Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI: Thanh khoản rơi bởi thị trường thiếu giải pháp lớn

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch VAFI: Thanh khoản rơi bởi thị trường thiếu giải pháp lớn

(ĐTCK) Phó chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, việc TTCK giảm nhịp giao dịch chủ yếu do thiếu các giải pháp lớn. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao khiến người có tiền không mặn mà với đầu tư chứng khoán. Để thị trường sôi động hơn, đòi hỏi phải đưa các giải pháp lớn vào thực thi. 

Nhịp giao dịch yếu, thanh khoản giảm là diễn biến xảy ra trên cả thị trường cơ sở và phái sinh kể từ đầu năm đến nay. Mức giảm lên tới 40% khiến nhiều thành viên thị trường, nhất là khối công ty chứng khoán đạt hiệu quả kinh doanh thấp trong quý I. Theo ông, thực trạng này là vì sao?

Xét về mặt bằng giá, TTCK Việt Nam không thật rẻ so với nhiều TTCK lân cận. Ðặc biệt, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn, thanh khoản cao thì giá đã rất cao, chẳng hạn PE từ 30 - 100 lần. Tuy nhiên, giá cao chỉ là lý do nhãn tiền.

Lý do sâu xa hơn là TTCK thiếu vắng các giải pháp lớn, thực sự có tác dụng cải thiện môi trường đầu tư. Trong khi đó, có những giải pháp đã được nhà đầu tư kiến nghị 5-7 năm, nhưng đến nay vẫn không thực hiện được. 

Cụ thể đó là những kiến nghị gì?

Thứ nhất là quy định về nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ đầu tư tại DN Việt. Chúng tôi cũng như một số tổ chức đầu tư đã từng kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó có việc cần rõ ràng câu chuyện về room, tức là cần có một danh mục riêng, quy định cụ thể tỷ lệ được phép đầu tư tối đa của khối ngoại trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (hiện quy định về việc này nằm rải rác ở các bộ, ngành).

Cùng với đó là cần cho phép nhà đầu tư nước ngoài khi lập DN ở Việt Nam thì coi đó là pháp nhân trong nước. Ðây là một tồn tại nổi cộm của thị trường vốn Việt Nam.

Thứ hai là câu chuyện về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Tiến trình này diễn ra quá chậm dẫn đến những hệ lụy cho thị trường vốn và nền kinh tế. Nếu cổ phần hóa được, bán vốn được, sẽ không chỉ giải phóng nguồn lực tồn đọng, mà còn tạo nguồn thu mới cho ngân sách và từ đó sẽ giảm nợ công, giảm áp lực Chính phủ đi vay trong nền kinh tế qua phát hành trái phiếu chính phủ.

Nếu như năm 2018, lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức 3-5%, thì sang đầu năm 2019, nhiều loại trái phiếu chính phủ được huy động với lãi suất gần 6%, cạnh tranh với lãi suất ngân hàng.

Theo đó, lãi suất ngân hàng được đẩy lên dẫn đến 2 tác động tiêu cực: các DN phải chịu chi phí lãi vay cao, còn người có tiền có xu hướng gửi tiết kiệm, vừa an toàn, vừa lãi tốt. Có một nghịch lý là ở nhiều quốc gia, mặt bằng lãi suất cho vay DN đầu tư, kinh doanh cũng chỉ 1,5%-3%, nhưng tại Việt Nam, lãi suất vay ưu đãi mua nhà ở xã hội cũng đang cao gấp đôi, gấp ba con số này. 

Cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã thống nhất hướng xử lý chuyện về room bằng việc dự án Luật Ðầu tư sẽ xây dựng một danh mục mới, quy định ngành nghề đầu tư nước ngoài bị hạn chế với tỷ lệ cụ thể. Quyết sách này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến TTCK, theo ông?

Dự án Luật Ðầu tư làm được việc này là rất đáng mừng cho môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhưng dự án Luật Chứng khoán cũng cần phải quy định rõ việc nới room không phụ thuộc vào Ðại hội đồng cổ đông hay HÐQT các doanh nghiệp.

DN không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải tự động nới room để tạo sự bình đẳng trong thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Việc sửa Luật cần ít nhất 1-2 năm nữa, trong khi TTCK giao dịch hàng ngày, nên theo tôi, nhà đầu tư đón nhận thông tin trên trong sự chờ đợi dài hạn, chứ không phản ánh ngay vào cung - cầu hiện tại. 

Trong diễn biến gần hơn, Sở GDCK TP. HCM chuẩn bị cho ra sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW), còn Sở GDCK Hà Nội dự kiến ra mắt sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ trong tháng tới. Với tư cách là nhà đầu tư, ông có tin rằng, sản phẩm mới sẽ kích hoạt sự sôi động của TTCK trở lại?

Dù có kích hoạt được hay không thì đây cũng chỉ là những giải pháp nhỏ trong tổng thể nhiều vấn đề lớn, tồn đọng đã lâu chưa được xử lý. Muốn TTCK thu hút được nguồn lực từ dân, nhất là các dòng vốn chuyên nghiệp thì thị trường phải minh bạch và phải có sức cạnh tranh trong thu hút vốn.

Tôi cho rằng, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần xử lý 2 điểm lớn: đó là giảm lãi suất ngân hàng và xây nền tảng pháp lý mới có khả năng thu hút nguồn vốn và công nghệ hiện đại. Theo quan sát của VAFI, Ðề án Tái cấu trúc TTCK đến năm 2020 mà Chính phủ ban hành đầu năm 2019 đã đưa ra nhiều giải pháp hướng thị trường đến nền tảng cao hơn. Ðiều mà các nhà đầu tư như chúng tôi chờ đợi là sự thay đổi thực tế đến từ các giải pháp này.

Tin bài liên quan