Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank (STB): "Tôi không liên quan gì tới bà Trương Mỹ Lan"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sacombank tổ chức ĐHĐCĐ ngày 26/4, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2023, nhưng chưa chia cổ tức.

Mục tiêu lợi nhuận 10.600 tỷ đồng, chưa chia cổ tức

Năm 2024, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế kỳ vọng ở mức 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2023. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản dự kiến ở mức 724.100 tỷ đồng, tăng 10%, trong đó dư nợ tín dụng đạt 535.800 tỷ đồng, tăng 11% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với hạn mức phân bổ.

Nguồn vốn huy động dự kiến ở mức 636.600 tỷ đồng, cao hơn 10% so với cuối năm ngoái, trong khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%. Các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Kết thúc quý đầu năm nay, tín dụng Sacombank tăng 3,7%, cao hơn mức tăng tín dụng toàn ngành là khoảng 1%. Đồng thời, Sacombank cũng tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro, dự kiến trích 4.300 tỷ đồng trong năm 2024.

Trước đó, kết thúc năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank năm 2023 đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 51,4% và hoàn thành 101% kế hoạch đặt ra. Các chỉ tiêu sinh lời như ROA hay ROE lần lượt đạt 1,22% và 18,30%, cao hơn nhiều so với mức năm 2022 (0,31% và 4,47%).

Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh cơ bản của Sacombank vẫn đang có sự cải thiện đáng kể, dù bối cảnh nợ xấu toàn ngành đang tăng lên và sức cầu thị trường quốc tế và nội địa vẫn đang ở mức thấp. Quy mô lợi nhuận tăng lên cũng cho thấy hoạt động xử lý nợ xấu đang dần đi đến chặng cuối, đồng thời giúp cấu trúc tài chính ngân hàng ngày càng vững chắc hơn.

Lợi nhuận giữ lại sau trích lập các quỹ đến cuối năm 2023 của Sacombank đã ở mức 18.387 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ. Vấn đề chia cổ tức do đó luôn là mối quan tâm lớn của các cổ đông ngân hàng này tại mỗi kỳ ĐHĐCĐ, khi nhìn vào con số lợi nhuận giữ lại ngày càng lớn. Nguồn tiền để chia cổ tức đã có, vấn đề còn lại là thời điểm chia.

Các lãnh đạo cấp cao ngân hàng này đã nhiều lần chia sẻ, các thủ tục cần thiết đã được Sacombank đệ trình Ngân hàng Nhà nước, ngay sau khi được phê duyệt sẽ tiến hành chia cổ tức cho cổ đông. Vì vậy, Sacombank tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức cho các cổ đông. Tính đến cuối năm 2023, vốn điều lệ của ngân hàng này đạt 18.852 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Sacombank ông Dương Công Minh cho biết, Sacombank đã từng trình Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông, song vẫn chưa được chấp thuận, do ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu. Tuy nhiên, theo ông Minh "gạo không ăn, còn có đó". Hiện Sacombank đã xử lý nợ xấu cơ bản các tồn đọng trong Đề án tái cơ cấu và còn lại khoản duy nhất là phần cổ phiếu của ông Trầm Bê.

Ông Dương Công Minh cũng cho biết, sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu, nợ xấu giảm xuống dưới 3% thì mới đủ điều kiện chia cổ tức. Theo kế hoạch trong năm nay, Sacombank sẽ hoàn thành đề án tái cấu trúc.

Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng giám đốc Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho hay, vấn đề cuối cùng để chia cổ tức là phải đấu giá 32% cổ phiếu của ông Trầm Bê. Trong báo cáo của Sacombank, lợi nhuận giữ lại 18.000 tỷ đồng. Hiện nay, room 30% ngoại đã hết rồi. Nếu tái cơ cấu thành công sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu, sau đó tăng vốn điều lệ và kêu gọi cổ đông chiến lược trong và ngoài nước.

