉ xảy ra ở AAA.

Một năm trước, khi cổ phiếu của một doanh nghiệp ngành khai khoáng chuẩn bị lên niêm yết, CTCK T đã rất nhạy bén trong việc tiếp cận Ban lãnh đạo doanh nghiệp để đề nghị mở tài khoản giao dịch. Theo đó, trong câu chuyện trà dư tửu hậu, CTCK T đề nghị: Thành viên Ban lãnh đạo doanh nghiệp mở tài khoản và lưu ký toàn bộ cổ phiếu của mình, CTCK trên cơ sở tài khoản đó mở thêm một tài khoản "con", để các lãnh đạo DN có thể "đánh" chứng khoán thoải mái trong hạn mức mà không phải nộp tiền vào. Mức phí vay vốn sẽ được ưu đãi tối đa. Bù lại, Ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ hỗ trợ CTCK trong việc cung cấp thông tin ra thị trường.

Với kế hoạch "mỗi năm chỉ cần lướt sóng 5, 6 vụ là đã kiếm được hàng chục tỷ đồng, còn hơn là để cổ phiếu nằm chết trong tài khoản", CTCK T đã thuyết phục được toàn bộ Ban lãnh đạo doanh nghiệp khai khoáng trên trở thành khách hàng của mình.

Một năm sau, đến thời điểm này nhìn lại, giá cổ phiếu của doanh nghiệp nêu trên đã rơi về nửa mệnh giá và tệ hơn là gần như không có thanh khoản. Nguồn tin tại CTCK T cho biết, trong danh sách những con nợ của CTCK có cả tên vị tổng giám đốc lẫn kế toán trưởng của doanh nghiệp khai khoáng đó.

Anh Minh, phụ trách nguồn vốn của một CTCK tại Hà Nội nhận xét, với những công ty mới niêm yết trong vòng gần 2 năm nay, hiếm có công ty nào thoát khỏi cái bẫy ngọt ngào “lướt nhanh, kiếm lớn”. Theo anh Minh, các CTCK rất chú trọng phát triển khách hàng mới là lãnh đạo doanh nghiệp. Hai năm trước, không ít lãnh đạo doanh nghiệp sau khi niêm yết đã giàu đột ngột, nên với họ, hợp tác với CTCK cùng kinh doanh chứng khoán có thể là cách làm giàu siêu tốc! Chính vì thế, khi có sự rỉ tai "đường mật" của CTCK, hầu hết các "VIP" này đều tham gia cuộc chơi.

Nhưng theo anh Minh, gần đây công ty anh đã phải "xử" hơn chục tài khoản của lãnh đạo công ty niêm yết. "Những trường hợp này ít được mọi người biết đến vì đều là những công ty xuất phát từ công ty tư nhân, lãnh đạo doanh nghiệp gửi gắm cổ phiếu ở tên khác, nên khi phải bán thì cũng không phải công bố", anh Minh cho hay.

Đây cũng chính là lý do khiến không ít vị tổng giám đốc doanh nghiệp khi mới niêm yết thì hào hứng, nhưng nay dị ứng hoàn toàn với 2 từ chứng khoán. Bởi lẽ, "lợi chưa thấy đã thấy hại", nhất là khi không còn sở hữu đủ lớn, ngôi vị lãnh đạo tại doanh nghiệp mà họ gắn bó nhiều năm bỗng nhiên có nguy cơ bay mất.