Hạ tầng kết nối Bình Dương với TP.HCM dần thông suốt. Ảnh: Lê Toàn

Hạ tầng kết nối Bình Dương với TP.HCM dần thông suốt. Ảnh: Lê Toàn

“Ông lớn” bất động sản đổ bộ về Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường Bình Dương đang thu hút hàng loạt nhà phát triển bất động sản từ TP.HCM.

“Bến đỗ” của nhiều doanh nghiệp

Nếu như thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 diễn biến khá trầm lắng thì Bình Dương đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư, với các công trình nhà ở đang được thi công rầm rộ.

Năm 2020, bất động sản Bình Dương “trỗi dậy” với nguồn cung mới lên đến 5.627 sản phẩm đất nền và khoảng 10.526 căn hộ. Quý I/2021, Bình Dương tiếp tục chứng tỏ “phong độ” khi vượt TP.HCM với 7 dự án mới được mở bán, đưa ra thị trường gần 1.900 sản phẩm, chiếm 53,8% nguồn cung mới của khu vực TP.HCM và các tỉnh, thành phố lân cận.

Tại TP. Dĩ An, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bcons là một trong những chủ đầu tư có quỹ đất khá lớn với 4 dự án đưa ra thị trường. Đầu năm 2021, doanh nghiệp này cho ra mắt dự án chung cư với tên gọi Bcons Plaza nằm trên mặt tiền đường Thống Nhất, gần nút giao Xa lộ Hà Nội với 1.285 căn hộ, giá khoảng 33 - 35 triệu đồng/m2.

Cạnh đó, Tập đoàn Bất động sản An Gia cũng là cái tên gây nhiều chú ý khi liên tục ra mắt dự án mới. Năm ngoái, An Gia đã thành công với dự án đầu tay ở Bình Dương là Khu nhà phố biệt lập The Standard (quy mô gần 7 ha, gồm 374 căn nhà liền kề và shophouse). Theo tiết lộ của chủ đầu tư, dự án đã thu hút lượng quan tâm rất lớn của khách hàng. Dự kiến trong quý IV năm nay, An Gia sẽ cho ra mắt thị trường dự án căn hộ The Gió Riverside, quy mô hơn 3.000 sản phẩm tại trung tâm TP. Dĩ An.

Bình Dương đang xuất hiện những điểm nóng bất động sản mới, thay vì chỉ bó hẹp ở các khu vực giáp TP.HCM như Dĩ An.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm Quy hoạch, Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương

Mới đây, Công ty cổ phần Asia New Time công bố ra thị trường dự án nhà phố liên kế Cité D’amour. Dự án nằm ngay mặt tiền đường Đông Tác, có quy mô 77 căn nhà phố liền kề đang được công bố từ 4,5 - 5 tỷ đồng/căn.

Cũng là thị trường từng trải qua nhiều giai đoạn nóng - lạnh, nhưng hơn một năm qua, TP. Thuận An thu hút nhiều tập đoàn có thương hiệu và uy tín đến đầu tư. Nhiều dự án căn hộ mới được mở bán tại đây với mức giá khá cao, từ 35 triệu đồng/m2 đến hơn 40 triệu đồng/m2.

Chẳng hạn, dự án Emerald Golf View Bình Dương, nằm trên quốc lộ 13, do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lê Phong làm chủ đầu tư được bán với mức giá vượt mốc 40 triệu đồng/m2 và là một trong những dự án căn hộ có giá cao tại Bình Dương.

Dự án Anderson Park sau một thời gian dài ế ẩm đã được đổi tên thành Lavita Thuận An khi về tay Hưng Thịnh Land cũng đang được chào bán với giá từ 32 triệu đồng/m2. Dự kiến khi hoàn thành, Lavita Thuận An sẽ cung cấp cho thị trường gần 2.500 căn hộ.

Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt đang được biết đến là chủ đầu tư của dự án có số lượng căn hộ lớn nhất tại Bình Dương, với 5.000 căn hộ diện tích 49 - 81 m2 vừa được giới thiệu ra thị trường.

Báo cáo mới đây của Công ty DKRA Vietnam cho thấy, trong quý I/2021, Bình Dương được ghi nhận là thị trường bất động sản trỗi dậy mạnh mẽ ở khu vực phía Nam. Nếu tính tổng nguồn cung các dự án hiện hữu vẫn đang trong quá trình triển khai, Bình Dương đang có gần 40.000 sản phẩm, tăng gần gấp 10 lần so với 4 năm trước đó.