Chủ tịch Sacombank không liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, đã đấu giá khoản nợ Khu công nghiệp Phong Phú

Cũng tại ĐHCĐ, ông Dương Công Minh cho biết, là cổ đông lớn nhất của Sacombank, những tin đồn ảnh hưởng đến ông cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của Sacombank và cổ đông.

"Tôi không liên quan gì tới bà Trương Mỹ Lan và các vụ việc của bà Trương Mỹ Lan, vụ việc của bà đã có cáo trạng truy tố. Đây là tin đồn ông Thắng Đặng viết trên facebook. Nếu có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, tôi không bao giờ ngồi đây được. Tôi đảm bảo với quý cổ đông, trong mọi trường hợp tôi đều hướng về ngân hàng, vì Sacombank", ông Minh khẳng định.

Chủ tịch HĐQT Sacombank - ông Dương Công Minh

Chủ tịch HĐQT Sacombank - ông Dương Công Minh

Theo ông Minh: "Nguyên nhân của vấn đề này là do khi Sacombank cho Bamboo Airways vay tiền, tôi phải làm cố vấn cho khoản tín dụng của Bamboo không mất vốn. Khi đó, ông Thắng có đòi 200 tỷ đồng cho cá nhân, nhưng sau đó gia đình ông Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch FLC đã cho ông Thắng nghỉ trước khi nhà đầu tư mới vào đầu tư. Tôi có đề nghị ông Thắng làm việc với đối tác mới".

Về việc xử lý khoản nợ là Khu công nghiệp Phong Phú, hiện đã thu nợ 20% trên tổng số tiền đấu giá được. Khu phức hợp công nghệ có những phần chưa đền bù, chưa hoàn thiện, nên việc đấu giá hiện trạng khoản nợ cần thời gian để bên mua nợ có lộ trình thanh lý. Phần còn lại Sacombank sẽ cho khách hàng thời gian hoàn trả trong 2 năm. Khoản nợ của Phong Phú đã trúng đấu giá thành công.

Còn về khoản nợ của Bamboo Airways, theo HĐQT Sacombank, dư nợ của Bamboo hiện nay là còn 3.583 tỷ đồng. Đối với Bamboo, Sacombank là ngân hàng cho vay vốn, khoản nợ này nằm trong nhóm 1. Đối với việc tái cấu trúc cổ đông, trước đây khoản nợ này được đảm bảo bằng cổ phiếu. Sau khi nhóm cổ đông mới vào, Sacombank có khuyến nghị đưa bất động sản làm tài sản đảm bảo. Hiện khoản nợ của Bamboo Airways được đảm bảo 100% là bất động sản và cổ phiếu. Tài sản có thanh khoản cao.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về dư nợ cho vay bất động sản, ông Minh thông tin, tổng dư nợ gần 500.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 100.000 tỷ đồng là dư nợ bất động sản, trong đó bất động sản tiêu dùng cá nhân chiếm 60%. Ông Minh cho hay, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 của Sacombank tập trung lĩnh vực xanh, nông nghiệp, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, xuất nhập khẩu, lĩnh vực ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng không cho vay và không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Cũng theo Chủ tịch HĐQT Sacombank, trong suốt thời gian tái cơ cấu sau sáp nhập, có nhiều thông tin định chế trong và ngoài nước chưa có xác thực, do đó, gần như Sacombank không huy động vốn từ nước ngoài nhiều, chủ yếu từ dân cư, từ thị trường 1, có tính phân tán cao, chiếm 82%. Do đó, chi phí huy động vốn cao hơn, nhưng mang tính ổn định. Sacombank có bước đi thận trọng, do đó chi phí vốn cao hơn cũng phù hợp.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về mục tiêu lợi nhuận thận trọng cho năm 2024, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho hay, chiến lược của Sacombank là phát triển an toàn, bền vững. Kế hoạch xây dựng trên vấn đề thận trọng trên dự báo vốn vay thấp. ĐHĐCĐ năm 2024 của Sacombank đã thông qua tờ trình, trong đó có việc nâng số lượng thành viên Ban Kiểm soát (nhiệm kỳ 2022 - 2026) từ 4 thành 5 người.

Tin bài liên quan