Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) trao quà hấp dẫn để mời nhà đầu tư tham gia ĐHĐCĐ năm 2023 khi tỷ lệ sở hữu phân tán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII - sàn HoSE) vừa tung ra chương trình khuyến khích cổ đông tham gia Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) trao quà hấp dẫn để mời nhà đầu tư tham gia ĐHĐCĐ năm 2023 khi tỷ lệ sở hữu phân tán

Cổ đông phân tán sau sự kiện sốt đất Thủ Thiêm cuối năm 2021

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 26/4 tại TP. HCM. Trong đó, để khuyến khích nhà đầu tư tham gia, mới đây Công ty đã công bố thêm phần quà tri ân nếu nhà đầu tư tham gia đại hội.

Cụ thể, Công ty cho biết, tùy thuộc vào số lượng cổ phần sở hữu của cổ đông, cổ đông tham gia Đại hội sẽ nhận quà bằng tiền (không nói số tiền cụ thể).

Nếu muốn nhận quà, cổ đông phải đăng ký tham dự đại hội. Trong đó, cổ đông đã đăng ký nhận quà khi tham dự đại hội mà không đi đại hội, số cổ phần này được ủy quyền cho Trưởng Ban kiểm soát Công ty CII được thay cổ đông tham dự và bỏ phiếu.

Thực tế, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM là một doanh nghiệp khá đặc biệt khi tỷ lệ cổ đông phân tán sau cơn sốt cổ phiếu cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi nhà đầu tư kỳ vọng hưởng lợi từ giá bất động sản Thủ Thiêm (TP. HCM) được tái định giá lại sau các đợt đấu giá kỷ lục.

Trong đó, thống kê từ ngày 27/9/2021 đến ngày 7/1/2022, cổ phiếu CII tăng 239% từ 17.100 đồng lên 57.900 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi các đơn vị tham gia đấu giá bỏ cọc tại Thủ Thiêm, cơn sốt cổ phiếu hưởng lợi quay đầu, cổ phiếu CII bước vào giai đoạn giảm, mất thanh khoản.

Thống kê từ ngày 7/1/2022 đến ngày 21/6/2022, cổ phiếu CII giảm 74,3% từ 57.900 đồng về 14.900 đồng/cổ phiếu.

Kể từ khi cổ phiếu CII mất thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài gia tăng, Công ty ngay lập tức không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.

Trong đó, tại lần tổ chức lần 1 vào ngày 25/4/2022, Công ty chỉ có 73 đại biểu, đại diện 58,48 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 23,85% tổng số lượng cổ phiếu và không thể tổ chức ĐHĐCĐ; tại lần tổ chức thứ 2 vào ngày 20/5/2022, có cổ đông đại diện 80,89 triệu cổ phiếu, tương ứng 33,03% tổng số cổ phần có quyền biểu quyền, vì vậy mới tổ chức.

Theo Điều lệ năm 2021 của CII quy định, Đại hội đồng cổ đông lần 1 tổ chức phải có trên 50% tổng số cổ phần biểu quyết tham dự; lần 2 phải ít nhất 33% tổng số cổ phần biểu quyết tham dự; và lần 3 không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông tham dự.

Theo tìm hiểu, danh sách cổ đông của CII tại thời điểm 30/3/2021 (trước cơn sốt giá cổ phiếu CII cuối năm 2021), Công ty có 3 cổ đông lớn bao gồm Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. HCM sở hữu 10,07% vốn điều lệ; Amersham Industries Limited sở hữu 6,34% vốn điều lệ; VIAC (NO.1) Limited Partnership sở hữu 10,55% vốn điều lệ; và còn lại 73,04% vốn điều lệ về cổ đông nhỏ.

Tuy nhiên, tính tới 28/3/2022 (sau cơn sốt cổ phiếu cuối năm 2021), công ty chỉ còn 1 cổ đông lớn là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. HCM sở hữu 8,49% vốn điều lệ; và còn lại 91,51% thuộc về cổ đông nhỏ.

Như vậy, sau cơn sốt cổ phiếu CII cuối năm 2021, tỷ lệ trôi nổi của cổ đông nhỏ tăng từ 73,04% lên 91,51% vốn điều lệ.

Thêm nữa, tính tới cuối năm 2022, Chủ tịch Lê Vũ Hoàng chỉ sở hữu 0,16% vốn điều lệ; Tổng giám đốc Lê Quốc Bình sở hữu 2,4% vốn điều lệ; và các thành viên HĐQT và Ban điều hành khác sở hữu không đáng kể.

Năm 2023, CII đặt kế hoạch lợi nhuận giảm gần một nửa, về 469,27 tỷ đồng

Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Trong năm 2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.154,59 tỷ đồng, giảm 31,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 469,27 tỷ đồng, giảm 49,5% so với thực hiện trong năm 2022.

Về cổ tức, Công ty trình cổ đông kế hoạch cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt và bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến 15% bằng tiền mặt.

Một nội dung đáng chú ý khác, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM dự kiến thưởng cổ phiếu tỷ lệ 14%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 14 cổ phiếu mới, nguồn vốn thực hiện là vốn chủ sở hữu. Như vậy, nếu phát hành thành công, vốn điều lệ tăng từ 2.840,2 tỷ đồng lên 3.193,3 tỷ đồng.

Huy động 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi từ cổ đông

Đối với trái phiếu, Công ty dự kiến tạm dừng thực hiện chuyển đổi đợt 5 dự kiến ngày 3/5/2023 của trái phiếu chuyển đổi mã CII42013.

Bên cạnh đó, Công ty dự kiến phát hành hai gói trái phiếu với tổng mệnh giá 4.500 tỷ đồng, đây là trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền; đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu.

Lãi suất của hai lô trái phiếu này đều được trả 3 tháng một lần, lãi suất 10%/năm cho 4 kỳ đầu và sau đó thả nổi với biên độ 2,5%/năm cộng với lãi suất tiền gửi bình quân 12 tháng tại Vietcombank và VietinBank.

CII lên kế hoạch huy động 4.500 tỷ đồng trái phiếu từ cổ đông.
CII lên kế hoạch huy động 4.500 tỷ đồng trái phiếu từ cổ đông.

Trong đó, riêng gói 2, Công ty dự kiến huy động 1.977,78 tỷ đồng, mục đích huy động vốn để thanh toán 500 tỷ đồng trái phiếu CIIB2024009; thanh toán 590 tỷ đồng trái phiếu CIIB2124001; góp vốn và/hoặc đầu tư trái phiếu Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận.

Được biết, tính tới 31/12/2022, CII đang có tổng dư nợ lên tới 14.582,3 tỷ đồng, chiếm tới 51,1% tổng nguồn vốn. Trong đó, 5.166,4 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và còn lại 9.415,9 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.

Theo lịch trả nợ, trong vòng 1 năm phải trả 3.585,86 tỷ đồng (3.161 tỷ đồng là trái phiếu); trong năm 2 phải trả 2.771,4 tỷ đồng (trái phiếu 1.590 tỷ đồng); trong năm từ năm 3 đến năm 5 là 2.807,7 tỷ đồng (trái phiếu 372,3 tỷ đồng); và sau 5 năm là 3.863,9 tỷ đồng (trái phiếu 1.150 tỷ đồng).

Ngược lại, tính tới cuối năm 2022, Công ty chỉ sở hữu quỹ tiền là 904,1 tỷ đồng, thấp hơn nhu cầu trả nợ trong vòng 1 năm lên tới 3.585,86 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/4, cổ phiếu CII tăng 400 đồng lên 15.400 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan