Nhiều chương trình, sự kiện được tổ chức nhằm kéo nhà mua hàng quốc tế tới Việt Nam. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều chương trình, sự kiện được tổ chức nhằm kéo nhà mua hàng quốc tế tới Việt Nam. Ảnh: Dũng Minh

“Ông lớn” đổ bộ Việt Nam tìm nhà cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các nhà mua hàng toàn cầu, gồm Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Amazon, Walmart (Mỹ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)… sẽ đổ bộ Việt Nam tìm kiếm nhà cung ứng hàng hóa.

Kết nối các nhà cung ứng quốc tế

Khoảng 150 đoàn thu mua đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tới Việt Nam vào đầu tháng 9 tới để tìm kiếm đối tác mua hàng trong nhiều lĩnh vực như: thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, túi xách, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất, công nghiệp hỗ trợ... Điểm đến của họ là sự kiện Kết nối các nhà cung ứng quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023 do Bộ Công thương tổ chức.

Trước thềm sự kiện, ông Christian Merizalde Aguilar, Phụ trách chiến lược kinh doanh của Grupo Merica Foods cho biết, Công ty đặt văn phòng chính tại Tây Ban Nha, có tổng kho phân phối hàng hóa nhập khẩu từ châu Á và đưa hàng đi khắp châu Âu. Grupo Merica Foods đang dịch chuyển kinh doanh từ Thái Lan sang Việt Nam, theo đó sẽ nhập khẩu khoảng 110 container hàng hóa từ Việt Nam trong năm 2023, tăng mạnh so với 77 container trong năm ngoái.

“Chất lượng hàng hóa Việt Nam ngày càng cải thiện và có tính cạnh tranh cao. Grupo Merica Foods sẽ làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất của Việt Nam để cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường quốc tế”, ông Christian Merizalde Aguilar nói và cho rằng, việc Việt Nam đang thực thi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) là lực hút đáng kể đối với các nhà mua hàng.

Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng cấp cao Phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á, Tập đoàn Walmart, Việt Nam sẽ trở thành điểm sản xuất thuê bên ngoài (outsourcing) chính tại Đông Nam Á, châu Á của Tập đoàn. Đến năm 2027, dự kiến thị phần thu mua tại Việt Nam sẽ tăng lên không chỉ với các mặt hàng quần áo, giày dép, mà còn nhiều sản phẩm khác, không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, mà cả các công ty 100% vốn Việt Nam.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart, với các sản phẩm chủ lực gồm hàng dệt may, đồ gia dụng, điện tử và thực phẩm chế biến sẵn. Ông Avineesh Gupta, Phó chủ tịch điều hành phụ trách nguồn cung hàng dệt may và hàng tiêu dùng nhanh sẽ dẫn đầu đoàn của Walmart tham dự sự kiện nêu trên. 6 ngành hàng được nhà bán lẻ này tập trung thu mua gồm quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng, đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Trong khi đó, nguồn tin từ Tập đoàn Aeon cho hay, đại diện mua hàng trong hệ thống từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia sẽ sang Việt Nam trong dịp này. Mục tiêu của đoàn thu mua là tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của Aeon để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam, mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu. Đại diện các nhà mua hàng thuộc Aeon còn có các hoạt động đi thăm vùng nguyên liệu, vùng trồng, nhà máy sản xuất...

Sự ổn định trong chuỗi cung ứng của Aeon trên toàn cầu những năm qua có sự góp sức của các nhà cung ứng tại Việt Nam. Tới đây, tập đoàn này sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của Aeon để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam, mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu. Với nhóm hàng dệt may, Aeon chú trọng những sản phẩm may mặc có tính năng tích hợp, như chống tia UV, chống thấm nước...

Tăng tiêu chuẩn với hàng hóa thu mua

Vietnam International Sourcing 2023 diễn ra trong bối cảnh những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu, với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn cho biết, muốn thu mua nhiều hàng hóa Việt Nam, nhưng yêu cầu về chất lượng hàng nhập khẩu đã thay đổi nhiều so với trước đây, tức là yêu cầu cao về sản phẩm có tính bền vững, quá trình sản xuất giảm phát thải, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu đầu vào... Những yêu cầu này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng để theo kịp xu thế thương mại.

Để có thể gia nhập chuỗi giá trị trị giá hàng tỷ USD của Walmart trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi: xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn, giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistic, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm. Walmart cũng lưu ý những yếu tố quan trọng khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam, gồm năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

“Mỹ đang có nhu cầu hàng hóa từ Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường nhận nhiều lời chào hàng từ nhiều doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Theo đó, việc các nhà sản xuất Việt Nam tổ chức sản xuất theo hướng xanh, ít phát thải và tuân thủ các cam kết môi trường sẽ là điểm cộng hút đơn hàng”, ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ San Francisco (Mỹ) tiết lộ.

Trong khi đó, đại diện Takko (Đức) chia sẻ, doanh nghiệp này đang tăng nhu cầu nhập hàng từ Việt Nam. Nhóm sản phẩm có tiềm năng và quan trọng trong chiến lược phát triển của Takko là quần áo thể thao, quần áo ngoài trời, áo thun, quần tây. “Muốn mở rộng cung cấp các mặt hàng này cho nhà mua hàng, doanh nghiệp Việt phải tập trung đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất, nguồn gốc chất lượng vải, đưa ra mức giá cạnh tranh”, ông Radek Sorcik, Giám đốc cấp cao Mua hàng, Quản lý chất lượng và Môi trường, xã hội, quản trị của Takko nói.

Sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2023 diễn ra từ ngày 13 đến 15/9/2023 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC, TP.HCM), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Tin bài liên quan