Ông Lê Quốc Bình chia sẻ tin vui về kỳ vọng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng và khẳng định CII không tham gia thi công dự án đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII - sàn HOSE) sáng nay dù không thành công vì không đủ tỷ lệ tiến hành đại hội do nhóm cổ đông nước ngoài, chủ yếu là quỹ ETF sở hữu hơn 10% không tham dự, tuy nhiên Ban lãnh đạo doanh nghiệp vẫn trao đổi với cổ đông đến dự về hoạt động kinh doanh của Công ty.

Theo Tổng giám đốc Lê Quốc Bình, CII có doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/ngày cao hơn so với mức hơn 6 tỷ đồng/ngày vào cuối năm 2022.

“Không có gì tuyệt với bằng một doanh nghiệp có dòng tiền 7 tỷ đồng một ngày, mà thu phí giao thông không có nợ vì qua trạm thu phí là trả tiền ngay.

Vì thế các ngân hàng và tổ chức tài chính sẵn sàng ủng hộ CII. Hôm nay, buồn vì tổ chức ĐHCĐ không thành nhưng tin vui là có một tổ chức tài chính đang họp để quyết định về khoản tài trợ vốn 10.000 tỷ đồng thời hạn 14 năm cho CII. Đây chưa phải là tin chính thức nhưng chúng tôi rất hy vọng sẽ nhận được khoản tài trợ vốn này. Trong thời điểm này CII đạt được khoản vay như thế thì uy tín tín dụng rất lớn”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Bình cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của các cổ đông dù ĐHCĐ không đủ điều kiện để tiến hành.

Trong năm 2023 CII tiếp tục đầu tư gì và ảnh hưởng của mảng bất động sản?

Báo cáo với cổ đông là CII "nằm im" không dám làm gì vì tiền ra lúc này không tắc chỗ này sẽ tắc chỗ khác. Tài sản của CII hợp nhất có khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong báo cáo hợp nhất cổ đông thấy con số 28.000 tỷ đồng, nhưng còn một khoản đầu tư 12.600 tỷ đồng của dự án BOT Trung Lương Bình Thuận sẽ hợp nhất vào quý III này.

Trong đó số dư cho đầu tư bất động sản chưa quá 2.000 tỷ đồng, tức chưa quá 2% nên cổ đông yên tâm, nếu giả sử có mất đi 30% số dư đầu tư bất động sản đó chủ yếu là tiền mua đất cũng không ảnh hưởng. Trong Tập đoàn sở hữu tại TP.HCM 17 ha, Bình Thuận có 126 ha đất sạch, tại Quãng Ngãi còn 20 ha đất sạch… Với những tài sản này - giá vốn chỉ 2.000 tỷ đồng - thì ảnh hưởng của bất động sản giảm giá không nặng nề với CII. Tuy nhiên, Ban điều hành Công ty vẫn nỗ lực thúc đẩy pháp lý dự án cho xong.

CII tập trung triển khai những việc gì trong năm 2023?

Thứ nhất là duy trì hiệu quả dự án thu phí BOT khai thác hiệu quả “mỏ vàng” một cách hiệu quả. Thứ hai là tái cấu trúc nguồn vốn.

Các năm vừa qua CII vay mượn, phát hành trái phiếu nhiều vì các ngân hàng hạn chế cho vay BOT. Đến nay, CII đã trả khá nhiều nhưng nợ vẫn còn nhiều, đang có độ vênh giữa nợ ngắn hạn và dòng tiền dài hạn. Nếu thu hết phí trong thời gian vận hành dự án thì CII có dòng tiền 65.000 tỷ đồng trong khi nợ 12.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi trả hết nợ cả lãi cả thuế thì Công ty sẽ còn 30.000 tỷ đồng, nhưng phải 12 năm nữa mới có. Còn hiện tại có bao nhiêu thì ngân hàng thu hết.

Với câu chuyện như vậy, HĐQT cân nhắc đề xuất phương án phát hành 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, thời hạn 10 năm. Sau 1 năm cổ đông có thể chuyển đổi hoặc nhận lãi trái phiếu.

Lý do là ngân hàng đang hạn chế tín dụng, nợ xấu trong lĩnh vực BOT cao, nhưng dự án của CII có chọn lọc, dòng thu trả lãi nợ vay rất tốt nên ngân hàng thu cả lãi và cả gốc, ước tính sau 6 năm trả hết nợ thì nguồn tiền thu về rất lớn, không dưới 5.000 tỷ đồng/năm. HĐQT tính phát hành trái phiếu trả hết nợ vay của hai trạm qua Ninh Thuận và BOT Xa lộ Hà Nội. Sau đó CII có doanh thu 1.700 tỷ đồng, sau 3 năm doanh thu tăng 50% do điều chỉnh giá vé và tăng lưu lượng. Sau khi trả lãi trái phiếu thì dòng tiền đủ trả cổ tức 15%/năm và trả 3 tháng/lần. Đây là câu chuyện quan trọng cho đại hội lần này.

Về năng lực trả nợ của CII?

Về khoản nợ hợp nhất 26.000 tỷ đồng, trên tổng tài sản 40.000 tỷ đồng, một năm CII thu phí là 3.200 tỷ đồng doanh thu, trả chi phí quản lý 13% thì còn 2.850 tỷ đồng, dư sức trả lãi 10% và trả nợ gốc vay ngân hàng. Ngoài ra, Công ty còn nguồn thu từ tòa nhà Điện Biên Phủ và dự án bất động sản. Do đó, cổ đông hoàn toàn vẫn yên tâm.

CII khác các doanh nghiệp khác dù trời mưa hay nắng, dù covid hay không thì xe đi qua vẫn phải trả phí. Quý I vừa qua, tính theo doanh thu thực tế thì tăng 10%. Nếu lấy giá của quý I năm ngoái thì doanh số giảm 2%. Điều đó có nghĩa lưu lượng xe có giảm nhưng chỉ giảm 2% trong khi các ngành hàng khác giảm rất mạnh.

Khi nào CII tiếp tục tìm kiếm dự án đầu tư mới?

Năm nay CII tập trung vào 2 deal lớn tái cấu trúc nguồn vốn, bằng hợp đồng tín dụng với một tổ chức tài chính lớn và tập trung phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Lúc đó là kê cao gối ngủ, không lo việc trả nợ.

Năm 2024, Công ty bắt đầu khởi động lại dự án đầu tư mới là Trung Lương Mỹ Thuận giai đoạn 2 trước sau gì cũng phải làm. Nghị quyết 24 Chính phủ trình Quốc hội cho phép TP.HCM làm BOT trên nền đường cũ thì CII đã nhắm đến một loạt dự án nhưng nhanh thì cuối 2024 mới đấu thầu.

Sau năm 2024, Công ty sẽ kích hoạt lại đầu tư, bởi lúc đó thị trường tài chính ổn định thì đầu tư an toàn hơn nhiều.

Khi nào dòng tiền của CII dương?

Dòng tiền CII dương từ năm ngoái vì đã hoàn thành hàng loạt dự án. Các nhân sự phòng đầu tư đang đi học các công nghệ mới để chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư sau này.

CII có trách nhiệm với giá cổ phiếu vì giá đã xuống rất nhiều?

Giờ này có mua bao nhiêu cổ phiếu cũng không cứu được giá cổ phiếu khi mà bị bán cắt margin, nên Ban điều hành Công ty không thể tham gia vào mua cổ phiếu được.

Nếu không phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công thì sao?

Nếu phương án này không thành công thì chúng ta ngồi nhìn ngân hàng thu hết tiền, giá trị doanh nghiệp không được đánh giá đúng và cũng mất cơ hội chuẩn bị cho tái khởi động các dự án mới.

Khi đầu tư mới, các dự án BOT đều chốt thời gian khai thác Nhà nước đứng ra bảo hộ về tỷ suất về lãi suất đầu tư, không như hiện nay, lãi suất tăng hay giảm đều được bảo hộ. Còn hiện nay, theo luật mới, chốt thời gian khai thác đầu tư, chủ đầu tư làm, lời ăn lỗ chịu.

Ngoại trừ TP.HCM, các tỉnh khác đều không cho làm trên nền đường cũ nên lưu lượng giao thông phụ thuộc vào năng lực dự báo của chủ đầu tư, thì ngân hàng sẽ không cho vay quá 50% và trong bối cảnh nợ xấu BOT như hiện nay thì mức cho vay chỉ có thể 30%. Như dự án Trung Lương Mỹ Thuận được bảo trợ tỷ suất lợi nhuận mà chỉ vay được 44%. Hiện nay, lưu lượng thực tế còn hơn con số dự báo 20% mà cũng chỉ vay được 44%. Sau này, dự án chắc chỉ vay được 30% thôi, đó là lý do vì sao phải phát hành tăng vốn chủ sở hữu. Nếu không phát hành thì ngồi chờ 5-10 năm nữa mới tái đầu tư trở lại.

Chiến lược dài hạn CII có mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nào, có tham gia đầu tư công hay thi công xây dựng?

Chúng tôi không từ bỏ chiến lược đầu tư dài hạn với các dự án đầu tư đem lại dòng tiền tốt, là các dự án mà doanh thu phải lớn hơn trả nợ gốc và nợ vay thì ngày qua ngày mới hoàn vốn được. Một lĩnh vực quan tâm nghiên cứu là xử lý nước thải rác thải nhưng cần phải chờ luật xiết chặt hơn, không cho đổ xả rác ra đường như hiện nay.

Tôi khẳng định không tham gia vào lĩnh vực đầu tư công dù chúng ta có một công ty chuyên về xây dưng cầu đường vì đây là lĩnh vực khó nhìn nhiều từ góc độ. Công ty xây dựng chỉ làm dự án CII làm chủ đầu tư để kiểm soát chất lượng chứ không tham gia làm dự án bên ngoài kể cả lĩnh vực tư nhân.

Tin bài liên quan