Cùng với sự sôi động về dự án ra hàng, giá bất động sản tại thị trường Bình Dương cũng tăng cao. Nhiều dự án có giá bán tăng từ 40 - 50% so với những dự án lân cận được mở bán trước đó; mức giá trung bình từ 22 - 28 triệu đồng/m2 (2018) lên mức 35 - 40 triệu đồng/m2. Một số dự án còn chào bán với giá 40 - 45 triệu đồng/m2, thậm chí chạm mức 60 - 70 triệu đồng/m2.

Thị trường tiềm năng

Sự năng động của chính quyền tỉnh Bình Dương trong việc đẩy mạnh đầu tư công được xem là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản nơi này sôi động hơn, nhất là các đề án đầu tư hạ tầng giao thông và nâng cấp đô thị mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc Trung tâm Quy hoạch, Viện Quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương cho biết, trong năm nay, Bình Dương lên kế hoạch rót hơn 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng trọng điểm. Còn ở kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2024, Hội đồng Nhân dân tỉnh thống nhất kế hoạch đầu tư công với số tiền lấy từ ngân sách địa phương khoảng 53.000 tỷ đồng.

“Bình Dương đang xuất hiện những khu vực bất động sản mới, thay vì chỉ bó hẹp ở các khu vực giáp TP.HCM như Dĩ An”, ông Hiếu nói và thông tin thêm, huyện Tân Uyên là một ví dụ cho điểm nóng phát triển mới của Bình Dương. Theo đó, Tân Uyên phấn đấu đạt đô thị loại II trước năm 2025, phát triển theo hướng đô thị thông minh trên cơ sở bảo đảm định hướng quy hoạch, phát triển đô thị của tỉnh.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group - một trong những doanh nghiệp tiên phong chọn Bình Dương làm bến đỗ - nhận định rằng, thị trường bất động sản Bình Dương sẽ còn phát triển mạnh mẽ, bởi tỉnh này hiện là “thủ phủ công nghiệp” phía Nam, với 48 khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam.

Cơ sở để đánh giá tiềm năng, theo ông Phúc là có 3 động lực chính. Thứ nhất, hạ tầng đồng bộ, việc mở rộng Quốc lộ 13, DT43 hay các cao tốc... giúp quãng đường di chuyển từ TP.HCM về địa phương này thuận lợi hơn. Thứ hai, nhu cầu nhà ở cao khi tỷ suất di cư thuần tại Bình Dương cao nhất cả nước, đạt hơn 200%. Thứ ba, chính sách liên quan đến FDI tốt, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài, kéo theo lượng chuyên gia lớn. Tỷ suất lợi nhuận cho thuê đạt 8 - 12% cũng là yếu tố giúp thị trường này hút nhà đầu tư.

“Bình Dương có sự phát triển vượt bậc về kinh tế vượt bậc, tốc độ đô thị hóa nhanh, vốn đầu tư nước ngoài lớn và trở thành điểm đến của một lượng cư dân đến làm việc và lập nghiệp, bao gồm các chuyên gia, người lao động tri thức cao cả trong và ngoài nước”, ông Phúc nói và nhấn mạnh, nếu lấy TP.HCM là trung tâm số 1 ở phía Nam thì Bình Dương chỉ đứng sau TP.HCM.

Dù có nhiều tiềm năng, song thị trường bất động sản Bình Dương cũng đang đối mặt với nguy cơ lệch pha cung - cầu. Hiện đã xuất hiện những hoài nghi về khả năng hấp thụ thực tế của thị trường, đặc biệt trên phân khúc căn hộ nếu mỗi năm đón nhận lượng cung mới lên tới 15.000 - 20.000 sản phẩm, trong khi điều kiện kinh tế, hạ tầng xã hội vẫn còn hạn chế so với TP.HCM.

Thực tế, đây không phải lần đầu Bình Dương gặp tình trạng người mua thực ít, dân đầu tư nhiều. Trước đây, nhiều dự án bất động sản vùng ven của Bình Dương ghi nhận sức mua tốt nhưng chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ đến từ TP.HCM mua đầu tư “lướt sóng”.

Điều này làm phát sinh thực trạng dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng vắng bóng người sinh sống. Nếu chỉ hướng về đối tượng giới chuyên gia, lao động kỹ thuật tay nghề cao - vốn vẫn chuộng thuê nhà ở tại TP.HCM hơn là về Bình Dương sinh sống - thì câu chuyện dư cung, thiếu thanh khoản thực là nguy cơ có thể xuất hiện trở lại tại thị trường này.

Tin bài liên quan