ParkCity: Đối tác ngoại chơi bài "tay không bắt giặc"

ParkCity: Đối tác ngoại chơi bài "tay không bắt giặc"

(ĐTCK)Thị trường bất động sản ảm đạm, cộng với những khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng và huy động vốn của khách hàng khiến năng lực thực sự của dòng vốn ngoại bị phơi bày.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều nhà đầu tư đàng hoàng, cũng có không ít nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với ý định “tay không bắt giặc”, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, trong đó Dự án ParkCity là một ví dụ điển hình.

ParkCity nằm trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội), có diện tích 77,4 héc-ta do CTCP Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam (VDIC) làm chủ đầu tư. VDIC là liên doanh giữa CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành (chiếm 40%) và đối tác Malaysia là Công ty TNHH Perdana Parkcity Pte (chiếm 60%).

ParkCity: Đối tác ngoại chơi bài "tay không bắt giặc" ảnh 1

 Khách hàng lo lắng khi sự cố sụt lún móng ở Tiểu khu 1, Dự án ParkCity không được khắc phục

Theo hợp đồng liên doanh, phía nước ngoài chịu trách nhiệm huy động vốn cho Dự án. Tuy nhiên, trong số gần 1.900 tỷ đồng chủ đầu tư đã đổ vào dự án này, vốn ngoại chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Cụ thể, khách hàng Việt Nam đã góp vốn bằng quyền mua nhà thấp tầng trị giá gần 500 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho vay 846 tỷ đồng, trong đó giải ngân hơn 700 tỷ đồng, phía Việt Nam trong liên doanh góp vốn khoảng 130 tỷ đồng.

Đến nay, khi thời hạn bàn giao nhà chỉ còn vài tháng, Dự án ParkCity vẫn đang dở dang và nhiều khả năng không kịp tiến độ. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có sự bất đồng quan điểm trong xử lý sự cố sụt lún nền Tiểu khu 1 nhà thấp tầng và thu xếp vốn đầu tư cho Dự án.

Anh Phạm Thanh H, một khách hàng mua nhà tại Dự án cho biết, thông tin Dự án bị ngừng thi công do lỗi kỹ thuật, khách hàng có nghi ngờ từ lâu. Vì thế, đại diện khách hàng đã có nhiều văn bản gửi đến chủ đầu tư yêu cầu giải đáp thông tin.

Đến giữa tháng 5/2012, chủ đầu tư đã có cuộc gặp mặt đại diện khách hàng thông báo về tiến độ Dự án. Theo thông báo của chủ đầu tư, Dự án Park City bị chậm do sự cố nứt bề mặt móng và móng lún quá mức cho phép.

Theo đại diện khách hàng, việc Dự án bị nứt móng và lún móng là rất nghiêm trọng. Vì thế, yêu cầu chủ dự án cần thay đổi phương án thiết kế. Cụ thể, cần bỏ toàn bộ phần móng cũ không đảm bảo chất lượng và xử lý nền móng bằng phương pháp ép cọc bê tông.

Yêu cầu của khách hàng đã được chủ đầu tư cân nhắc thực hiện, khi tiến hành phá dỡ 4 dãy móng tại Tiểu khu Ngọc Lan. Tuy nhiên, sau đó, việc phá dỡ bị dừng lại khiến khách hàng hết sức lo lắng.

Vị đại diện khách hàng này cho biết, việc chủ dự án không tiếp tục phá dỡ phần móng bị nứt, khiến Dự án có thể bị chậm và không biết khi nào mới hoàn thành. Trong khi đó, yêu cầu giải đáp thông tin giải quyết sự cố sụt lún móng của khách hàng không nhận được hồi âm của chủ đầu tư. Một cuộc hẹn gặp đại diện chủ đầu tư của khách hàng cũng chưa được đáp ứng.

Riêng số tiền để khắc phục sự cố trên, theo chủ đầu tư, lên tới trên 100 tỷ đồng. Dự án muốn tiếp tục triển khai cần một lượng vốn lớn. Tuy nhiên, thị trường ảm đạm, cộng với những khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng và huy động vốn của khách hàng khiến năng lực thực sự của dòng vốn ngoại bị phơi bày.

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo của VDIC thừa nhận, vốn đầu tư cho Dự án thời gian qua chủ yếu là đi vay ngân hàng và khách hàng Việt Nam. Trong khi đó, một nguồn tin của ĐTCK cho biết, trong nội bộ phía Việt Nam góp vốn vào dự án này đang có bất đồng sâu sắc. Có cổ đông cho rằng, phía nước ngoài trong liên doanh đã không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc liên doanh vay vốn ngân hàng Việt Nam, nhưng lại đưa ra điều khoản là trong trường hợp không trả được nợ, các cổ đông sẽ phải trả thay là hết sức vô lý. Khi thành lập liên doanh để đầu tư Dự án, trách nhiệm lo vốn đầu tư đã được quy định rõ cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, hiện một số nhà đầu tư không còn tin tưởng vào năng lực của đối tác ngoại tham gia Dự án.

Trong khi các bên còn tranh cãi, Dự án hầu như vẫn án binh bất động. Lo lắng hơn cả chính là những khách hàng đã bỏ ra gần 500 tỷ đồng để cho chủ đầu tư vay vốn. Chuyện đúng sai về năng lực của chủ đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang là câu chuyện tiếp tục được tìm hiểu trên
thị trường.

 

> Nhiều câu hỏi lớn về Dự án ParkCity

> Cận cảnh dự án Park City trước nỗi lo sụt lún