Ảnh AFP

Ảnh AFP

Ông Trump lại khiến giới đầu tư lo sợ

(ĐTCK) Chưa kịp vui mừng với khả năng Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại, giới đầu tư lại đối mặt với nỗi lo cuộc chiến thương mại mới giữa 2 bờ Đại Tây Dương.

Sau khi thoát khỏi sắc đỏ trong phiên đầu tuần mới, phố Wall đã đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Ba (9/4), khiến S&P chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tiếp khi những nỗi lo mới đến với nhà đầu tư.

Theo đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể chậm lại do cuộc chiến thương mại và rắc rối trong tiến trình Brexit. Trung Quốc, Đức và các nền kinh tế lớn khác có thể cần phải thực hiện các hành động ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng.

Trong khi cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng chưa ngã ngũ chính thức, thì một cuộc chiến mới nhăm nhe bùng nổ. Theo đó, ông Trump hôm thứ Ba đe dọa sẽ áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ EU trị giá 11 tỷ USD, gồm máy bay thương mại và các bộ phận, cũng như một số sản phẩm sữa, rượu vàng để trả đũa các khoản trợ cấp cho Airbus.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số Dow Jones giảm 190,44 điểm (-0,72%), xuống 26.150,58 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,57 điểm (-0,61%), xuống 2.878,20 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 44,61 điểm (-0,56%), xuống 7.909,28 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm khá mạnh trong phiên thứ Ba sau khi Tổng thống Mỹ Trump đe dọa đánh thuế lên 11 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu và IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 26,32 điểm (-0,35%), xuống 7.425,57 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 112,83 điểm (-0,94%), xuống 11.850,57 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 35,35 điểm (-0,65%), xuống 5.436,42 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và máy móc. Chứng khoán Hồng Kông cũng duy trì đà tăng nhờ nhà đầu tư phản ứng tích cực với tuyên bố một chính sách mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới của Bắc Kinh. Trong khi đó, thông tin trên chỉ giúp chứng khoán Trung Quốc đại lục hãm bớt đà giảm do nhà đầu tư thận trọng trước sự không chắc chắn của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 9/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 40,94 điểm (+0,19%), lên 21.802,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,15 điểm (-0,16%), xuống 3.239,66 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 80,34 điểm (+0,27%), lên 30.157,59 điểm.

Việc Mỹ đánh thuế với hàng hóa nhập từ châu Âu đã làm gia tăng mối lo mới cho nhà đầu tư, qua đó hỗ trợ cho giá vàng duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 9/4, giá vàng giao ngay tăng 6,6 USD (+0,51%), lên 1.303,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 6,4 USD (+0,49%), lên 1.308,3 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô đảo chiều giảm từ mức cao nhất 5 tháng sau khi Nga tuyên bố có thể nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC.

Kết thúc phiên 9/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,42 USD (-0,65%), xuống 63,98 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,49 USD (-0,69%), xuống 70,61 USD/thùng.

Tin bài liên quan