Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment.

Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment.

Ông Lã Giang Trung: Thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh lành mạnh, có thể giảm đến 15%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khả năng cao là thị trường có thể điều chỉnh 12 - 15% từ vùng sát 1.300 điểm, trước khi tạo một cái đáy ngắn hạn để tiếp tục đi lên vượt qua đỉnh cũ.

Thị trường chứng khoán bước vào tháng 4 với diễn biến không mấy tích cực, VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh sau đợt tăng kéo dài từ cuối năm 2023. Trong tuần trước, VN-Index ghi nhận một tuần giao dịch trồi sụt quanh khu vực 1.250 - 1.270 điểm với thanh khoản thấp và dòng tiền có phần chững lại.

Tại buổi talkshow Chờ mùa nắng về do Chứng khoán SSI thực hiện vừa qua, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment cho rằng, thông thường, trong những đợt thị trường uptrend khoảng 5 - 6 tháng sẽ có điều chỉnh, về mặt thời gian thị trường hiện tại cũng vừa đủ, nhưng mức tăng khá thấp.

Quan điểm ban đầu của ông Trung là thị trường sẽ tăng đến vùng 1.350 điểm, nhưng khi đến sát vùng 1.300 điểm, dòng tiền có vẻ hơi yếu, một số yếu tố ngắn hạn không còn quá tốt, do đó khả năng cao là thị trường có thể điều chỉnh 12 - 15% từ vùng sát 1.300 điểm, trước khi tạo một cái đáy ngắn hạn để tiếp tục đi lên vượt qua đỉnh cũ.

Đây là sự điều chỉnh lành mạnh của thị trường trong một giai đoạn tăng mà trong uptrend thì năm nào cũng có 2 lần điều chỉnh.

Thậm chí, nhiều nhà đầu tư lo ngại VN-Index tháng 4 có thể giảm mạnh. Quan điểm của ông Trung là việc thị trường điều chỉnh giảm trên 10% từ đỉnh gần nhất là có khả năng. Đây không phải mức mạnh với chuyên gia này, nhưng với một số nhà đầu tư có thể là mạnh.

“Sợ nhất là thị trường có pha giảm 30 – 40% (đi vào downtrend) thì sẽ kéo cổ phiếu giảm rất mạnh, có những cổ phiếu giảm đến 70 – 80% như năm 2022. Hay thị trường giai đoạn cuối tháng 9 năm ngoái điều chỉnh giảm 18% từ đỉnh, dù trong uptrend nhưng vẫn có những cổ phiếu giảm tới 40%, sau đó các cổ phiếu đã tăng vượt đỉnh cũ”, ông Trung nói.

Nhìn về bức tranh cả năm nay, trước đó, CEO Passion Investment kỳ vọng VN-Index có thể về lại vùng 1.500 điểm.

Trong khi dưới quan điểm của SSI, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho biết, hiện tại không phải giai đoạn định giá thị trường nở rộng như vừa qua, mà thị trường sẽ đi song hành cùng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, mức tăng trưởng mà cuối năm sẽ chỉ khoảng lên 1.300 - 1.350 điểm. Nhưng trong năm, có khả năng VN-Index sẽ vượt qua ngưỡng này lên 1.400 thậm chí 1.500 điểm, sau đấy sẽ quay về ngưỡng 1.300 – 1.350 điểm.

Các chuyên gia cho rằng yếu tố hỗ trợ cho thị trường năm nay vẫn đến từ chính sách tiền tệ.

Theo ông Lã Giang Trung, với thị trường chứng khoán, chính sách tiền tệ là chính sách quan trọng nhất. Hiện tại, chính sách tiền tệ của Việt Nam là nới lỏng, chính sách tài khoá cũng rất hỗ trợ cho nền kinh tế.

Đến cuối năm nay, hoặc năm sau, lãi suất không thể thấp như hiện tại. Khi nền kinh tế phục hồi, lãi suất sẽ cao hơn một chút, chính sách tiền tệ sẽ bớt nới lỏng, nhưng để đi đến điểm thắt chặt thì còn rất lâu. Nhìn chung, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá vẫn đang rất hỗ trợ cho thị trường chứng khoán hiện tại.

Vào giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng đầu tiên, thị trường chứng khoán ở mức rất thấp, định giá thấp, các cổ phiếu có bước nhảy vọt rất lớn. Ví dụ cuối năm 2022 là đợt nới lỏng đầu tiên của chính sách tiền tệ, nhóm bất động sản và chứng khoán tăng mạnh, vừa rồi ngân hàng là nhóm cuối cùng tăng mạnh. Nghĩa là những tài sản được định giá rất thấp được về mức trên dưới trung bình – là đoạn mà cổ phiếu tăng nhanh nhất.

Giai đoạn tiếp theo là cổ phiếu ở mức trung bình tiếp tục đi lên do hoạt động kinh doanh cải thiện (giai đoạn này cần phải từ từ). Giai đoạn cuối cùng là thị trường bùng nổ, doanh nghiệp vẫn tốt nhưng định giá bùng nổ, đó cũng là cuối của chu kỳ.

“Hiện tại, cổ phiếu đang ở thời kỳ từ mức rất thấp về mức bình thường nên từ đây sẽ khó hơn, không còn mạnh mẽ nữa nhưng vẫn xu hướng đi lên”, ông Trung nhận định.

Bên cạnh lãi suất, yếu tố quan trọng nhất là các doanh nghiệp đa phần đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2022 – 2023, nhiều doanh nghiệp đến năm 2023 vẫn còn lỗ, nên việc cải thiện về kết quả kinh doanh trong 2024 tương đối đơn giản hơn.

“Chỉ cần nền lãi suất thấp và doanh nghiệp có nền cải thiện thì đó chính là yếu tố giúp cổ phiếu đi lên, tất nhiên là không phải là quá nhiều ở giai đoạn hiện tại”, ông Trung nói.

Về dài hạn, thị trường vẫn trong chu kỳ lãi suất thấp và nới lỏng, nhưng trong ngắn hạn, bà Phương vẫn thận trọng đưa ra hai rủi ro. Thứ nhất, nếu Việt Nam tiếp tục giữ lãi suất thấp, Fed vì một lý do nào đó (lạm phát tăng cao) có thể duy trì lãi suất cao thêm một thời gian, thì chênh lệch lãi suất sẽ dẫn đến căng thẳng về tỷ giá và lạm phát. Thứ hai, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi trở lại, nhu cầu tăng trưởng tín dụng đi theo, lãi suất Việt Nam qua đáy và tăng trở lại.

Tin bài liên quan